Quyết liệt kiểm soát đảm bảo ổn định thị trường dịp cuối năm

Trong 10 tháng đầu năm 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó có tình trạng mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy; vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; khai thác, vận chuyển lâm sản, khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường trái quy định; sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa... Nhằm bảo đảm bình ổn thị trường, góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã quyết liệt đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm; kịp thời phát hiện, kiểm tra bắt giữ, xử lý nghiêm các vụ, việc vi phạm...

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn thành phố Nam Định.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm soát hàng hóa lưu thông trên địa bàn thành phố Nam Định.

Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã tổ chức kiểm tra 708 vụ việc; trong đó xử lý hành chính 331 vụ về hành vi mua bán, vận chuyển hàng nhập lậu, không thực hiện niêm yết giá hàng hóa, buôn bán hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại, không đảm bảo các điều kiện đối với các hàng hóa và dịch vụ kinh doanh có điều kiện... Lực lượng QLTT đã xử phạt vi phạm hành chính gần 2,1 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu trên 600 triệu đồng, giá trị hàng hóa tiêu hủy trên 900 triệu đồng. Đáng chú ý như vụ việc vào rạng sáng 5/7/2024, Đội QLTT số 1 đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh Nam Định) và Công an phường Thống Nhất tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải (BKS 29K-080.71) thường xuyên chở hàng vào thành phố Nam Định có nhiều dấu hiệu khả nghi. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe vận chuyển 1.000 sản phẩm quần áo may sẵn các loại (trị giá hàng hóa vi phạm gần 40 triệu đồng), trên nhãn hàng hóa không thể hiện thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Lái xe và cũng là chủ sở hữu toàn bộ hàng hóa trên đã khai nhận mua số lượng hàng hóa trên trôi nổi trên thị trường về để bán kiếm lời, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Toàn bộ số hàng hóa được lực lượng chức năng thu giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. Trong năm lực lượng QLTT cũng đã phát hiện nhiều vụ việc có tính chất vi phạm nghiêm trọng như việc ngăn chặn 15 loại sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu đang được bày bán tại cửa hàng thực phẩm Ngọc Hường, thành phố Nam Định; xử lý trên 10 vụ gian lận thương mại trên nền tảng thương mại điện tử.

Những tháng cuối năm, nhất là những tháng giáp Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao nên là thời điểm mà hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông lợi dụng trà trộn và thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Ngoài ra, năm nay, do ảnh hưởng của bão lũ nên nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán được dự báo sẽ khan hiếm và có giá bán cao hơn so với trước đây. Thực trạng này dễ dẫn đến tình trạng gia tăng các hành vi tiêu cực, trục lợi, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; đặc biệt là phức tạp, khó đấu tranh đối với vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử. Các dạng vi phạm dự báo chủ yếu là gian lận về chất lượng hàng hóa không đúng với công bố; không thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; niêm yết giá hàng hóa cao, không đúng với giá trị thật hoặc dùng “chiêu bài” giảm giá, đại hạ giá để trà trộn bán hàng nhái, kém chất lượng... thu lời bất chính.

Để ngăn chặn kịp thời những hành vi này, Cục QLTT Nam Định yêu cầu các đội nghiệp vụ tập trung 100% quân số, bố trí trực, bám sát thị trường 24/24 giờ, kiểm tra, giám sát và chủ động thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp căn bản trong công tác chuyên môn như: Nắm chắc địa bàn, phát hiện sớm các đối tượng vi phạm để có phương án kiểm tra, xử lý có hiệu quả, tránh bất ngờ về diễn biến thị trường; sắp xếp, phân công nhiệm vụ cho phù hợp nhằm tạo sức mạnh tối đa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp không tham gia, không tiếp tay và tích cực tham gia phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, mua bán hàng cấm, hàng giả; yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết “Không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng”. Định kỳ hàng tuần khảo sát tình hình thị trường về cung cầu và giá các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, từ đó phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trên cơ sở đó lực lượng QLTT chủ động xây dựng phương án và chủ trì mở các đợt kiểm tra liên ngành đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, như: bánh, mứt, kẹo, rượu, thuốc lá, nước giải khát; các sản phẩm thực phẩm từ gia súc, gia cầm; quần áo, phụ kiện thời trang; dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu... Lực lượng QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Thuế, Thanh tra Nông nghiệp, Khoa học và Công nghệ, chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát những mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Trọng tâm kiểm tra là nơi phát luồng hàng hóa lớn như cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng nhằm kịp thời ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thẩm lậu vào thị trường.

Cùng với tăng cường công tác nghiệp vụ ổn định thị trường, Cục QLTT cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về sản xuất kinh doanh hàng hóa, quản lý tiêu chuẩn, chất lượng, đo lường... đến cán bộ, người lao động, người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy thực hiện văn hóa kinh doanh, tiêu dùng văn minh, góp phần tạo môi trường thương mại phát triển, ổn định thị trường, đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ người dân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa và bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật để người tiêu dùng biết và phòng tránh.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202410/quyet-liet-kiem-soat-dam-bao-on-dinhthi-truong-dip-cuoi-nam-65f7835/