Quyết định hợp lòng dân

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là sự kiện trọng đại của thành phố Hà Nội và đất nước. Chính vì thế, Thành phố đã có kế hoạch chi tiết tổ chức sự kiện này trên cơ sở thể hiện được tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của Ngày Giải phóng Thủ đô.

Trong đó, một trong những điểm nhấn của Lễ kỷ niệm là sẽ tiến hành bắn pháo hoa tại tất cả các quận, huyện (dự kiến 32 điểm) vào 21h tối 10/10. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, trong những ngày đầu tháng 9, các tỉnh miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng đã bị bão Yagi (cơn bão số 3) tàn phá nặng nề. Hà Nội cây xanh đổ ngổn ngang, các rốn lũ tại huyện: Chương Mỹ, Sóc Sơn, Quốc Oai, Mỹ Đức đến nay vẫn còn ngập nước…

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội họp, cho ý kiến về các hoạt động tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội họp, cho ý kiến về các hoạt động tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã làm hàng trăm người bị chết, thiệt hại cho các địa phương lên tới 50 ngàn tỷ đồng. Với tình nghĩa đồng bào, dù cũng bị ảnh hưởng của bão, lũ, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã kịp thời sẻ chia với các địa phương ảnh hưởng thiên tai hàng trăm tỷ đồng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã kêu gọi các cơ quan của hệ thống chính trị, các tổ chức, xã hội, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp quyên góp ủng hộ đồng bào.

Đặc biệt, với tinh thần “cả nước vì Hà Nội; Hà Nội vì cả nước”, ngày 24/9 tại cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, sau khi lắng nghe các ý kiến của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Thành phố… Bí thư Thành ủy và lãnh đạo Thành phố đi tới thống nhất: Dừng bắn pháo hoa chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại tất cả các địa điểm trên địa bàn trong đêm 10/10. Đồng thời, thu hẹp quy mô tổ chức, trên tinh thần chung vẫn tổ chức các sự kiện với mục đích giáo dục, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng đất nước, Thủ đô giàu đẹp.

Ngay sau khi các báo đồng loạt thông tin, người dân Thủ đô và khắp mọi miền Tổ quốc, đồng bào ta ở nước ngoài rất đồng tình với quyết định của Thành phố. Ông Mai Hồng, nguyên cán bộ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, hiện đang sinh sống ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa nói: “Cha ông ta xưa từng dạy một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Giữa lúc thiên tai, địch họa những tình nghĩa đồng bào càng thiêng liêng hơn bao giờ hết. Việc lãnh đạo thành phố Hà Nội quyết định không tổ chức bắn pháo hoa là việc làm nhân văn, thể hiện trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đối với đồng bào bị bão, lũ”.

Còn ông Trần Nghiêm, cán bộ ngành cơ khí về hưu cũng ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa rất ủng hộ quyết định hợp lòng dân này của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Cũng theo ông Nghiêm, ngay khi cơn bão tràn vào Hà Nội, rất nhiều cây xanh bị gãy đổ, nhưng cá nhân đồng chí Bí thư Thành ủy và lãnh đạo Thành phố đã có những chỉ đạo kịp thời về khắc phục hậu quả bão lũ, trên cơ sở cây nào có thể dựng, trồng lại được thì phải để vì trồng được một cây xanh rất khó. Từ chỉ đạo này, các cơ quan chuyên môn đã kịp thời phân loại cây xanh để tiến hành cưa, cắt bỏ; dựng, trồng lại.

Nguyễn Trãi từng nói: “Lật thuyền mới biết dân là nước”; còn Bác Hồ kính yêu dạy: “Dễ vạn lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Khi những quyết định thực sự vì dân, vì nước; được nhân dân đồng tình thì chắc chắn khó khăn nào cũng vượt qua.

Lê Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quyet-dinh-hop-long-dan-178073.html