Quyết liệt hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 ⃰

Trước phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XV, chiều 10/7, đồng chí Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu làm rõ những ý kiến của đại biểu tại phiên thảo luận; qua đó, phân tích nguyên nhân những khó khăn, tồn tại của địa phương và đề cập giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2019.

Báo Lào Cai lược ghi và giới thiệu tới bạn đọc bài phát biểu này.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Kỳ họp.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Kỳ họp.

Bên cạnh những thuận lợi và những kết quả quan trọng đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế - xã hội của tỉnh còn gặp một số khó khó khăn mang tính nội tại, đó là một số chỉ tiêu đạt kết quả cao nhưng chưa thực sự bền vững như: Tốc độ tăng trưởng GRDP, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tốc độ giảm nghèo... Nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; việc triển khai một số chủ trương, nhiệm vụ, dự án lớn còn chậm, gặp nhiều vướng mắc; thị trường bất động sản trầm lắng; cải cách hành chính chưa đạt nhiều kết quả như mong đợi; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, song vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Vượt qua khó khăn, thử thách, công tác điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm của UBND tỉnh có mục tiêu chung là hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch đã giao trong năm 2019 và hoàn thành cơ bản các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Có 3 chỉ tiêu dự báo sẽ hết sức khó khăn, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt mới có khả năng hoàn thành, đó là chỉ tiêu về trị giá hàng hóa xuất, nhập khẩu, chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Với chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cần duy trì, phát triển các khoản thu ổn định hoặc có số thu tuyệt đối lớn, chiếm tỷ lệ cao trong tổng cơ cấu nguồn. Với các chỉ tiêu chưa đạt cao như phát triển công nghiệp cần ưu tiên cho việc thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp lớn, tập đoàn sở hữu công nghệ cao, có dây chuyền sản xuất hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường. Riêng mục tiêu giảm nghèo cần hạn chế chính sách “cho không” thay bằng việc hỗ trợ cho vay có điều kiện; trong xây dựng nông thôn mới cần tập trung triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, công trình điện lưới quốc gia bằng nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, yêu cầu các ngành, đơn vị có liên quan tiếp tục phân loại các nhóm doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực để có giải pháp tháo gỡ cụ thể và sát thực. Đồng thời với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút nguồn vốn đầu tư vào tỉnh Lào Cai, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong triển khai các đề án, dự án lớn như: Đề án thành lập thị xã Sa Pa; sắp xếp đơn vị hành chính - quy hoạch tổng thể vùng; đường kết nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến thị trấn Sa Pa; đường kết nối ga Phố Mới, thành phố Lào Cai tới huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Đối với hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, tiếp tục ưu tiên cho luồng chính ngạch gắn với nâng cao tính năng động, hiện đại, chuyên nghiệp của doanh nghiệp, hạn chế tư duy làm ăn chộp giật, manh mún. Các ngành, cơ quan có liên quan cần tham mưu tích cực hơn nữa trong tổ chức hội đàm, trao đổi thông tin với huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để có tiếng nói chung và sự thống nhất cao trong tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Với mục tiêu cải cách hành chính, cần đẩy mạnh rà soát các thủ tục có tần suất thực hiện giao dịch lớn như lĩnh vực đất đai, tài nguyên, xây dựng, đầu tư, tài chính công... để tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Cải tiến quy trình, thủ tục hành chính trong quản lý ngân sách, cải cách mạnh việc quản lý chi tiêu công, đổi mới cơ chế phân bổ và sử dụng ngân sách đối với các cơ quan hành chính, khuyến khích chế độ tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ, tạo động lực và áp lực trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thi hành công vụ.

Quang cảnh kỳ họp chiều 10/7

Quang cảnh kỳ họp chiều 10/7

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục khai thác tốt các lợi thế sẵn có, trong đó đối với kinh tế cửa khẩu cần đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình giải quyết hồ sơ, mức thu các loại phí, lệ phí và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường; thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng cho Khu Kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn do ngân sách Trung ương kết hợp với nguồn vốn của tỉnh và của doanh nghiệp, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng cho cửa khẩu quốc tế như trung tâm logistics, khu gia công sản xuất hàng xuất khẩu. Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm việc phát huy vai trò cầu nối trến tuyến hành lang kinh tế Vân Nam (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bằng việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.

Về đối ngoại, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), ưu tiên việc báo cáo với chính phủ 2 nước cho phép thực hiện thí điểm xây dựng Khu Hợp tác kinh tế biên giới Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc); đẩy nhanh thủ tục đầu tư xây dựng dự án xây cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc), mở cặp cửa khẩu song phương Bản Vược – Bá Sái và vận hành tốt cặp cửa khẩu kiểu mẫu Lào Cai - Hà Khẩu.

Về phát triển du lịch, UBND tỉnh và cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoàn thiện nghị quyết xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030. Tích cực nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển du lịch với các nội dung liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng; rà soát, đánh giá công tác quản lý nhà nước, các loại thuế, phí về lĩnh vực du lịch; xây dựng phương án đấu giá thu phí tham quan tại một số điểm du lịch.

Với kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn cần tập trung đánh giá tính khả thi và hiệu quả của các dự án đầu tư vào lĩnh vực này bên cạnh đánh giá chính sách, trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Với các mục tiêu về sản xuất công nghiệp, tỉnh sẽ coi trọng rà soát dự án công nghiệp có tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái để đề ra lộ trình yêu cầu phải đổi mới công nghệ, khắc phục tồn tại tại các dự án. Với những dự án trong giai đoạn đăng ký đầu tư, tỉnh chỉ chấp thuận dự án khai thác khoáng sản gắn với chế biến sâu, dự án không tác động xấu đến môi trường.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn nặng nề, song UBND tỉnh sẽ cố gắng hành động quyết liệt để cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. UBND tỉnh mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và giám sát của các vị đại biểu HĐND tỉnh và đồng chí, đồng bào trong tỉnh.

* Đầu đề do tòa soạn đặt.

PV lược ghi

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/quyet-liet-hoan-thanh-toan-dien-cac-chi-tieu-ke-hoach-nam-2019--z3n20190711090114616.htm