Ranh giới nói quá và bịa đặt trong CV
Việc nói quá trong CV có thể rất hấp dẫn. Nhưng lại có một ranh giới mong manh giữa nói dối và nói quá, và thông tin không trung thực có thể gây ra hậu quả lâu dài.
Quang Huy (23 tuổi, Hà Nội) đang làm vị trí content marketing tại một công ty truyền thông. Để có được công việc này, Huy đã nói dối không ít trong CV của mình.
Thực tế, Huy chỉ gắn bó 4 tháng với công việc trước đây, trong khi đó, cậu ghi thời gian làm việc là 6 tháng trong CV. Lý giải điều này, Huy cho rằng thời gian làm việc 6 tháng sẽ khiến nhà tuyển dụng thấy cậu có khả năng gắn bó lâu dài ở công ty, ít nhảy việc.
Ngoài ra, ở mục kỹ năng và kinh nghiệm làm việc, Huy cũng tự động đẩy thêm 2-3 gạch đầu dòng để "tăng độ uy tín".
Áp lực phải tạo ra ấn tượng với nhà tuyển dụng một cách nhanh chóng là rất lớn và Huy không phải ngoại lệ. Theo CareerBuilder, 39% nhà tuyển dụng cho biết họ dành ít hơn một phút để xem sơ yếu lý lịch và 23% dành ít hơn 30 giây. Trong nỗ lực gây chú ý, nhiều ứng viên mắc thổi phồng kinh nghiệm, kỹ năng hoặc trình độ chuyên môn.
Năm 2020, ResumeLab thực hiện một cuộc khảo sát trên 1.051 người Mỹ. Kết quả, 93% người được hỏi khẳng định họ biết ai đó không trung thực trong CV. Chỉ 36% công khai thừa nhận đã nói dối trong sơ yếu lý lịch của họ. Tuy nhiên, chỉ 31% trong số những người này bị phát hiện, 65% trong số đó bị sa thải hoặc không được nhận.
Rốt cuộc thì đâu là khác biệt của việc nói quá và nói dối trong CV?
Ranh giới mong manh
Chia sẻ với Zing, bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó giám đốc khu vực của Navigos Search - cho biết tại Việt Nam, chưa có một thống kê cụ thể nào về việc không trung thực trong CV. Bà nhận định "đánh bóng" CV là khi ứng viên đã làm những công việc đó hoặc đạt một số thành công, tuy nhiên lại thổi phồng kinh nghiệm và thành tích so với sự thật.
"Ví dụ, một nhân viên kinh doanh chỉ đạt 90% doanh thu nhưng CV lại ghi 125%. Ngược lại, ứng viên gian dối sẽ nói mình từng làm vị trí đó, thực tế chưa làm qua", bà nói.
CV có thể được làm đẹp ở mức chấp nhận, sử dụng từ ngữ mạnh và gây ấn tượng hơn bình thường. Tuy nhiên, cần nói đúng, nói đủ và thể hiện năng lực trên CV một cách hợp lý.
Ranh giới giữa "đánh bóng" và gian dối rất mong manh. Từ góc độ HR, để phân biệt được, người đọc phải có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường học trong ngành mới có thể phát hiện điểm vô lý hoặc bất khả thi trong CV, theo chuyên gia này.
ResumeLab chỉ ra nói dối trong sơ yếu lý lịch phổ biến nhất liên quan đến kinh nghiệm (27%), kỹ năng (18%) và nhiệm vụ (17%).
Nguyên nhân chính khiến họ không trung thực đa phần liên quan đến thất nghiệp kéo dài (37%), mong muốn mức lương cao hơn (18%), không nghĩ rằng sẽ bị phát hiện (18%) và không đủ tiêu chuẩn cho vị trí ứng tuyển (17%).
Ngoài ra, nam giới (58%) nói dối thường xuyên hơn phụ nữ (41%) trong lý lịch của họ. Về tuổi tác, 38% thanh niên (18-39 tuổi) thú nhận nói dối thường xuyên hơn người lớn tuổi (40 tuổi trở lên, 30%).
“Bản chất con người luôn muốn phóng đại một chút trong sơ yếu lý lịch và đưa ra thông tin về kỹ năng, kinh nghiệm nhiều hơn thực tế. Tuy nhiên, điều đó chỉ đem lại lợi ích ngắn hạn. Về lâu dài, nó có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho sự nghiệp của bạn”, Michael Erwin, cố vấn nghề nghiệp cấp cao của CareerBuilder, nhận định.
Thiệt hại nghề nghiệp lâu dài
Một khảo sát của công ty phần mềm tuyển dụng Bullhorn với 1.500 nhà tuyển dụng đã chỉ ra 21% nhà tuyển dụng cảm thấy khó chịu vì các ứng viên quá phóng đại về trình độ khi làm hồ sơ tìm việc.
Ở vị trí headhunt (đơn vị thứ ba giúp những công ty khách hàng có nhu cầu tìm kiếm ứng viên phù hợp với vị trí trong công ty - PV) trong ngành khá lâu, theo bà Giang, nếu nhà tuyển dụng nắm được thông tin một số ứng viên thiếu trung thực khi viết hồ sơ. Đơn vị này ghi nhận trên hệ thống nội bộ để tránh ảnh hưởng chất chất lượng tuyển dụng.
