Quy Nhơn sẽ thành điểm đến tốt nhất, cạnh tranh nhất của AI trên toàn cầu
Theo dự báo của các đơn vị chức năng tỉnh Bình Định, ước tính đến năm 2025, các công ty công nghệ ở Bình Định cần trên 3.000 nhân sự trong lĩnh vực công nghệ, nhất là các ngành khoa học dữ liệu, AI, công nghệ thông tin…
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng
Theo quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng phát triển, ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp chế biến chế tạo và công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.
Ngành chế biến, chế tạo công nghệ cao (dịch chuyển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sang lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao như: chế biến sâu nông - thủy - hải sản, linh kiện điện tử, bán dẫn, dược phẩm), công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những lĩnh vực đột phá, góp phần đưa tỉnh Bình Định trở thành một trung tâm khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; duy trì kết quả công tác phổ cập giáo dục. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đồng bộ cho các trường công lập theo đề án được duyệt.
Triển khai có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, từng bước xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; năm 2024 phấn đấu có sự thay đổi căn bản trong công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản...; nâng cao hiệu quả hoạt động khởi nghiệp, sở hữu trí tuệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đối với các loại sản phẩm hàng hóa trên địa bàn; triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác về khoa học và công nghệ.
Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn (QNU) Đỗ Ngọc Mỹ nhìn nhận, để đón đầu cơ hội này, phát huy thế mạnh là trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, định hướng phát triển các ngành ứng dụng như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật phần mềm, khoa học dữ liệu, kỹ thuật điều khiển - tự động hóa … trình độ đại học và thạc sĩ cũng được nhà trường ưu tiên. Những ngành nghề này sẽ là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực quan trọng, đón đầu phát triển công nghiệp, công nghệ mới, nhất là chuyển đổi số.
Quy Nhơn sẽ thành điểm đến tốt nhất, cạnh tranh nhất của AI trên toàn cầu
Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định Nguyễn Minh Thảo cho biết, nhân lực số là đối tượng được quan tâm và chú trọng bởi họ có các kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức về công nghệ, an toàn, bảo mật thông tin. Đồng thời, đây cũng là lực lượng lao động kỹ thuật chuyên nghiệp, trực tiếp thực hiện các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn thông tin mạng để phục vụ hoạt động công nghệ số.
Toàn tỉnh hiện có 8.377 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin có 186 doanh nghiệp. Tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định, hiện đã thu hút 2 doanh nghiệp với trên 1.000 nhân sự công nghệ thông tin. Mục tiêu đến năm 2025, sẽ thu hút 2.000 lao động làm việc tại Khu công viên này.
“Tại Bình Định hiện có 2 dự án đang triển khai gồm: Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ Long Vân và Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software. Sau khi 2 dự án này đi vào hoạt động, dự kiến sẽ có hơn 10.000 lao động làm việc” – ông Thảo nói và cho hay, để phát triển nguồn nhân lực số trong thời gian đến cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Tổng GĐ FPT Digital Trần Huy Bảo Giang cho rằng, Trung tâm phát triển AI toàn cầu của Tập đoàn FPT đặt tại TP Quy Nhơn đã có những bước tiến lớn. Hàng trăm kỹ sư Bình Định, đã, đang và sẽ thực hiện những dự án lớn nhất, khó nhất trên toàn cầu về AI.
“Thời gian tới, Tập đoàn FPT tập trung đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực giáo dục cũng như lĩnh vực AI, đưa TP Quy Nhơn (Bình Định) trở thành một trong những điểm đến tốt nhất, cạnh tranh nhất của AI trên toàn cầu…”, ông Giang cam kết.
Tiến sĩ Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc Trung tâm CNTT và Truyền thông (QNU) nêu quan điểm, chuyển đổi số, là khi có dữ liệu trên môi trường số thì vận hành như thế nào? Vấn đề đặt ra cần xem xét là năng lực số của người lao động có đáp ứng được chuyển đổi số hay chưa?.
