Rà soát các vị trí nguy cơ cao lở đất để chủ động ứng phó mưa lũ ở Hà Tĩnh
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) Hà Tĩnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ nhằm chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới (đang hoạt động trên biển Đông và tình hình mưa lũ trên địa bàn.
Tuyến đường nối 2 xã Phúc Trạch - Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) đang trong quá trình sửa chữa tiếp tục bị sạt lở trong các đợt mưa lớn từ ngày 7-9/10 vừa đây.
Thực hiện công điện số 23/CĐ-TW hồi 16h30’ngày 11/10/2020 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; để chủ động ứng phó với diễn biến của ATNĐ trên biển Đông và tình hình mưa lũ đang diễn biến hết sức phức tạp, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh vừa ban hành công điện, trong đó đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai nghiêm túc Công điện khẩn số 2608-CĐ/TU ngày 9/10/2020 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về việc triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ; Công điện số 22/CĐ-UBND ngày 9/10/2020 của UBND tỉnh về việc tập trung ứng phó với mưa, lũ trên địa bàn tỉnh;
Đối với vùng biển và vùng ven biển, giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN nạn các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Vùng nguy hiểm do ATNĐ sau mạnh lên thành bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; từ 112,5 đến 119,5 độ Kinh Đông và cập nhật theo các bản tin của cơ quan dự báo.
Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông khi có lũ lớn, đảm bảo an toàn.
Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khách du lịch trên các đảo và ven biển, các khu nuôi trồng thủy sản; sẵn sàng phương án sơ tán dân khu vực ven biển, cửa sông đến nơi an toàn.
Đối vùng núi, hiện nay, do mưa kéo dài trong nhiều ngày, đất đã bão hòa rất dễ bị sạt lở khi có mưa lớn; đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát kỹ tất cả các vị trí có nguy cơ cao về sạt lở đất để thông báo kịp thời cho người dân chủ động ứng phó, phòng tránh hiệu quả...