Quyết liệt thu hồi nợ thuế

Sáng 9-5, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ đạo thu hồi nợ thuế tỉnh về tình hình nợ thuế quý I và công tác thu hồi nợ thuế quý II/2023. Theo báo cáo của ngành Thuế, thời gian qua, tình hình nợ thuế tăng cao; việc thu hồi nợ thuế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nợ thuế tăng cao

Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, ngay từ đầu năm, ngành Thuế đã đề ra nhiều giải pháp nhằm quản lý và thu hồi nợ thuế. Cụ thể, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trực tiếp quản lý người nộp thuế, bám sát nghĩa vụ thuế phát sinh theo tờ khai hàng tháng, quý, số tiền phải nộp theo các quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra, tổ chức đôn đốc nộp ngay vào ngân sách nhà nước (NSNN), tránh kéo dài tạo thành nợ. Đối với các trường hợp để nợ thuế, cơ quan thuế các cấp đã gửi thông báo tiền thuế nợ hàng tháng và phân công từng công chức điện thoại hoặc gửi email để đôn đốc. Đồng thời, chuyển danh sách nợ thuế lên website của Cục Thuế để các sở, ngành, UBND địa phương tra cứu, phối hợp đôn đốc, thu hồi nợ khi giải quyết các thủ tục hành chính liên quan cho người nộp thuế. Với các trường hợp nợ lớn và kéo dài, cơ quan thuế phân công công chức quản lý nợ và lãnh đạo các cấp trực tiếp gặp doanh nghiệp để đôn đốc thu nợ và nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của người nộp thuế nhằm có giải pháp xử lý kịp thời; các chi cục thuế còn tham mưu cho UBND địa phương ký thông báo đôn đốc các trường hợp nợ lớn, kéo dài tại địa phương và thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp chây ì, dây dưa… Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành đã phối hợp tích cực với Cục Thuế trong việc thu hồi nợ thuế.

Ông Lê Hữu Hoàng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Tuy nhiên, việc thu hồi nợ thuế thời gian qua trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; tình hình nợ thuế tăng cao. Tính đến ngày 31-3, tổng nợ thuế toàn tỉnh gần 1.564 tỷ đồng, tăng hơn 231 tỷ đồng (tăng 17,35%) so với thời điểm 31-12-2022, trong đó nợ có khả năng thu hơn 1.153 tỷ đồng, nợ khó thu 327,1 tỷ đồng... Quý I, ngành Thuế toàn tỉnh thu nợ năm 2022 chuyển sang được gần 161 tỷ đồng, đạt 12,07%;thu nợ phát sinh năm 2023 được hơn 413,6 tỷ đồng, đạt 37,18%. Ngoài ra, toàn tỉnh đã xử lý khoanh - xóa hơn 186,4 tỷ đồng tiền thuế nợ (tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp), đạt 53,4% số tiền thuế nợ phải xử lý theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội.

Một trong những nguyên nhân nợ thuế tăng là do các doanh nghiệp và hộ kinh doanh vẫn bị ảnh hưởng lớn sau đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến khả năng thanh toán; nhiều trường hợp áp dụng giá thuê đất mới, tiền thuê đất tăng cao đột biến khiến doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nợ thuế. Mặt khác, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nợ thuế lớn từ những năm trước chuyển qua. Tính đến ngày 31-3, toàn tỉnh có 150 người nộp thuế nợ thuế hơn 1 tỷ đồng, với tổng số tiền hơn 1.083 tỷ đồng, chiếm 69,27% tổng số thuế nợ, trong đó có 37 người nộp thuế nợ từ 5 tỷ đồng đến hơn 10 tỷ đồng trở lên, số còn lại nợ từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng.

Các ngành cùng vào cuộc

Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến đề xuất của các thành viên, đồng chí Lê Hữu Hoàng chỉ đạo, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, sở, ngành, đặc biệt Cục Thuế tỉnh tập trung đề ra những giải pháp, quyết liệt thu hồi nợ thuế có hiệu quả, phấn đấu giảm tỷ lệ tổng nợ thuế xuống dưới 8% so với tổng thu năm 2023. Trước mắt, đối với 37 trường hợp nợ thuế từ 5 tỷ đồng đến hơn 10 tỷ đồng, Cục Thuế tỉnh chủ trì rà soát, phân tích cụ thể tình hình của từng doanh nghiệp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31-5 để từ đó tham mưu tỉnh phương án đối thoại với doanh nghiệp để có giải pháp đôn đốc thu hồi nợ thuế. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai những giải pháp thu hồi nợ thuế đối với các doanh nghiệp nợ tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân; giải quyết kịp thời các kiến nghị, vướng mắc của người nộp thuế về chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, góp phần tạo điều kiện cho người nộp thuế duy trì hoạt động, có khả năng thanh toán nợ thuế…

Ông giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh việc giao nhiệm vụ cho UBND cấp huyện vận động các gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính; đối với những trường hợp không tiếp tục làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì làm thủ tục rút lại hồ sơ để cơ quan thuế có cơ sở để triển khai các bước tiếp theo theo quy định. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khi giải quyết các thủ tục hành chính hoặc công việc liên quan cần tra cứu tình hình nợ thuế của các tổ chức, cá nhân và chủ động phối hợp với cơ quan thuế thu hồi nợ thuế (nếu có).

Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu xử lý những dự án dây dưa nợ thuế, nợ nghĩa vụ tài chính về đất theo đề nghị của cơ quan thuế; tiếp tục phối hợp cung cấp các quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để cơ quan thuế kịp thời xử lý nợ theo quy định; theo dõi các quyết định khoanh nợ, xóa nợ thuế được cơ quan thuế gửi đến; thông báo ngay cho cơ quan thuế biết về các trường hợp được khoanh nợ, xóa nợ quay lại hoạt động hoặc đăng ký thành lập doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mới. Kho bạc Nhà nước tỉnh giải quyết kịp thời thủ tục giải ngân các dự án sử dụng vốn NSNN để người nộp thuế có điều kiện thanh toán nợ thuế; phối hợp với Cục Thuế tỉnh thu hồi tiền nợ thuế của nhà thầu; phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến nhà thầu, chủ đầu tư khi thực hiện các công trình bằng nguồn NSNN cho cơ quan thuế để thu hồi nợ thuế...

C. VÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202305/quyet-liet-thu-hoi-no-thue-b8f2152/