Quyết liệt nâng điểm các chỉ số cải cách hành chính

Năm 2020, kết quả cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đạt 82,57 điểm, tăng 1,87 điểm so với năm 2019. Dù điểm đánh giá tổng thể cả 3 mặt công tác CCHC đều tăng nhưng xếp hạng CCHC của tỉnh giảm 8 bậc, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành; nhiều chỉ số thành phần bị giảm điểm, thậm chí giảm sâu so với năm 2019. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Năm 2020, kết quả cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đạt 82,57 điểm, tăng 1,87 điểm so với năm 2019. Dù điểm đánh giá tổng thể cả 3 mặt công tác CCHC đều tăng nhưng xếp hạng CCHC của tỉnh giảm 8 bậc, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành; nhiều chỉ số thành phần bị giảm điểm, thậm chí giảm sâu so với năm 2019.

Được các cấp chính quyền hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, Công ty TNHH Nice Power sớm đưa nhà máy gia công đế và mũi giày dép tại xã Giao Tiến (Giao Thủy) vào sản xuất.

Cụ thể, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC giảm 20 bậc so với năm 2019. Nguyên nhân do: Còn một số cơ quan, đơn vị chưa xác định rõ nhiệm vụ của người đứng đầu; một số đơn vị (Sở Y tế, UBND huyện Hải Hậu, UBND huyện Ý Yên) chưa đảm bảo tiến độ thời gian hoàn thành nhiệm vụ do UBND tỉnh giao; toàn tỉnh mới có duy nhất 1 sáng kiến “Ứng dụng tra cứu mã QR code nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)” của Sở KH và CN được Trung ương công nhận có liên quan đến công tác CCHC. Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, giảm 6 bậc so với năm 2019 do chưa thực sự đảm bảo tính đồng bộ, tính kịp thời, tính hợp lý và khả thi. Công tác cải cách TTHC giảm 15 bậc so với năm 2019 do: Tỉnh chậm công khai TTHC và không công khai đầy đủ kết quả giải quyết hồ sơ TTHC trên Cổng thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công của tỉnh; chưa hoàn thành việc đưa TTHC ngành dọc (Y tế, Công Thương, Tài chính, LĐ-TB và XH, NN và PTNT) ra tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa các cấp; vẫn còn hồ sơ TTHC do một số cơ quan hành chính tiếp nhận trong năm bị quá hạn, một số lĩnh vực có hiện tượng trả lại hồ sơ để bổ sung khiến người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần. Bên cạnh đó, theo điều tra xã hội học, điểm chấm về chỉ số hài lòng kết quả giải quyết TTHC và thái độ của công chức giải quyết TTHC đều bị trừ điểm. Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính còn tình trạng nhiều phòng thuộc UBND cấp huyện và phòng, ban chuyên môn thuộc các sở, ban, ngành có số lượng lãnh đạo bằng hoặc nhiều hơn số lượng nhân viên; tỉnh chưa hoàn thiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính các cấp; tác động của CCHC đến công tác tổ chức bộ máy chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng công chức, viên chức còn một số thiếu sót gồm: toàn tỉnh có 44 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm bị xử lý kỷ luật; vẫn còn 19,47% công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC làm người dân và tổ chức không hài lòng. Công tác cải cách tài chính công cần khắc phục một số hạn chế gồm: Chậm hoàn thành thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước và giải quyết các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước về tài chính, ngân sách của tỉnh; chưa ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản thuộc thẩm quyền của tỉnh về quản lý, sử dụng tài sản công; không đạt tỷ lệ giảm chi trực tiếp cho đơn vị sự nghiệp công lập; tác động của CCHC đến quản lý tài chính công chưa đáp ứng được yêu cầu. Về công tác hiện đại hóa hành chính cần khắc phục các phần việc: Chưa ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 2.0; Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị chưa đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ; nhiều địa phương như các huyện: Ý Yên, Xuân Trường, Nghĩa Hưng vẫn sử dụng văn bản giấy trong trao đổi văn bản giữa các cơ quan hành chính Nhà nước...

Để nâng điểm các chỉ số CCHC năm 2021, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, chiến lược của tỉnh trong thời gian tới; đồng thời phải nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác CCHC ở tất cả các lĩnh vực. Các ngành, các địa phương quyết liệt đẩy mạnh các biện pháp hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm để phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Trong đó, trọng tâm là tập trung đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo phương án gắn với số hóa, xóa bỏ tình trạng phụ thuộc vào địa giới hành chính, giảm phiền hà tiêu cực của phương pháp giải quyết TTHC truyền thống. Hiện các ngành, các đơn vị liên quan tập trung nâng cấp Cổng Dịch vụ công và Hệ thống Thông tin một cửa của tỉnh đảm bảo tích hợp, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ xác thực định danh và cắt giảm, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ trong giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp; tổ chức triển khai quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Các cấp chính quyền đang tập trung hoàn thành việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã với tỷ lệ tối thiểu tương ứng là 30%, 20%, 15% trong năm 2021. Hiện, thành phố Nam Định được đánh giá là đơn vị đột phá dẫn đầu, trong số hóa, liên thông để dùng chung dữ liệu số với việc đã triển khai 4 TTHC cấp phòng và 22 thủ tục cấp xã, phường. Một số sở, ngành như Tài nguyên và Môi trường, Thuế đã liên thông, chấp thuận dữ liệu trong giải quyết TTHC liên quan đến đất đai... Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh đúng quy định, tiến độ, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tính khả thi. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài; có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định. Nâng cao trách nhiệm, thái độ, chất lượng giải quyết TTHC của đội ngũ cán bộ công chức nhằm tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC. Cải cách tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước các cấp theo hướng tinh gọn, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đổi mới cơ chế quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách Nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; kiểm soát tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị...

Với các giải pháp tích cực, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, chỉ số CCHC của tỉnh thuộc nhóm khá trên bảng xếp hạng của cả nước./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202111/quyet-liet-nang-diem-cac-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-2547555/