“Một số ứng viên nhiều lần gửi CV, mỗi CV là một thông tin khác nhau ở cùng một địa điểm làm việc. Tôi nghĩ họ hành động như vậy là xem nhẹ tính trung thực khi ứng tuyển, cho rằng việc nói dối trong CV vô thưởng vô phạt, không ảnh hưởng đến ai”, bà Giang nhận định.
Theo bà Giang, thiệt hại ban đầu chính là hình ảnh cá nhân của các ứng viên. Những ứng viên này chắc chắn sẽ bị đưa vào danh sách lưu ý của nhà tuyển dụng. Từ đó, cơ hội việc làm trong tương lai cũng bị giới hạn, ảnh hưởng tới việc phát triển sự nghiệp sau này.
“Trung thực luôn được đề cao trong mọi tình huống, không loại trừ trong CV”, bà Giang khẳng định.
Cách headhunter kiểm tra hồ sơ
Để không mất nhiều thời gian ở vòng phỏng vấn, ngay ở vòng lọc hồ sơ, nếu có nhiều ứng viên tiềm năng, nhà tuyển dụng có thể bỏ qua hồ sơ của một ứng viên khi thấy lăn tăn về thông tin thiếu xác thực.
Ngược lại, trong trường hợp không có nhiều ứng viên để cân nhắc thì việc có kiểm tra lại thông tin hay không còn phụ thuộc vào tính trách nhiệm của người tiếp nhận và sàng lọc hồ sơ, bà Giang cho biết.
Từ góc độ cá nhân, bà Giang nhận định sẽ không bỏ qua hồ sơ nếu thấy lăn tăn về một thông tin nào đó. Thay vào đó, đơn vị này sẽ làm rõ lại điểm này khi trao đổi trực tiếp với ứng viên, đảm bảo ứng viên tiềm năng không bị bỏ sót, đồng thời giúp ứng viên thể hiện thông tin hiệu quả hơn trên CV sau khi nói chuyện.
Ngoài ra, theo bà Giang, có một cách để xác thực những thông tin trên hồ sơ là làm tham chiếu với công ty cũ hoặc qua mạng lưới trong ngành. Tuy nhiên, đây có thể là con dao hai lưỡi.
Nếu nhà tuyển dụng vô tình làm lộ thông tin ứng viên đang đi tìm việc, họ sẽ gây tổn hại tới uy tín của ứng viên cũng như của nhà tuyển dụng nếu ứng viên phát hiện ra. Trong nhiều trường hợp, ứng viên bất mãn sẽ quyết định không tiếp tục ứng tuyển nữa.
“Cá nhân tôi không đánh giá cao cách làm thiếu chuyên nghiệp này. Thậm chí, một số đơn vị tuyển dụng làm tham chiếu với chính công ty hiện tại của ứng viên”, bà Giang nói.
Theo bà Giang, nhà tuyển dụng có thể dành thời gian làm rõ thông tin với ứng viên thay vì kiểm tra chéo một cách không chính thức. Chỉ nên làm tham chiếu chính thức với những người từng làm việc với ứng viên ở vị trí sếp trực tiếp, người đồng cấp hoặc nhân viên trước khi tiến hành các bước sâu hơn trong quy trình tuyển dụng.
Ngoài ra, cách dễ nhất để làm rõ thông tin của ứng viên là hỏi sâu trong quá trình phỏng vấn để biết ứng viên có đang thiếu trung thực hay không. Tuy nhiên, bà Giang lưu ý nhà tuyển dụng cần trao đổi với một thái độ xây dựng thay vì tra hỏi, gây ra ác cảm với ứng viên.
Nhà tuyển dụng tại các công ty cũng có thể tham khảo ý kiến của các đơn vị headhunt nếu cần thiết. Đơn vị này có thể nắm được thông tin về ứng viên và hỗ trợ.
Thậm chí, bà Giang chỉ ra nhà tuyển dụng có thể đối chiếu thời gian làm việc ở mỗi tổ chức mà ứng viên đề cập với sổ bảo hiểm để phát hiện ra ứng viên không trung thực.
“Dù làm cách nào, nhà tuyển dụng cũng cần đảm bảo tính bảo mật của việc ứng tuyển và tính chuyên nghiệp trong trao đổi thông tin”, phó giám đốc khu vực của Navigos Search nhận định.
Cuối cùng, thay vì sử dụng từ ngữ “có cánh”, “màu mè” trong CV để lôi cuốn người đọc và tạo hào nhoáng cho ứng viên, bà Giang khuyến khích ứng viên nên hạn chế, tránh gây thất vọng cho nhà tuyển dụng.
“Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao các ứng viên biết thể hiện điểm mạnh của bản thân qua CV. Không nên tô vẽ quá mức để gây ngộ nhận cho nhà tuyển dụng”, bà Giang nói.
Về phần Huy, cậu vẫn cho rằng việc "đánh bóng" của mình vẫn trong giới hạn nhưng thừa nhận bản CV bị tô vẽ quá mức đã khiến Huy gặp khó khăn trong công việc về sau.
“Mình nghĩ việc này không quá ảnh hưởng, vẫn nằm trong tầm kiểm soát. May mắn, quá trình phỏng vấn của mình không quá khó. Tuy nhiên, khi làm việc thực tế, mình phải cố gắng nhiều hơn đồng nghiệp để đạt ngưỡng đã ghi trong CV”, Huy nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ranh-gioi-noi-qua-va-bia-dat-trong-cv-post1366621.html