Ra mắt phiên bản đầu tiên của Phân loại ASEAN cho Tài chính Bền vững

Đây sẽ là một trong những nền tảng quan trọng trong việc thu hút đầu tư và dòng tài chính vào các dự án bền vững trong khu vực.

Hội đồng Phân Loại ASEAN (ATB) hôm 10/11 đã ban hành Phân loại ASEAN cho Tài chính Bền vững (ASEAN Taxonomy) - Phiên bản 1, cùng với Hội nghị lần thứ 26 của các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26).

Với việc ra mắt bộ công cụ này, các cơ quan quản lý tài chính ASEAN đã đạt được một cột mốc hướng tới đạt được các cam kết trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu thông qua việc đưa ra một “ngôn ngữ chung” cho toàn khu vực ASEAN về các hoạt động kinh tế và công cụ tài chính bền vững.

ASEAN Taxonomy đóng vai trò như một điểm tham chiếu để hướng dẫn các nguồn vốn và tài trợ cho các hoạt động có thể giúp thúc đẩy sự chuyển đổi hệ thống cần thiết cho khu vực, ATB cho biết trong một tuyên bố.

Phiên bản 1 của ASEAN Taxonomy cung cấp một khuôn khổ cho các cuộc thảo luận với các bên liên quan trong khu vực công và khu vực tư nhân để cùng nhau xây dựng và hoàn thiện ASEAN Taxonomy, theo tuyên bố.

“ASEAN Taxonomy thể hiện cam kết tập thể của các nước thành viên ASEAN trong việc chuyển đổi hướng tới một khu vực phát triển bền vững”, tuyên bố nêu rõ.

"Nó được thiết kế để trở thành một hệ thống phân loại toàn diện và đáng tin cậy cho các hoạt động bền vững và sẽ là một trong những nền tảng quan trọng trong việc thu hút đầu tư và dòng tài chính vào các dự án bền vững trong khu vực", tuyên bố cho biết thêm.

Đặc biệt, ASEAN Taxonomy bao hàm các khát vọng và mục tiêu quốc tế, đồng thời xem xét các nhu cầu riêng của khu vực và nhờ đó sẽ mang tính bao trùm và có lợi cho tất cả các nước thành viên ASEAN, theo tuyên bố của ATB.

ATB cho biết, để phục vụ cho sự đa dạng của các nước thành viên ASEAN, Hội đồng đã quyết định thực hiện ASEAN Taxonomy theo phương pháp tiếp cận nhiều cấp với 2 phần chính, gồm Khung Nền tảng (Foundation Framework) dựa trên các nguyên tắc đưa ra đánh giá định tính của các hoạt động, và Khung Tiêu chuẩn Bổ sung (Plus Standard) với các thông số và ngưỡng để đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện cao hơn về đầu tư và các hoạt động xanh.

Sản xuất điện năng là một trong những lĩnh vực phát thải nhiều khí nhà kính nhất. Ảnh: RT

Sản xuất điện năng là một trong những lĩnh vực phát thải nhiều khí nhà kính nhất. Ảnh: RT

Như một tiêu chuẩn, Khung Tiêu chuẩn Bổ sung (Plus Standard) sẽ bao gồm 6 lĩnh vực quan trọng nhất về phát thải khí nhà kính và tổng giá trị gia tăng như nông-lâm-ngư nghiệp; cung cấp điện năng, khí đốt và điều hòa không khí; sản xuất; vận tải và kho bãi; cung cấp nước; xử lý nước và rác thải; xây dựng và bất động sản.

Khung tiêu chuẩn của ASEAN Taxonomy cũng bao gồm 3 ngành hỗ trợ mà sản phẩm và dịch vụ của các ngành này góp phần vào việc đạt được các mục tiêu về môi trường, đó là thông tin và truyền thông; chuyên môn, khoa học kỹ thuật; và thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon.

ASEAN Taxonomy cũng xây dựng chi tiết về "phương pháp tiếp cận xếp chồng lên nhau". Phương pháp này sẽ được sử dụng để xác định các ngưỡng và các tiêu chí sàng lọc kỹ thuật trong Khung Tiêu chuẩn Bổ sung, sẽ được tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo, ATB cho biết.

Minh Đức (Theo The Edge Markets, BNM)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ra-mat-phien-ban-dau-tien-cua-phan-loai-asean-cho-tai-chinh-ben-vung-a533561.html