Ra biển bắt mực nổi

Trước và sau Tết Nguyên đán hằng năm, dòng hải lưu xáo động mạnh làm nước biển trở nên đục ngầu, cũng là lúc từng đàn mực ống từ đáy biển ngoi lên gần mặt nước để kiếm ăn. Đây là thời điểm mà nhiều ngư dân xã Triệu An, huyện Triệu Phong sửa soạn ngư cụ ra biển để đánh bắt mực nổi.

 Thuyền câu mực nổi của ngư dân xã Triệu An chuẩn bị ra khơi. Ảnh: HTS

Thuyền câu mực nổi của ngư dân xã Triệu An chuẩn bị ra khơi. Ảnh: HTS

Buổi chiều trên bến con sông cụt chảy qua thôn Hà Tây, Phú Hội, xã Triệu An nhộn nhịp, lao xao tiếng cười nói của nhiều ngư dân đang chuẩn bị ngư cụ cho chuyến vượt sóng ra khơi đánh bắt mực nổi. Mang hai chiếc bình ắc quy cỡ lớn lên thuyền, xong việc, ngư dân Lê Hiên (58 tuổi) ở thôn Hà Tây tranh thủ trò chuyện với chúng tôi. Ông Hiên cho biết, câu mực nổi là nghề có từ lâu đời của ngư dân xã Triệu An cũng như nhiều xã vùng biển bãi ngang, cửa lạch khác. Làm nghề câu mực nổi không khó, chỉ cần đầu tư một chiếc thuyền máy có công suất khoảng 10 - 12 CV là có thể ra biển. Trước đây, thuyền câu mực nổi của ngư dân xã Triệu An thường dùng đèn măng sông chiếu sáng xung quanh thuyền để thu hút mực ống đến kiếm mồi. Qua quá trình hành nghề, nhiều ngư dân nhận thấy ánh sáng đèn măng sông quá yếu, không đủ sức xuyên sâu xuống làn nước biển đục ngầu để thu hút lượng lớn mực ống ngoi lên gần mặt nước kiếm mồi, thuận lợi cho việc dùng vợt xúc, câu mực ống. Chính vì vậy mà lượng mực nổi đánh bắt được không nhiều.

Vài năm trở lại đây, ngư dân làm nghề câu mực nổi bắt đầu mua sắm các máng đèn led sử dụng nguồn điện từ bình ắc quy với độ chiếu sáng xung quanh thuyền rộng, sâu xuống hàng chục mét nước biển, thu hút lượng lớn mực ống ngoi lên xung quanh ánh sáng đèn. Nhờ vậy, lượng mực nổi mà ngư dân đánh bắt được cũng nhiều hơn trước. Nghề câu mực nổi khác với các nghề khác, đó là dùng mồi giả để câu mực. Mồi giả là thỏi chì nặng và dài bằng ngón tay cái người lớn được quấn vải ngũ sắc xung quanh. Một đầu thỏi chì gắn hàng chục lưỡi câu, còn đầu kia thì buộc vào dây câu. Chính những thỏi chì quấn vải ngũ sắc lung linh trong ánh đèn led làm mực nhầm tưởng mồi ngon mà dùng xúc tu quấn lấy để rồi mắc vào lưỡi câu… Có thể nói, câu mực nổi là cả một nghệ thuật, bởi ngoài kinh nghiệm để chọn thời tiết, thời điểm thì quá trình giữ cần, thả mồi cũng rất quan trọng. Thường thì người câu sẽ phải kéo cần và dây câu để mồi câu chuyển động một cách nhịp nhàng mới gây sự chú ý để thu hút con mực đến bám mồi câu…

