Quyết tâm cùng cả nước khởi công dự án Cao tốc Bắc - Nam

Sau thời gian triển khai dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa phận tỉnh (dự án Cao tốc Bắc - Nam), Phú Yên đang nỗ lực huy động toàn hệ thống chính trị để quyết tâm khởi công dự án vào ngày 1/1/2023.

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra việc triển khai dự án Cao tốc Bắc - Nam tại TX Đông Hòa. Ảnh: NGÔ XUÂN

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra việc triển khai dự án Cao tốc Bắc - Nam tại TX Đông Hòa. Ảnh: NGÔ XUÂN

Dồn lực giải phóng mặt bằng

Theo Sở GT-VT, dự án Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Phú Yên có tổng chiều dài khoảng 90,122km, đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh dài 42,07km và dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong dài 48,052km. Dự án có tổng diện tích đất sử dụng 885,57ha; trong đó đất nông nghiệp, đất công chiếm khoảng 86,73%. Đến ngày 23/12, UBND tỉnh đã phê duyệt đơn giá bồi thường cây trồng và phê duyệt giá đất cụ thể 5/6 địa phương.

Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: Dự án Cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn thị xã dài 34km, với diện tích bị ảnh hưởng khoảng 281ha. Đến nay, địa phương đã bàn giao khoảng 20ha đất công, chiều dài 1km cho Ban Quản lý dự án 85 (Ban QLDA). Phần diện tích 240ha đất nông nghiệp sẽ được địa phương bàn giao trong tháng 1/2023 và bàn giao phần diện tích còn lại trong quý I/2023.

Ngoài ra, TX Sông Cầu cũng đã họp hội đồng thẩm định và áp giá đất cụ thể; triển khai lấy ý kiến, niêm yết công khai giá đất cho người dân các địa phương bị ảnh hưởng. Với những hộ dân đồng ý, địa phương sẽ giải ngân sớm để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng. Với các khu tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật, TX Sông Cầu cũng đã lấy ý kiến của Ban QLDA 85 để thực hiện các thủ tục cần thiết, triển khai trong năm 2023.

Huyện Tuy An có tổng diện tích đất có dự án đi qua khoảng 354ha, tổng chiều dài trên 24,13km, thuộc cả hai dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong. Ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: Tuy An là địa phương có diện tích đất bị ảnh hưởng lớn, thuộc cả hai dự án thành phần nên việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) khá phức tạp; khối lượng công việc rất lớn. Mặc dù vậy, địa phương đang nỗ lực bàn giao 26ha đất công, sông suối, dài khoảng 7,3km cho Ban QLDA 7 và Ban QLDA 85 trước 31/12/2022. Phần đất nông nghiệp sẽ cố gắng bàn giao trước 31/1/2023 và các diện tích đất khác bàn giao trước 31/3/2023.

Những ngày cuối năm, TP Tuy Hòa tập trung mọi lực lượng cho công tác đền bù, GPMB dự án Cao tốc Bắc - Nam. Đến nay, địa phương này đã bàn giao được 12/65ha đất bị ảnh hưởng bởi dự án và tiếp tục phấn đấu bàn giao 100% đất công, đất nông nghiệp trước 31/1/2023. TP Tuy Hòa cũng đã thực hiện việc niêm yết giá đền bù tại các xã, phường có dự án đi qua để tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo trong công tác đền bù, GPMB những diện tích còn lại. Tương tự, trong đợt 1, huyện Tây Hòa đã bàn giao cho Ban QLDA 7 khoảng 1,1km thuộc dự án; phấn đấu đến ngày 31/12 sẽ bàn giao trên 70% diện tích cho chủ đầu tư.

Sẵn sàng cho lễ khởi công

Theo Sở GT-VT, cùng với cả nước, Phú Yên sẽ đẩy mạnh công tác chuẩn bị để quyết tâm triển khai lễ khởi công các dự án thành phần của dự án Cao tốc Bắc - Nam tại TX Sông Cầu và TX Đông Hòa.

