Rà soát kỹ hơn căn cứ điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn
Sáng 30.10, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, các đại biểu Quốc hội Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Quảng Trị, Bình Phước, Bình Thuận) đề nghị rà soát kỹ hơn các căn cứ điều chỉnh quy hoạch theo trình tự thủ tục rút gọn để bảo đảm phân biệt được với các căn cứ điều chỉnh quy hoạch theo trình tự thủ tục thông thường.
Bảo đảm linh hoạt, chủ động cho địa phương
ĐBQH Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh dự án Luật; cho rằng, cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.
Nêu quan điểm về nội dung sửa đổi Luật Quy hoạch, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị nhất trí sửa đổi, bổ sung Điều 5, Điều 6 phụ lục II của Luật Quy hoạch để quy định quy hoạch đô thị và nông thôn là một loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và quy định mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ thứ bậc của hệ thống quy hoạch.
Về nội dung sửa đổi liên quan đến kinh phí lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đại biểu cho biết, qua giám sát cho thấy vấn đề chi phí lập quy hoạch là nội dung rất vướng mắc. Lần này Chính phủ đề xuất sửa đổi nhưng nội dung này còn liên quan đến các Luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai… Do vậy, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật để việc sửa đổi trong Luật Quy hoạch không dẫn đến bị vướng, cản trở các Luật khác, nhất là các Luật đã có hiệu lực.
Về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự rút gọn, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị rà soát kỹ hơn các căn cứ điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn tại khoản 2 Điều 54a, bảo đảm phân biệt được với các căn cứ điều chỉnh quy hoạch (theo trình tự, thủ tục thông thường) tại Điều 53 của Luật Quy hoạch.
Tại Khoản 3 Điều 54a quy định khá cụ thể về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, trong khi khoản 4 giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 54a. Tại kết luận 958/KL-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật lưu ý "bảo đảm nguyên tắc luật không quy định nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ".
Do đó, trong trường hợp giao Chính phủ thẩm quyền xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho rằng, khoản 3 chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, còn những nội dung cụ thể do Chính phủ quy định. Hoặc chỉ quy định một số nguyên tắc trong việc điều chỉnh quy hoạch (phải có thẩm định, xin ý kiến...) còn trình tự, thủ tục giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định để nếu Thủ tướng phân cấp, ủy quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cho địa phương không bị vướng quy định trình tự, thủ tục của Luật, bảo đảm linh hoạt, chủ động.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy hoan nghênh việc sửa đổi Luật Quy hoạch có nội dung về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự thủ tục rút gọn; đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ tiếp tục quan tâm có một số điều chỉnh cục bộ đối với Luật Quy hoạch gắn với pháp luật chuyên ngành ở mức độ cho phép, được kiểm soát và không làm thay đổi mục tiêu, quan điểm, nội dung chính của quy hoạch đó.
Ưu đãi cụ thể thu hút các dự án đầu tư
Đối với Luật Đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy hoan nghênh việc có các thủ tục đầu tư đặc biệt để thu hút các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chế tạo chip bán dẫn. Nếu làm tốt sẽ thu hút được các dự án đầu tư chất lượng trong các lĩnh vực này. Ông cũng đề nghị nên có những quy định về mức độ hỗ trợ, ưu đãi rất cụ thể, nhưng chỉ với các dự án thực sự đáp ứng tiêu chí đã đặt ra, không làm tràn lan.
Cũng liên quan đến Luật Đầu tư, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) cho biết, Luật hiện hành chưa có quy định dự án đầu tư có sử dụng khu vực biển theo quy định của Luật Biển Việt Nam dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc khi nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng khu vực biển để thực hiện các dự án, như: dự án xây dựng cảng biển, cầu cảng, điện gió ngoài khơi, khai thác khoáng sản trên biển, dự án nuôi trồng thủy sản trên biển… Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ: "giao khu vực biển vào các điều khoản tương ứng trong Luật Đầu tư như điểm a khoản 1 Điều 33; điểm b khoản 4 Điều 33; khoản 4 Điều 40; điểm b khoản 4 Điều 41; khoản 3 Điều 44; khoản 7 Điều 77 để phù hợp với Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo để tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án.
Về đối tượng áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị, rà soát đối tượng áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 36a theo hướng: chỉ áp dụng cho dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã hoàn thiện hạ tầng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Với dự án đầu tư được áp dụng, đại biểu đề nghị rà soát danh mục các loại hình dự án trong dự thảo Luật. Sau khi rà soát hoàn thiện danh mục, đề nghị bổ sung quy định loại trừ đối tượng không bao gồm các dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.