Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phải công khai, công bằng và dân chủ

* Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội PHAN VĂN LINH trả lời phỏng vấn

- Thưa ông! Đề nghị ông đánh giá về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hằng năm của các địa phương theo Nghị quyết của HĐND các cấp đề ra và kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020?

- Thưa ông! Đề nghị ông đánh giá về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hằng năm của các địa phương theo Nghị quyết của HĐND các cấp đề ra và kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016- 2020?

- Công tác giảm nghèo bền vững là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, địa bàn và các nhóm dân cư. Trong 5 năm qua (2016-2020), công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhờ đó đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Các chính sách hỗ trợ quan trọng của Đảng, Nhà nước đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách kịp thời, đầy đủ và hiệu quả. Tổng nguồn vốn đã huy động để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh trên 5.750 tỉ đồng, bình quân hơn 1.150 tỉ đồng/năm (không tính nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội bình quân là 352,9 tỉ đồng/năm). Người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản như hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin... Kết cấu cơ sở hạ tầng tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng miền núi và vùng bãi ngang ven biển được tăng cường đầu tư. Đời sống người dân vùng nông thôn, đặc biệt vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn đã có sự thay đổi đáng kể.

Nhìn chung, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 15,43% đầu năm 2016 xuống còn 6,58% cuối năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1,77%/năm (đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra). Quảng Trị có hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng khá lớn và số hộ chính sách, người có công thuộc diện hộ nghèo đầu nhiệm kỳ là 1.621 hộ. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, đến nay Quảng Trị không còn gia đình chính sách, người có công thuộc diện hộ nghèo. Thành tựu trong công tác giảm nghèo bền vững trong 5 năm qua đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.

- UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành Kế hoạch số 5197/KH-UBND về việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Ông có thể cho biết, đến thời điểm hiện nay, việc triển khai thực hiện kế hoạch này như thế nào?

- Kế hoạch số 5197/KH-UBND của UBND tỉnh về việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 trên địa bàn tỉnh với mục đích rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm xác định, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để có cơ sở xây dựng kế hoạch, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh trong năm 2021; đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hằng năm của các địa phương theo Nghị quyết của HĐND các cấp đề ra. Tiêu chí và chuẩn hộ nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Đối tượng rà soát là toàn bộ hộ gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 do UBND xã, thị trấn, phường đang quản lý; những hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại địa phương (không bao gồm những hộ có hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng không sống tại địa phương từ 6 tháng trở lên) và những hộ gia đình đã đăng ký tạm trú tại địa phương từ 6 tháng trở lên không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020, nhưng gặp khó khăn, biến cố rủi ro trong năm có khả năng rơi vào diện nghèo, cận nghèo do hộ gia đình đề nghị hoặc do địa phương chủ động phát hiện.

 Ngân hàng chính sách tuyên truyền các chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo -Ảnh: MĐ

Ngân hàng chính sách tuyên truyền các chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo -Ảnh: MĐ

Hiện nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 cho các điều tra viên và Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo cấp huyện, xã. Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp huyện chỉ đạo thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo đúng quy trình và thời hạn quy định; kiểm tra và tổ chức phúc tra kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của cấp huyện trong trường hợp thấy kết quả rà soát chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương hoặc có đơn thư khiếu nại. Hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã ban hành Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 trên địa bàn; yêu cầu việc rà soát phải thực hiện đúng quy trình, công khai, dân chủ, tránh chạy theo thành tích mà phản ánh không đúng thực tế. Theo dự kiến các địa phương sẽ hoàn thành việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn và báo cáo kết quả về Sở LĐ,TB&XH trước ngày 15/12/2020.

- Một trong những yêu cầu quan trọng trong thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo là đảm bảo chính xác theo nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ và không được bỏ sót đối tượng. Vậy, để đạt được những yêu cầu quan trọng này, cần có những giải pháp gì, thưa ông?

- Xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo là cơ sở để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống người dân. Kết quả điều tra, rà soát càng chính xác sẽ càng làm cho chính sách giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đến đúng đối tượng và đạt kết quả cao nhất. Để công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 đạt hiệu quả, cần thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp sau: Trước hết, cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua truyền thông trực tiếp đến các cấp, các ngành và người dân; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành; chú trọng tuyên truyền các tấm gương điển hình vươn lên thoát nghèo nhằm thay đổi nhận thức trong Nhân dân, khắc phục tư tưởng lệch lạc không muốn thoát nghèo để hưởng chính sách của Nhà nước. Các cấp từ tỉnh đến huyện, xã đều phải xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo rà soát các cấp. Mặt khác, tổ chức triển khai kế hoạch rà soát, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ điều tra viên và các thành viên ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo các cấp để việc tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 trên từng địa bàn triển khai đúng quy trình, thời gian và đảm bảo tính thực chất.

Một trong những yêu cầu góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 đó là thực hiện rà soát phải căn cứ tiêu chí của chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện hành, theo đúng quy trình, phương pháp, đảm bảo tính chính xác theo nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ và có sự tham gia của người dân. Việc thực hiện rà soát phải phản ánh đúng thực tế tình hình diễn biến hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương; tránh tình trạng chạy theo chỉ tiêu, thành tích, phản ánh sai lệch thực tế về tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, không trùng lặp, bỏ sót đối tượng, tạo được sự đồng thuận của người dân. Vì thế, trong quá trình tổ chức rà soát phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở; sự giám sát của Mặt trận, các tổ chức thành viên và người dân. Trên cơ sở kế hoạch rà soát của địa phương, các cấp, các ngành chủ động thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tại các địa bàn được phân công. Lưu ý các địa phương khi tổ chức họp dân thống nhất kết quả rà soát phải bảo đảm các thành phần; niêm yết công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo tại trụ sở UBND cấp xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và phải bảo đảm thời gian niêm yết tối thiểu 7 ngày làm việc.Tập trung vào kiểm tra công tác cập nhật dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh; thẩm định kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo của từng địa phương… Đối với các trường hợp khiếu nại (nếu có) phát sinh ở cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm thành lập tổ, đoàn phúc tra khiếu nại và báo cáo kết quả thực hiện đến UBND cùng cấp và cơ quan cấp trên. Kết thúc cuộc rà soát từng thôn, bản, khu dân cư, xã, phường, thị trấn phải xác định được chính xác số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để theo dõi, quản lý; các huyện, thị xã, thành phố phải xác định được tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nguyên nhân, nhu cầu trợ giúp ở địa phương mình.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Minh Đức (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153611