Rà soát các nguồn thu còn dư địa để tăng cường thu nợ để bù đắp một phần hụt thu do dịch Covid- 19
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2020 do ngành thuế quản lý mới đạt mức thấp nhất so với thu của một số năm gần đây. Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN ở mức cao nhất, trong 6 tháng cuối năm, ngành thuế tập trung rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng. Tăng cường thu nợ để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu NSNN do dịch bệnh COVID-19.
Sáng nay - 8/7, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2020.
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho biết, hiệm vụ thu NSNN năm 2020 của ngành Thuế là 1.254.300 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 35.200 tỷ, thu nội địa trừ dầu là 1.219.100 tỷ; thu nội địa không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận chênh lệch, xổ số kiến thiết là 1.018.100 tỷ đồng.
Kết quả thu 6 tháng đầu năm 2020 do Tổng cục Thuế quản lý ước đạt 574.237 tỷ đồng, bằng 45,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 96,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Thu từ dầu thô ước đạt 21.338 tỷ đồng, bằng 60,6% so với dự toán, bằng 72,4% so với cùng kỳ năm 2019’ Thu nội địa ước đạt 552.899 tỷ đồng, bằng 45,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2019. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận chênh lệch, xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của Ngân hành nhà nước (NHNN) ước đạt 424.769 tỷ đồng, bằng 41,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, về tổng thể, tỷ lệ thực hiện dự toán thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý 6 tháng năm 2020 đạt thấp nhất so với thu của một số năm gần đây (năm 2019 đạt 51,1% dự toán, năm 2018 đạt 49,6%, năm 2017 đạt 48,2%). Trong đó, tiến độ thu khá tập trung tại một số khoản có nguồn phát sinh kinh tế của năm 2019 nhưng theo quy định các DN kê khai, nộp thuế trong những tháng đầu năm 2020.
Về diễn biến thu qua các tháng giảm dần và giảm mạnh từ tháng 4 trở đi, cụ thể thu tháng 1 tăng 18,2%, trong đó số thu nội địa trừ đất, cổ tức, xổ số, chênh lệch thu chi NHNN (gọi chung là thu nội địa từ thuế, phí) tăng 7,2%; tháng 2 tăng 13,4% (trong đó số thu từ thuế phí tăng 12,6%); tháng 3 tăng 11,7% (trong đó số thu từ thuế, phí tăng 2,4%); tháng 4 thu chỉ bằng 78,5% (trong đó số thu từ thuế phí chỉ bằng 70,2% cùng kỳ); tháng 5 thu chỉ bằng 66,1% (trong đó số thu từ thuế phí chỉ bằng 70,3%); tháng 6 thu chỉ bằng 84,3% (trong đó thu từ thuế phí chỉ bằng 83,3% cùng kỳ).
Chỉ có 34/63 địa phương có tiến độ thu lũy kế 6 tháng đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán (đạt trên 50%) do trong cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn của hầu hết các địa phương này có nguồn thu phát sinh của năm 2019 lớn nhưng theo quy định người nộp thuế (NNT) trong năm 2020 (thuế TNDN) và thu từ tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng cao (nguồn thu chủ yếu từ các dự án đất đã triển khai đấu giá xong từ cuối năm 2019).
Số địa phương còn lại (29/63 địa phương) có tiến độ thu chậm, chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán năm, hầu hết những địa phương này là những địa phương có nguồn thu thuế GTGT, TTĐB, thuế tài nguyên chiếm tỷ trọng lớn, đây là những nguồn thu có kỳ nộp thuế phát sinh theo tháng, tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tình hình kinh tế đã ngay lập tức ảnh hưởng rõ nét đến thu NSNN trên địa bàn, nguồn thu từ đất phát sinh thấp nên không bù đắp được tổng thu chung, tiến độ thu đã chậm lại từ tháng 4/2020 đến nay.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, nhiệm vụ thu NSNN năm nay là rất khó khăn, tuy nhiên ngành thuế phấn đấu thực hiện hoàn thành dự toán thu NSNN ở mức cao nhất. Giảm số tiền nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN năm 2020 (không bao gồm đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid19 đã gia hạn đến 31/12/2020 không có khả năng thu).
”Để giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, chia sẻ khó khăn với DN và người dân, ngành Thuế luôn xác định là người bạn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Bởi DN có ổn định, phát triển thì mới có nguồn thu…” - ông Tuấn chia sẻ.
Theo kế hoạch, để hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu thu, trong 6 tháng còn lại của năm, ngành thuế sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thu đối với những khoản thu đạt tiến độ thấp, tăng trưởng không cao, đặc biệt là đối với 16 địa phương có số thu điều tiết ngân sách trung ương để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trung ương năm 2020.
Đặc biệt, tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã nhấn mạnh các Cục thuế dịa phương cần rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu NSNN do dịch bệnh Covid 19 gây ra như thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tăng cường quản lý đối với các đối tượng được hưởng lợi trong thời điểm dịch bệnh Covid19 xảy ra do tăng trưởng sản xuất hoặc thay đổi hành vi tiêu dùng như: hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet...; Tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán, Thanh tra;...
Cùng vứi đó, triển khai quyết liệt công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5% tổng thu NSNN. Tổ chức rà soát kịp thời đối với NNT không thuộc diện được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP để đôn đốc kịp thời NNT nộp đúng, đủ, kịp thời số thuế phải nộp vào NSNN, rà soát đối với NNT thuộc đối tượng được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất tuy nhiên còn nợ thuế để tổ chức đôn đốc thu kịp thời tiền thuế nợ vào NSNN...