Quy mô và sức ảnh hưởng toàn cầu của hội sách lớn nhất thế giới

Hội sách Frankfurt 2024 là một trong những chương trình có quy mô lớn và đa dạng nhất từ trước đến nay, theo Publishers Weekly.

Nỗ lực vượt qua ảnh hưởng hậu đại dịch Covid-19, hội sách Frankfurt năm nay, diễn ra từ ngày 16-20/10, đang triển khai một trong những chương trình hấp dẫn và đa dạng nhất từ trước đến nay.

Với khẩu hiệu “Read!ng”, hội sách năm nay hướng đến sự đa dạng, đa định dạng của ngành xuất bản trong thời đại kỹ thuật số, đồng thời vẫn giữ đúng vai trò cơ bản của mình là sự kiện lớn nhất thế giới về trao đổi bản quyền văn học.

Juergen Boos, Giám đốc Hội sách Frankfurt cho biết: “Đọc là hoạt động cần thiết cho ngành công nghiệp của chúng tôi và cho cả hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Và không quan trọng là phương tiện truyền thông nào, có thể là sách nói, là podcast hay bất cứ thứ gì.” Nhưng ngoài đọc sách, vai trò của hội sách trong việc phát triển ngành xuất bản, xóa mù chữ, phát triển kỹ năng viết và tự do trao đổi ý tưởng nhằm hướng tới sự tiến bộ trong văn hóa, văn minh cũng cần được thúc đẩy.

Phục hồi sau đại dịch

Số người tham dự hội sách Frankfurt chưa trở lại quy mô như năm 2019, nhưng đã tăng đều đặn. Năm 2023, sự kiện này đã thu hút được 105.000 chuyên gia xuất bản và 4.000 đơn vị triển lãm.

Hoạt động mua bán bản quyền vẫn là trọng tâm của Hội sách Frankfurt và nhu cầu về không gian để các chuyên gia về bản quyền gặp gỡ vẫn tiếp tục tăng. Trung tâm đại diện và hướng đạo văn học (LitAg) của Frankfurt đã kín chỗ, với kỷ lục 540 bàn được đặt trước.

Hội sách năm nay cũng mở Trung tâm bản quyền nhà xuất bản để tạo điều kiện cho nhân viên phụ trách bản quyền từ các nhà xuất bản có thể giao lưu và thỏa thuận.

 Bốn cái tên lớn Richard Sarnoff, Jonathan Karp, Madeline McIntosh và David Shelley sẽ phát biểu tại Hội sách Frankfurt năm nay. Ảnh: Publishers Weekly.

Bốn cái tên lớn Richard Sarnoff, Jonathan Karp, Madeline McIntosh và David Shelley sẽ phát biểu tại Hội sách Frankfurt năm nay. Ảnh: Publishers Weekly.

Ngoài ra, hội sách Frankfurt sẽ một lần nữa đóng vai trò là nền tảng để các CEO xuất bản chia sẻ về doanh nghiệp của họ. Cuộc đối thoại của các CEO nhóm 50 công ty lớn nhất toàn cầu sẽ có nhiều cái tên như CEO Simon & Schuster Jonathan Karp, Chủ tịch Richard Sarnoff của Quỹ đầu tư KKR Private Equity.

Là chủ sở hữu mới của Simon & Schuster, KKR cho biết họ có kế hoạch mở rộng hoạt động mảng xuất bản ra quốc tế. Cho đến nay, họ đã mua lại nhà xuất bản Hà Lan Veen Bosch & Keuning vào tháng 5 và công bố quan hệ đối tác với Les Nouveaux Éditeurs của Pháp.

Les Nouveaux Éditeurs là một liên doanh xuất bản mới của Arnaud Nourry, cựu CEO của Hachette Livre. Ông cũng sẽ phát biểu tại hội sách năm nay.

Ngoài ra, CEO của Hachette David Shelley sẽ chia sẻ những hiểu biết từ vai trò lãnh đạo kép mới của ông tại cả hai thị trường Mỹ và Anh. Đồng thời, cựu CEO của Penguin Random House Madeline McIntosh, hiện là CEO của Authors Equity, cũng sẽ góp mặt tại hội sách.

Kết nối toàn cầu

Bất chấp những thách thức kinh tế toàn cầu và xung đột ở Ukraine và Trung Đông, Boos cho biết hội chợ ghi nhận sự tham gia mạnh mẽ từ khắp nơi trên thế giới. Italy là khách danh dự và sẽ có gian hàng được thiết kế giống kiến trúc quảng trường nước này.

