Quyết tâm phục hồi tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới, sáng tạo

Chiều 22-4, Hội nghị trực tuyến cán bộ chủ chốt học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức tiếp tục chương trình với phần thông tin của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh về 3 chương trình công tác số 02-CTr/TU, 05-CTr/TU và 09-CTr/TU.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đại biểu dự hội nghị chiều 22-4.

Tham dự hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Trưởng các ban Đảng Thành ủy; Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố; Thành ủy viên; lãnh đạo cấp ủy các quận, huyện, thị xã, đảng bộ trực thuộc Thành ủy, đảng bộ xã, phường, thị trấn; các báo cáo viên thành phố... Hội nghị được kết nối tới 611 điểm cầu với tổng số hơn 35.000 cán bộ các cấp tham dự.

5 mục tiêu cụ thể, 11 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế

Mở đầu, thông tin về Chương trình số 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, chương trình được xây dựng trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết, chủ trương, chính sách lớn của Trung ương về phát triển kinh tế, huy động nguồn lực, cơ cấu lại nền kinh tế, khoa học - công nghệ, phát triển bền vững; các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Thành ủy, những định hướng lớn để phát triển Thủ đô theo 9 thông báo kết quả làm việc giữa Thường trực Thành ủy với các bộ, ngành trung ương trong năm 2020.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh thông tin vềChương trình số 02-CTr/TU.

Chương trình có kết cấu 3 phần, gồm: Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2015-2020; mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2021-2025; tổ chức thực hiện. Ngoài ra còn có 6 phụ lục, 1 biểu danh mục các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chương trình.

Bên cạnh mục tiêu tổng quát, chương trình đặt ra 5 mục tiêu cụ thể, 11 chỉ tiêu chủ yếu. Đáng chú ý, thành phố quyết tâm kiểm soát dịch Covid-19 và thực hiện có hiệu quả “nhiệm vụ kép”; phục hồi tăng trưởng kinh tế với các giải pháp đồng bộ gắn với đổi mới, sáng tạo, tận dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo bước đột phá về phát triển kinh tế; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Theo Chủ tịch UBND thành phố, Chương trình số 02-CTr/TU có 11 chỉ tiêu chủ yếu, nổi bật, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7,5-8%; GRDP bình quân/người đạt 8.300-8.500 USD/năm; cơ cấu kinh tế: Dịch vụ chiếm 65-65,5%; công nghiệp và xây dựng chiếm 22,5-23%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4-1,6%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 3,1-3,2 triệu tỷ đồng (giá hiện hành, tăng 12,5-13,5%/năm). Ngoài ra, thành phố phấn đấu đạt tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; số lượt khách du lịch đón và phục vụ đạt 35-39 triệu lượt khách, trong đó có 8-9 triệu lượt khách quốc tế...

Đi sâu vào phân tích 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, Chương trình số 02-CTr/TU có tính chất tương đối tổng hợp, các nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau; do vậy hệ thống những chỉ tiêu, đề án của chương trình sẽ tập trung chính vào mục tiêu tái cơ cấu, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, một giải pháp lớn để thực hiện hiệu quả chương trình là đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng của Thủ đô trong giai đoạn tới, như phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng logistics... và đặc biệt, đối với hai đột phá lớn, rất mới hiện nay, đó là: “Phát triển hạ tầng viễn thông thế hệ mới” và “Phát triển hạ tầng khoa học - công nghệ”.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh quán triệt những nội dung quan trọng của Chương trình 02-CTr/TU.

Đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, cần có những giải pháp cụ thể hóa, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, ý chí, khát vọng vươn lên để thực sự tạo thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Phủ kín quy hoạch, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó thiên tai

Tiếp theo, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã truyền đạt nội dung Chương trình số 05-CTr/TU về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Chương trình có 13 chỉ tiêu. Đáng chú ý, về quy hoạch, quản lý quy hoạch, thành phố phấn đấu đạt 100% đối với: Tỷ lệ diện tích phủ kín các quy hoạch phân khu đô thị; tỷ lệ phủ kín quy hoạch xây dựng vùng huyện và tỷ lệ hoàn thành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chung xây dựng xã.

Đối với các chỉ tiêu về quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, Hà Nội phấn đấu đạt 100% đối với: Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường và tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đang hoạt động và xây dựng mới) có trạm xử lý nước thải. Ngoài ra, thành phố đặt chỉ tiêu đạt 50-55% đối với tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý và phấn đấu diện tích cây xanh bình quân đầu người khu vực đô thị năm 2025 là 7,8-8,1 m2/người.

Quang cảnh hội nghị.

Về phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu, thành phố xác định các chỉ tiêu là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê. Thành phố cũng đặt ra chỉ tiêu bảo đảm thoát nước khu vực nội thành nhanh về các nguồn tiêu; triển khai chống úng cho khu vực ngoại thành khi có mưa dưới 300mm/3 ngày vào giữa vụ; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi ở mức thiết kế. Thành phố cũng quyết tâm kiềm chế số vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra, trong đó số vụ cháy lớn, cháy nghiêm trọng, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng không quá 3% tổng số vụ cháy.

Theo Chủ tịch UBND thành phố, Chương trình số 05-CTr/TU có 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025 đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; 14 nhóm nhiệm vụ đối với công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và 7 nhóm nhiệm vụ đối với công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu. Ngoài ra, còn có 64 danh mục nhiệm vụ, đề án, dự án để triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình số 05-CTr/TU.

Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội

Thông tin triển khai Chương trình số 09-CTr/TU về “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh, đây là chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi vì đối với Thủ đô Hà Nội, để mất an ninh chính trị, trật tự an toàn là không có cơ hội sửa chữa, nên mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ hàng đầu đặt ra đối với các cấp, các ngành thành phố là phải bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho Thủ đô phát triển.

Các đại biểu dự hội nghị.

Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ, mục tiêu bao trùm của Chương trình số 09-CTr/TU là giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên địa bàn Thủ đô. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra bị động, bất ngờ; tạo môi trường ổn định, an toàn phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của thành phố. Tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, an ninh của thành phố, bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp, phức tạp, mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động vào địa bàn Thủ đô.

Thông tin về 6 nhóm chỉ tiêu chủ yếu, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình số 09-CTr/TU, đồng chí Chu Ngọc Anh chỉ rõ, Thành ủy đã phân công từng đề án, nhiệm vụ trọng tâm cụ thể cho các cấp ủy Đảng và các sở, ban, ngành thành phố để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chương trình. Trong đó, năm 2021, phải tập trung xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án, chuyên đề cụ thể kèm theo chương trình từ thành phố đến cấp ủy Đảng cơ sở; rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, phương tiện, lực lượng đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực cho quốc phòng - an ninh trong giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu dự hội nghị.

Từ năm 2022 đến năm 2024, các cấp, các ngành triển khai thực hiện nội dung chương trình; tổ chức diễn tập một số phương án bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn thành phố; chỉ đạo những nội dung thực hiện tiếp theo; nghiên cứu, bổ sung những nội dung phù hợp với yêu cầu và thực tiễn của công tác bảo đảm an ninh - quốc phòng; rà soát các mục tiêu, kết quả thực hiện những nội dung trọng tâm của chương trình; đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện chương trình hằng năm và sơ kết giữa nhiệm kỳ.

Ngày mai, 23-4, hội nghị tiếp tục diễn ra.

Võ Lâm - Ảnh: Viết Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/997046/quyet-tam-phuc-hoi-tang-truong-kinh-te-gan-voi-doi-moi-sang-tao