Do đó, ông Đạt đề xuất hợp tác doanh nghiệp để tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo, đây là việc để cho sinh viên bước vào làm ngay mà doanh nghiệp không cần tốn thời gian để đào tạo lại. Đồng thời có sự hợp tác giữa 3 bên: Chính quyền - doanh nghiệp – nhà trường để xây dựng các nhóm nghiên cứu công nghệ số, các công cụ công nghệ số như xử lý ảnh, Big Data, Trí tuệ nhân tạo, IoT...Các nhóm này sẽ làm việc với nhau để cung cấp công nghệ số để khai thác.
“Việc xây dựng khung năng lực số cũng rất quan trọng trọng đào tạo nhân lực số đáp ứng nhu cầu” – ông Đạt nói và cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng E-learning trong dạy học học sinh, sinh viên.
Phó GĐ Sở GD-ĐT Bình Định Nguyễn Đình Hùng thông tin, kế hoạch phân luồng học sinh phổ thông, mục tiêu chung là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
“Mục tiêu cụ thể về từng nội dung là phấn đấu các trường THCS, THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương…” – ông Hùng nói.
Lợi ích chuyển đổi số mang lại
Từ việc ứng dụng phòng thí nghiệm mô phỏng trong đào tạo, ông Nguyễn Hữu Phước – Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ số SDE khái quát: Lợi ích chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp là mô hình kinh doanh mới, tốc độ, linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu.
Theo ông Phước, vai trò của đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong chuyển đổi số là chú trọng cập nhật, ứng dụng công nghệ mới về tự động hóa và số hóa trong đào tạo và thực hành tại trường ĐH, CĐ; Đồng thời, thúc đẩy triển khai nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số và số hóa trong công nghiệp và các ngành nghề khác; Ứng dụng các công cụ chuyển đổi số trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học; Thúc đẩy hoạt động hợp tác, trao đổi khoa học công nghệ giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Nhờ thay đổi về công nghệ số mang lại lợi ích rút ngắn thời gian hình thành mô hình sản phẩm, giảm thiểu thời gian nghiên cứu phát triển, giảm thiểu chi phí vận hành tạo mẫu thử nghiệm, chế tạo mẫu. Với phòng thí nghiệm mô phỏng tập trung vào vấn đề giải quyết các vấn đề chính là, nhu cầu về phát triển khoa học công nghệ; nhu cầu về lao động trên nền tảng công nghệ và phân tích mô phỏng chính - đây là lõi của ngành phát triển sản phẩm vấn đề nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Mục tiêu của phòng thí nghiệm là cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghiệp ô tô; đào tạo các năng lực cho sinh viên về quy trình thiết kế và phát triển ô tô ứng dụng mô hình kỹ thuật số; phân tích mô phỏng hệ thống tối ưu hóa cấu trình ô tô…
Nhiệm vụ cụ thể của phòng thí nghiệm là đào tạo sinh viên nghiên cứu phát triển thuộc các ngành công nghiệp ô tô; thực hiện các nghiên cứu khoa học theo hướng số hóa; là nơi liên kết hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo cung cấp nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp…
Phòng thí nghiệm này gồm có 25 bộ máy tính tốc độ cao đáp ứng nhu cầu của thiết kế và mô phỏng. Công cụ phục vụ phòng thí nghiệm bao gồm Simcenter 1D: Mô phỏng hệ thống, lựa chọn cấu hình, phân tích các đường đặc tính ô tô; Siemens NX: Thiết kế toàn bộ thân xe, nội ngoại thất xe; Simcenter 3D: Mô phỏng bền kết cấu, động lực học xe.
“Thay vì chúng ta làm sản phẩm ra và làm phân tích vật lý thì ở phòng thí nghiệm chúng ta xây dựng mô hình vật lý trên môi trường số, nên rất dễ dàng phân tích nhanh chóng khi thực hiện, không tốn nhiều thời gian…” – ông Phước đúc rút.