Quý nhân từ tâm

Liên tiếp hai câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn diễn ra trong những ngày đầu năm mới Tân Sửu 2021 trở thành đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông trong và ngoài nước. Đầu tiên là hành động của anh Nguyễn Ngọc Mạnh trong vụ cứu cháu bé rơi từ tầng 12, khu chung cư ở Hà Nội.

Tiếp đó là màn giải cứu nghẹt thở của một người dân và bác bảo vệ Lê Văn Khoa ở Trường THCS Minh Đức (TP Hồ Chí Minh), cứu một nữ sinh trước thời khắc nhảy lầu tự tử. Sức lan tỏa và ảnh hưởng của lòng nhân từ những câu chuyện ấy không cần bàn thêm nữa, vì truyền thông và dư luận xã hội đã phản ánh rất phong phú, đa dạng và sâu sắc rồi. Ở phương diện của các cháu bé được cứu và gia đình, đó là những người đã được quý nhân phù trợ.

Trong văn hóa phương Đông, quý nhân là những người xuất hiện để che chở, giúp đỡ cho người khác khi họ gặp hoạn nạn, khó khăn. Người được quý nhân phù trợ là những người khi gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, bản thân mình không đủ sức vượt qua thì sẽ được một ai đó xuất hiện, ra tay cứu giúp. Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm, ông bà, cha mẹ ăn ở hiền lành, phúc đức thì con cháu, hậu thế sẽ có số quý nhân phù trợ. Bởi vậy, trong sinh mệnh con người, quý nhân phù trợ được coi là một thành tố quan trọng, dựa trên những luận giải về nhân tướng học và tử vi học. Chính vì vậy, trong đời sống văn hóa tín ngưỡng dân gian, vấn đề này ít nhiều có màu sắc tâm linh, huyền bí, tùy vào từng thời điểm, hoàn cảnh và nhân sinh quan, phương pháp luận của mỗi người.

Trong thời đại công nghệ số, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, công nghệ thông minh tác động, can thiệp toàn diện đến mọi mặt đời sống, nhiều lĩnh vực trước đây được coi là huyền bí đều đã được lý giải rõ ràng. Thực ra, quý nhân hay quý nhân phù trợ không phải là những gì cao siêu của sinh mệnh mà nó hiển hiện ngay trong mọi ngõ ngách đời sống. Dù ít hay nhiều, ai trong chúng ta cũng mang trong mình phẩm chất của quý nhân, bởi bản chất con người là hướng thiện và cái đích của cuộc sống là chân-thiện-mỹ. Chính vì vậy, ai trong chúng ta cũng có lúc (dù ít hay nhiều) gặp khó khăn, hoạn nạn, cần đến sự giúp đỡ của người khác. Khi ta dành tình yêu thương, việc làm tốt cho người khác, chính là lúc phẩm chất quý nhân bộc lộ. Khi ta gặp khó khăn, hoạn nạn, được đồng chí, đồng bào mình giúp đỡ, ấy là lúc ta có số quý nhân phù trợ.

Những quý nhân như anh lái xe, một người dân, bác bảo vệ trong câu chuyện thấm đẫm giá trị nhân văn ấy, thực là những viên ngọc lấp lánh của lòng tốt. Mọi hành động đều từ tâm nên sự ảnh hưởng, sức lan tỏa, nhất là trong môi trường công nghệ số, là vô cùng lớn. Câu chuyện và những nhân vật ấy có sức lay động, truyền cảm hứng thực sự mạnh mẽ, đánh thức, giục gọi miền nhân ái trong đời sống cộng đồng lên rất cao.

Thế nên, quý nhân là từ tâm, ở trong tâm. Cho đi yêu thương sẽ nhận lại thương yêu mà không cần bất cứ sự mặc cả nào. Lòng tốt của con người là phẩm chất nội tại tự thân, hình thành và phát triển từ môi trường giáo dục và tu dưỡng, hoàn toàn không phải là thứ trang sức để làm màu. Cái sự cho đi và nhận lại trong đời sống chính là môi trường thể hiện sinh động luật nhân quả của cuộc sống. Chất nhân văn, giá trị văn hóa, sinh mệnh con người cũng từ đó mà ra.

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/quy-nhan-tu-tam-653254