Trước khi sự kiện diễn ra, hơn 150 cuốn sách đã được dịch từ tiếng Italy sang tiếng Đức. Nhiều tác giả người Italy sẽ xuất hiện tại hội chợ, bao gồm Nicola Lagioia, Francesca Melandri, Carlo Rovelli và Igiaba Scego.

Các nước châu Âu láng giềng cũng không muốn bị qua mặt. Ông Boos cho biết: “Gian hàng chung của Pháp sẽ là gian hàng lớn nhất tại hội chợ, chiếm khoảng 1.500 m2”. Tây Ban Nha cũng sẽ có sự hiện diện đáng kể, dù ông Boos lưu ý rằng sự tham gia từ các nước Mỹ Latinh vẫn còn ít.

Ông Boos cũng cho biết sẽ có sự tham gia nhiều hơn từ khu vực Trung và Đông Âu. Romania đang đưa thêm nhiều nhà xuất bản đến tham dự để cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của họ trong thế giới văn học và Kazakhstan sẽ có sự hiện diện đáng kể lần đầu tiên tại hội chợ, với gian hàng quốc gia rộng 150 m2.

 Sẽ có nhiều không gian giao lưu tại Hội sách Frankfurt. Ảnh: Publishers Weekly.

Sẽ có nhiều không gian giao lưu tại Hội sách Frankfurt. Ảnh: Publishers Weekly.

Hội chợ cũng đã dành một sân khấu cho khu vực châu Á để cung cấp những hiểu biết sâu sắc về văn học và xuất bản từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Boos cho hay: "Chúng tôi thấy nhiều khách từ châu Á đã quay lại sự kiện năm nay, như Trung Quốc và Nhật Bản, cũng như Philippines, quốc gia là khách danh dự của chúng tôi vào năm 2025".

Các nhà xuất bản Mỹ cũng chắc chắn cần hiện diện tại hội sách vì ngày càng nhiều độc giả châu Âu chuyển sang mua ấn bản tiếng Anh của nhiều đầu sách phổ biến do ấn bản tiếng mẹ đẻ của họ chưa có.

Đón đầu các xu hướng thịnh hành

TikTok, mạng xã hội đã trở thành động lực quan trọng trong việc thúc đẩy doanh số bán sách, đặc biệt là trong phân khúc thanh thiếu niên, sẽ mở rộng sự hiện diện tại Frankfurt. Ông Boos cho biết: “TikTok châu Âu có trụ sở tại Berlin, vì vậy chúng tôi rất gần gũi với họ”.

Ngoài ra, Giải thưởng Sách TikTok được giới thiệu vào năm ngoái sẽ quay trở lại năm nay. Và đáng chú ý, “Bộ trưởng Văn hóa Đức muốn tham dự sự kiện đó”, ông Boos nói.

AI cũng vẫn là chủ đề nóng đối với ngành và hội sách sẽ có nhiều sự kiện để thảo luận về cách AI tác động đến hoạt động xuất bản, từ sáng tạo nội dung đến quản lý bản quyền. Các cuộc thảo luận này sẽ đề cập cả những cơ hội và thách thức do AI mang lại, bao gồm tác động tiềm tàng của nó đối với luật bản quyền và quá trình sáng tạo.

Hội chợ năm nay cũng tập trung nhiều hơn vào sách nói, với sự chia sẻ của nhiều diễn giả hàng đầu như Amanda D'Acierno - Chủ tịch của Penguin Random House Audio Group, Jon Watt - Giám đốc phát triển kinh doanh và thương mại của sách nói thuộc nhà xuất bản Bonnier Books UK, Owen Smith - Phó chủ tịch phụ trách sách nói của Spotify, Aurelie de Troyer - Trưởng bộ phận nội dung khu vực châu Âu của Audible và Niclas Sandin – CEO BookBeat.

Mối quan hệ giữa ngành xuất bản và truyền hình/phim ảnh cũng là một nội dung chính của hội sách. “Chúng tôi có một ngày dành riêng cho phim ảnh,” ông Boos nói.

Như thường lệ, Frankfurt sẽ tiếp tục đóng vai trò là diễn đàn cho các cuộc thảo luận quan trọng về văn hóa và chính trị và Boos nhấn mạnh vai trò của hội sách trong việc thúc đẩy các quan điểm đa dạng. “Frankfurt là một sân khấu, và rất nhiều người sẽ tận dụng sân khấu này”, ông nói.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/quy-mo-va-suc-anh-huong-toan-cau-cua-hoi-sach-lon-nhat-the-gioi-post1501041.html