Rác thải trá hình

Tổ chức Thay đổi thị trường (CMF) có trụ sở chính tại Hà Lan, vừa công bố báo cáo cho biết, khoảng 1/3 số quần áo cũ từ các quốc gia châu Âu gửi đến các nước đang phát triển mỗi năm không thể tái sử dụng và tạo ra một lượng rác thải khổng lồ cùng nhiều nguy cơ môi trường tiềm ẩn.

Được thực hiện dựa trên các dữ liệu hải quan cũng như nghiên cứu thực địa của tổ chức phi lợi nhuận Wildlight và nhóm hoạt động Clean Up Kenya, báo cáo của CMF thực hiện tại Kenya cho biết, có đến 900 triệu quần áo đã qua sử dụng được gửi đến quốc gia châu Phi này mỗi năm. 1/3 số quần áo này không thể tái sử dụng vì hư hỏng hoặc không phù hợp với điều kiện thời tiết ở Kenya (hàng tấn quần áo sử dụng cho trượt tuyết và mùa đông).

Sông Nairobi chảy qua núi quần áo thải loại ở chợ Gikomba, thủ đô Nairobi (Kenya)

Sông Nairobi chảy qua núi quần áo thải loại ở chợ Gikomba, thủ đô Nairobi (Kenya)

CMF cho hay, phần lớn quần áo cũ gửi đến Kenya được làm từ các chất liệu như polyester và mô tả đây là rác thải nhựa trá hình. Khi chúng không thể được tái sử dụng sẽ bị thải ra các bãi rác và đốt bỏ, dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí, trực tiếp gây hại cho những người nhặt rác và cư dân địa phương do hít phải khói độc. Bên cạnh đó, nhiều tấn hàng dệt may bị thải loại này cũng bị cuốn vào dòng nước, cuối cùng phân hủy thành các sợi nhỏ đi vào chuỗi thức ăn.

CMF cho biết, từ 20%-50% quần áo được quyên tặng không đủ chất lượng để bán trên thị trường đồ cũ địa phương, trong khi số có thể bán được cũng gây tác động kinh tế tiêu cực vì góp phần làm hạ giá quần áo mới sản xuất trong nước. Theo các chuyên gia, vấn đề rác thải từ quần áo đã trở nên trầm trọng hơn do sự bùng nổ thời trang nhanh (các loại quần áo giá rẻ, chạy theo xu hướng thời trang, vòng đời ngắn) ở các quốc gia giàu có hơn. Báo cáo của CMF miêu tả việc xuất khẩu quần áo cũ sang các nước nghèo như một “van thoát hiểm” cho phép “sản xuất thừa một cách có hệ thống” quần áo polyester và nylon.

Tổ chức có trụ sở ở Hà Lan cho rằng, nhiều mặt hàng quần áo đã qua sử dụng xuất đi từ các nước châu Âu sẽ thông qua một mạng lưới các quốc gia trong và ngoài châu Âu nên khó có thể theo dõi và truy dấu. Báo cáo kêu gọi Liên minh châu Âu có các biện pháp quản lý việc đưa hàng trăm triệu quần áo đến Kenya mỗi năm, theo đó yêu cầu các thương hiệu phải có nghĩa vụ với những sản phẩm bị thải loại và yêu cầu thiết kế quần áo theo hướng bền vững. CMF cũng kêu gọi sử dụng các vật liệu không độc hại và bền vững trong sản xuất dệt may, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và thiết lập các chương trình trách nhiệm của nhà sản xuất trên toàn thế giới.

Betterman Simidi Musasia, người sáng lập tổ chức Clean Up Kenya, cho rằng “cơn nghiện” thời trang nhanh đang khiến các quốc gia nghèo hơn như Kenya phải gánh chịu ô nhiễm đất, không khí và nước. George Harding-Rolls, Giám đốc chiến dịch tại CMF, cảnh báo nếu ngành công nghiệp thời trang không có sự thay đổi về cơ bản, tình trạng như đang diễn ra ở Kenya và nhiều nơi khác trên thế giới sẽ còn tiếp diễn.

Theo điều tra của CMF, năm 2021, số quần áo cũ xuất khẩu sang Kenya từ Đức, Ba Lan, Anh, Hungary, Italy, Bỉ, Lithuania, Estonia, Pháp và Ireland chiếm 95%, với tổng giá trị 25 triệu EUR. Ngoài Kenya, các điểm đến của quần áo cũ từ các quốc gia châu Âu còn có Ghana, Ấn Độ, Nigeria và Pakistan.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/rac-thai-tra-hinh-post680300.html