Rà soát, dừng ngay các công trình đang thi công ở khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

Sáng 25-10, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống Thiên tai (PCTT) tổ chức họp với các cơ quan chức năng và các bộ, ngành bàn giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT về tình hình thiệt hại do thiên tai những ngày qua ở các tỉnh miền Trung đã làm 4 người chết và mất tích (1 người chết, 3 người mất tích). Về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, 162,39 ha lúa, ngô (Quảng Ngãi) và 442,85 ha rau màu (Quảng Nam 97,1ha; Quảng Ngãi 346 ha) bị thiệt hại; 11 tấn lương thực bị ướt (Quảng Ngãi); 2.811 con gia súc, gia cầm bị chết; 152,5 ha thủy sản bị thiệt hại (Quảng Ngãi).

Về giao thông và thủy lợi, 2.564m kênh mương bị sạt lở; 3 công trình thủy lợi, 12 công trình nước sạch bị hư hỏng; 28 đập dâng bị bồi lấp, sạt lở 160m bờ sông (Quảng Ngãi), một 34 vị trí trên các tuyến quốc lộ: 34 vị trí bị sạt lở tại Quảng Ngãi với tổng khối lượng sạt lở 3.754m3; 5.500m2 mặt đường bị hư hỏng (Quảng Ngãi); 95 vị trí sạt lở trên các tuyến đường tỉnh, huyện, xã; 21 cầu giao thông bị hư hỏng (Quảng Ngãi). Tình hình ngập lụt: Tại Quảng Nam 5.373 nhà bị ngập thuộc các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh; thành phố Tam Kỳ và Hội An (mức ngập từ 0,3-1,0m). Tại Quảng Ngãi 11.038 nhà bị ngập thuộc huyện Bình Sơn (có mức ngập từ 05-0,7m). Đến nay, hiện đã thông xe trên toàn tuyến trên Quốc lộ 1A; Đường sắt Bắc Nam đã thông tuyến vào 20 giờ ngày 24-10.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống Thiên tai phát biểu tại cuộc họp sáng ngày 25-10.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống Thiên tai phát biểu tại cuộc họp sáng ngày 25-10.

Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão, lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp với chính quyền các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 49.191 phương tiện với 261.324 người biết vị trí, hướng di chuyển của ATNĐ, bão để chủ động phòng tránh.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết: ATNĐ dự báo sẽ mạnh lên thành bão này ít có khả năng di chuyển lên phía Bắc do tác động của khối không khí lạnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của ATNĐ, bão từ đêm 26 đến 27-10 mưa to tại các tỉnh khu vực Phú Yên, Khánh Hòa 200mm. Từ ngày 27 đến 30-10, mưa dịch chuyển lên các tỉnh Bắc Trung Bộ, do đó ở Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế từ 200-300 mm. Đáng lưu ý mưa to có thể xảy ra ở khu vực Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh Trung Bộ.

 Toàn cảnh cuộc họp sáng ngày 25-10.

Toàn cảnh cuộc họp sáng ngày 25-10.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài đề nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần có ngay các phương án đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền. Trên đất liền, tại các vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, chính quyền các địa phương cần chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, tổ chức sơ tán dân kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Hiện toàn bộ các hồ chứa cơ bản đã đầy nước (trừ các hồ chứa lớn), vì vậy cần phải tiến hành rà soát, kiểm tra ngay để đảm bảo an toàn hồ chứa và khu vực hạ du. Khi xả lũ, chủ các hồ chứa phải thông báo kịp thời có chính quyền và người dân ở khu hạ lưu hồ chứa. Trước tình hình mưa lũ những ngày tới, đề nghị các địa phương trong vùng có nguy cơ mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất khẩn trương rà soát, dừng ngay các công trình đang thi công: thủy điện, điện gió để đảm bảo an toàn. Bài học về mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại về người tại Thủy điện Rào Trăng 3 ( Thừa Thiên Huế) năm cuối năm 2020 vẫn còn nguyên giá trị.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/ra-soat-dung-ngay-cac-cong-trinh-dang-thi-cong-o-khu-vuc-co-nguy-co-lu-quet-sat-lo-dat-675328