Ra đồng đêm trăng

Quê tôi có cánh đồng nằm xa làng, tận trong chân núi, là những thửa ruộng nằm trên gò đất cao. Muốn làm ruộng phải lội sông băng đèo. Nhưng đó không phải khó khăn, nỗi nhọc nhằn nằm ở chỗ làm ruộng lấy nước trời. Khổ nhất mùa này, phải thường xuyên đi tát nước ruộng - gàu dây - tát cả ngày lẫn đêm.

Gàu có hình chóp tròn nhọn. Hai bên mép của miệng và đáy gàu đều khoan lỗ luồn dây nên khi tát cần hai người đứng đối diện nhau, mỗi người cầm hai đầu dây. Phải hài hòa tuyệt đối từng động tác, từ thế đứng cho đến chuyển động. Ban đầu cùng khom người, thả chùng dây để miệng gàu múc đầy nước rồi cả hai ngã người ra sau, hất mạnh dây thừng ở phía đuôi để đổ nước lên ruộng. Nhớ, phải canh cho miệng gàu lên tới miệng sòng (bờ ruộng) rồi cùng rút dây đáy đổ nước. Rồi lại tiếp tục, đến khi nào ruộng khẳm nước mới thôi nên mỗi lần tát cũng sém buổi. Ban ngày, phơi mình dưới cái nắng chang chang tát thì cực lắm nên dân quê tôi thường rủ nhau đi tát nước đêm, ưu tiên những đêm có trăng.

Tát nước đêm trăng, nghe thôi đã thấy hấp dẫn rồi. Mẹ ơi, anh ơi, cho Út đi tát nước với?! Tôi bị cả hai đồng thanh hét: Xách cái gàu còn chưa nổi mà đòi?! Phải ra ruộng mới làm Tập làm văn được chứ… Gì chứ nói tới chuyện học là mẹ gật đầu liền. Vậy là hăm hở cơm đùm cơm dỡ theo mẹ và anh vô đồng tát nước.

Cánh đồng mênh mang, lúa đang thì con gái ngạt ngào tươi tốt. Ánh trăng tắm mát cánh đồng, phủ lên ruộng lúa tấm lụa vàng óng ánh. Cánh đồng trăng, dòng sông trăng, đầm nước chìm trong trăng. Chao ôi, bát ngát trăng, ngập tràn trăng. Khi chiếc gàu vục xuống, mặt nước xao động, ánh trăng tan ra, tan ra… lung linh sóng sánh.

Cánh đồng quê đêm trăng thanh bình mà náo nhiệt. Gần xa, lao xao tiếng cười của cô Ba, tiếng hát của chú Tám, tiếng bác Năm ho lụ khụ… Tôi bận rộn chạy nhảy hết đám này sang đám khác, miệng nói tía lia. Khéo đẻ cái miệng ra trước, mình nó mà rộn ràng cả cánh đồng, bữa sau bà Hai nhớ đem cái “đài phát thanh” theo nữa nha. Mẹ lắc đầu “cám cảnh”, còn tôi, tôi hiểu là mình được khen nên càng phát huy năng khiếu “mồm năm miệng mười”, sung sướng đến ngất ngư.

Nhớ một lần, khi mẹ dừng tay lại uống nước. Tôi nhanh nhẩu lại đứng vị trí của mẹ, hai tay cầm dây, tư thế sẵn sàng. Được chưa, nghiêng người, thả chùng dây xuống, để nước vô đầy gàu mới kéo lên nè... Tôi làm y chang. “Bập”, một gàu nước tràn miệng luôn. Thấy em học nhanh chưa? 1,2,3 kéo lên nè! “Bủm”. Tôi và cái gàu dây đổi vị trí cho nhau. Gàu lên tới bờ, tôi lộn đầu xuống nước. Lúc ấy tôi thấy mình như con cò ăn đêm, “đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao” vậy. Anh Năm vứt gàu nhảy ào xuống nước “múc” tôi lên. Mẹ bực mình gắt: Đêm lạnh. Nhiễm nước chắc bệnh quá. Bữa sau ở nhà dùm tui cái!

* * *

Tôi lớn lên, rời bỏ những đêm trăng ở cánh đồng sát chân núi nhưng chưa bao giờ tôi chối bỏ nguồn gốc “dân rạ rơm” của mình. Trong những giấc mơ, tôi thường thấy mình bé lại, đêm trăng lon ton theo mẹ ra đồng... Điều đặc biệt hơn là nhờ cái lần “lộn cổ xuống ao” ấy mà tôi khắc cốt ghi tâm rằng, khi phải làm việc tập thể thì phải biết nương vào nhau, phối hợp với nhau để thực hiện...

BÍCH NHÀN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/254647/ra-dong-dem-trang.html