Khoảng 16 giờ chiều, chiếc thuyền câu với công suất 12 CV của ông Lê Hiên rời bến, luồn lách qua từng đợt sóng tung bọt trắng xóa bươn bả ra khơi. Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ thì thuyền của ông Hiên mới đến được địa điểm câu mực nổi (cách bờ khoảng 8 - 10 hải lí). Ra đến nơi, cùng là lúc ánh nắng yếu ớt cuối chiều bắt đầu dần khuất dưới mặt biển mênh mông đầy sóng gió. Các thành viên trên thuyền chuẩn bị cần câu rồi chờ trời tối hẳn thì “lên đèn”. Trên thuyền, mỗi góc là một thành viên ngồi lặng lẽ, tay thoăn thoắt ném chiếc mồi câu ra xa rồi thuần thục kéo cần theo nhịp sóng lên xuống rất đều đặn. Ánh mắt của họ tập trung quan sát xung quanh, không khí khá yên ắng. “Con đầu tiên rồi nhé!”, một con mực ống bằng bốn ngón tay người lớn chụm lại được ông Hiên kéo lên khỏi mặt biển, bắt đầu phun thứ mật đen tự vệ kêu chin chít như tiếng dơi săn mồi trong đêm vắng. Khoảng vài phút sau, các thành viên trong thuyền bắt đầu câu được những con mực đầu tiên. Không khí đánh bắt mực nổi sôi động hẳn lên khi đàn mực bắt đầu lên gần mặt biển. Ông Hiên bỏ cần câu để cầm vợt xúc mực đến ngồi cạnh quầng ánh sáng đèn hắt xuống mặt biển. Chốc chốc, ông Hiên lại nhoài người dùng vợt xúc mạnh xuống mặt biển để vớt lên vài con mực ống và nhanh chóng cho vào lòng thuyền. Công việc câu mực, xúc mực nổi cứ lặp đi lặp lại mãi đến khoảng 22 giờ đêm thì ông Hiên cùng các thuyền viên tắt đèn, nhổ neo để tìm địa điểm câu mực khác, cách địa điểm cũ khoảng vài hải lí. Sau khi neo thuyền cẩn thận, công việc câu mực lại tiếp tục. Có vẻ địa điểm mới mực nhiều và con to hơn nhưng cũng phải mất chừng 10 - 15 phút, mỗi thuyền viên mới câu được một con mực ống ném vào khoang thuyền…

“Nghề này vất vả lắm. Tuy không phải mang vác gì nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự kiên trì và phải có thể thức đêm. Bắt đầu dong thuyền ra biển từ khoảng 15 - 16 giờ chiều hôm nay, thì phải đến 5 - 7 giờ sáng hôm sau mới vào đến đất liền. Trong suốt thời gian ấy tất cả thành viên trên thuyền đều không chợp mắt phút nào. Vất vả là vậy nhưng số tiền kiếm được chỉ đủ trang trải cho cuộc sống thường nhật. Mấy năm trở lại đây, nhiều ngư dân không còn mặn mà với nghề biển bởi thu nhập thấp. Trong khi đó nhiều người vay mượn khoảng 200 - 300 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc có thể kiếm được từ 30 - 40 triệu đồng/tháng gửi về cho gia đình trả nợ và tích lũy dần. Do vậy, nhiều ngư dân bỏ nghề biển để đi xuất khẩu lao động. Và cũng chính nguyên nhân này mà tình trạng thiếu lao động làm nghề biển trở nên phổ biến ở nhiều làng biển. Nhiều tàu, thuyền ở các xã bãi ngang, cửa lạch của huyện Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh phải đi biển cầm chừng vì không có lao động. Riêng nghề câu mực nổi, hiện tại trên địa bàn xã Triệu An vẫn còn hàng chục thuyền làm nghề đánh bắt mực nổi. Hầu hết ngư dân đều không muốn bỏ nghề mà cha ông truyền lại… ”, ông Hiên tâm sự.

Gần 5 giờ sáng, thuyền của ông Hiên nhổ neo bắt đầu vượt sóng trở về đất liền. Thành quả sau một đêm lênh đênh trên biển của các thành viên là hơn 10 kg mực ống trong khoang thuyền, bán được khoảng 2 triệu đồng. Hơn 2 giờ sau, thuyền của ông Hiên về đến bờ sông cụt chảy qua thôn Hà Tây để neo đậu và bán số mực ống đánh bắt được cho tư thương. Công việc xong xuôi, các thuyền viên và chủ thuyền nhanh chóng về nhà. Với họ, cả buổi sáng sau đó là giấc ngủ thay đêm. Đầu giờ chiều, công việc chuẩn bị cho một chuyến ra khơi lại bắt đầu…

HTS

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145957