Cụ thể, Ban QLDA 85 đang gấp rút đánh giá hồ sơ và chuẩn bị ký hợp đồng với nhà thầu để sẵn sàng công tác khởi công dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh. Dự kiến đến 15/1, đơn vị sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu cho tất cả các gói thầu còn lại. Ban QLDA 7 cũng phối hợp với TX Đông Hòa triển khai các thủ tục san lấp mặt bằng, thuê đơn vị tổ chức sự kiện sẵn sàng các thủ tục cần thiết để tổ chức lễ khởi công dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong. Đơn vị đang hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà thầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết trước khi khởi công công trình.

Là địa phương được lựa chọn để tổ chức khởi công dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong, TX Đông Hòa đã bàn giao cho Ban QLDA 7 69,34ha đất thuộc dự án, với chiều dài 7,2km, đạt 55,48%. Ông Nguyễn Lê Vi Phúc, Chủ tịch UBND TX Đông Hòa, cho biết: Bên cạnh công tác GPMB, địa phương cũng đang phối hợp với chủ đầu tư khẩn trương chuẩn bị các thủ tục cần thiết để sẵn sàng cho lễ khởi công dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong vào ngày 1/1/2023; đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự. Song song với đó, TX Đông Hòa vẫn nỗ lực triển khai các công tác tiếp theo để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo tiến độ cam kết.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Tại buổi làm việc với các địa phương về công tác bồi thường, GPMB dự án Cao tốc Bắc - Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, huyện, đến cấp thôn, xóm đều phải cùng vào cuộc; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Cao tốc Bắc - Nam.

Cụ thể, các địa phương cần quyết liệt triển khai áp giá đền bù, phê duyệt phương án đền bù, chi trả tiền cho các hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng. Các địa phương cần chủ động giải quyết các nội dung phát sinh theo thẩm quyền; rà soát, bàn giao phần diện tích đất công, đất hộ gia đình đã đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các chủ đầu tư trước ngày khởi công dự án. Liên quan đến việc cập nhật quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đối với các mỏ vật liệu xây dựng, các khu tái định cư phục vụ dự án, UBND tỉnh yêu cầu Sở TN-MT phải hoàn thành trước 15/1. Các địa phương phải hoàn thiện phương án GPMB để chuyển tiền tạm ứng từ kho bạc sang quỹ phát triển đất trước 31/12; đảm bảo giải ngân hết số vốn năm 2022 đã bố trí.

Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn nhấn mạnh: Một trong ba đột phá theo Nghị quyết Đại hội XIII đề ra là phát triển cơ sở hạ tầng; trong đó có hạ tầng giao thông. Nếu không có đường cao tốc thì các địa phương rất khó phát triển. Thực tế, trong vài năm trở lại đây, một số địa phương ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, mà một trong những nguyên nhân trọng yếu là nhờ có sự kết nối giao thông rất tốt. Trong khi đó, khu vực Đông Nam Bộ trước đây được xem là trọng điểm kinh tế, động lực phát triển, nhưng do kết nối về giao thông kém nên tốc độ tăng trưởng của khu vực này đang dần bị chậm lại. Một số vùng khác như Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung có kết nối giao thông còn hạn chế thì tốc độ tăng trưởng cũng rất thấp. Do vậy, chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là phải quyết tâm xây dựng hệ thống cao tốc ngay trong nhiệm kỳ này. Phấn đấu đến 2025, cả nước sẽ có 3.000km đường cao tốc và đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc. Việc nỗ lực hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh cũng là cơ hội để Phú Yên có không gian phát triển và phát triển kinh tế; đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu xóa trắng đường cao tốc ở khu vực Nam Trung Bộ.

Dự án Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Phú Yên có tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỉ đồng. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước nói chung và Phú Yên nói riêng. Do vậy, việc triển khai dự án là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quyết liệt vào cuộc.

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/291723/quyet-tam-cung-ca-nuoc-khoi-cong-du-an-cao-toc-bac-nam.html