Răng khôn có nên nhổ không?

Răng khôn (hay còn gọi răng số 8) là chiếc răng thường mọc cuối cùng ở mỗi hàm. Rất nhiều người khi mọc răng khôn thường lo lắng không biết có nên nhổ răng khôn hay không?

Thực chất những chiếc răng số 8 này gọi là răng khôn, bởi chúng thường mọc khi con người đã trưởng thành, ở độ tuổi khôn lớn, có thể tự nhận thức mọi thứ.

Do xuất hiện muộn, phải trải qua quá trình mọc chân răng và đủ lớn thì răng khôn mới có thể bắt đầu nhú lên khỏi lợi. Rất nhiều trường hợp răng khôn mọc không thuận lợi, khiến mọi người gặp không ít đau đớn và phiền toái. Do đó, với nhiều người răng khôn gần như không có tác dụng về mặt thẩm mỹ hay chức năng nhai.

Răng khôn khi mọc còn có thể gây nhiều biến chứng như viêm nhiễm, đau nhức. Răng khôn mọc lệch, mọc ngầm khiến bệnh nhân bị sưng, đau nhức trong miệng, nên không thể nhai thức ăn.

Nếu tình trạng viêm nhiễm do răng khôn kéo dài mà không khám hay can thiệp kịp thời sẽ gây phá hủy xương xung quanh chiếc răng này, điều tệ hại hơn là dễ làm xô lệch cả hàm răng còn lại.

Có nên nhổ răng khôn không?

Răng khôn mọc lệch có thể để lại những biến chứng khó lường, vì vậy việc nhổ răng khôn là hoàn toàn cần thiết trong các trường hợp dưới đây:

Răng khôn mọc lệch hoặc mọc ngầm gây ra các biến chứng đau, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, u nang, ảnh hưởng đến răng lân cận.
Răng khôn chưa gây ra biến chứng, nhưng giữa răng khôn và răng bên cạnh có khe giắt thức ăn, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến răng bên cạnh thì cũng nên thực hiện nhổ răng khôn để ngăn ngừa biến chứng.
Trường hợp răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu nhưng không có răng đối diện ăn khớp khiến răng khôn trồi dài xuống hàm đối diện tạo thành bậc thang giữa răng khôn và răng bên cạnh khiến thức ăn bị mắc gây nguy cơ viêm nhiễm hoặc lở loét nướu hàm đối diện.
Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu, nhưng hình dạng răng khôn bất thường, nhỏ, dị dạng, gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, lâu ngày gây sâu răng và viêm nha chu răng bên cạnh.
Răng khôn bị sâu hoặc có bệnh nha chu.
Một số trường hợp khác như nhổ răng khôn để chỉnh hình, làm răng giả, hoặc răng khôn là nguyên nhân của một số bệnh toàn thân khác cũng được chỉ định nhổ bỏ.

Răng khôn hay còn gọi răng số 8, là chiếc răng thường mọc cuối cùng ở mỗi hàm.

Răng khôn hay còn gọi răng số 8, là chiếc răng thường mọc cuối cùng ở mỗi hàm.

Khi nào không nên nhổ răng khôn?

Mặc dù răng khôn có thể mọc lệch gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống, tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều phải nhổ răng khôn.

Một số trường hợp không nên nhổ răng khôn, đó là:

Răng khôn mọc thẳng hoàn toàn bình thường, không gây biến chứng hoặc không có nguy cơ ảnh hưởng đến cả hàm hoặc sức khỏe thì không cần nhổ bỏ, chỉ cần lưu ý vệ sinh và làm sạch đúng cách.

Người có một số bệnh lý toàn thân không kiểm soát tốt như tim mạch, tiểu đường, rối loạn đông cầm máu… cũng không nên thực hiện nhổ răng khôn.

Trường hợp răng khôn liên quan trực tiếp đến một số các cấu trúc giải phẫu quan trọng như xoang hàm, dây thần kinh… mà không thể sử dụng các phương pháp phẫu thuật chuyên biệt để thực hiện.

Cách chăm sóc răng miệng khi mọc răng khôn

Hầu như các răng khôn khi bắt đầu xuất hiện những biến chứng đều được nhổ bỏ, tuy nhiên ở một số trường hợp bác sĩ phải tìm cách điều trị để có thể giữ lại răng.

Để điều trị các biến chứng răng khôn, bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang răng, sau đó thực hiện một số xét nghiệm và tìm hiểu rõ tiền sử trước đây để quyết định xem có nên nhổ chiếc răng khôn đó đi hay không.

Quá trình nhổ răng khôn cần được thực hiện tại các bệnh viện, địa chỉ nha khoa uy tín để được kiểm soát tốt, tránh xảy ra những rủi ro ngoài ý muốn, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh về máu...

Cần chăm sóc, vệ sinh răng miệng đúng:

Chải răng nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương nướu và chân răng: Đánh răng đúng cách bằng bàn chải lông mềm 2 lần/ngày với kem đánh răng có chứa Flour để bảo vệ răng. Lưu ý sau khi ăn từ 30 - 60 phút mới nên chải răng để bảo vệ men răng. Súc miệng bằng nước muối ấm hoặc nước muối sinh lý để sát khuẩn răng miệng.

Dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng: Kết hợp sử dụng chỉ nha khoa và dùng nước súc miệng sau mỗi bữa ăn để loại bỏ các mảng bám thức ăn giắt trong kẽ răng và vi khuẩn còn sót lại sau khi chải răng.

Hạn chế ăn những thực phẩm cứng, uống thuốc tiêu viêm, chống viêm theo chỉ định của bác sĩ khi răng khôn mọc gây đau nhức, sưng tấy.

Chườm đá lạnh: Áp dụng chườm lạnh là phương pháp phổ biến để giảm đau và sưng. Điều này được nhiều người áp dụng vì việc sử dụng đá lạnh là cách đơn giản, dễ dàng thực hiện và mang lại kết quả tốt.

Bên cạnh đó hãy trao đổi về tình trạng răng khôn với bác sĩ trong những buổi khám răng định kỳ, để bác sĩ có thể kiểm soát sự phát triển của răng khôn một cách tốt nhất.

BS. Nguyễn Thanh Huyền

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/rang-khon-co-nen-nho-khong-169241002073033398.htm