Real tránh vết xe đổ của Barca nhờ việc bán cầu thủ
Trong bối cảnh PSG và các CLB Premier League vung tiền mua cầu thủ nhờ ưu thế tài chính, Real phải thay đổi chiến lược chuyển nhượng để duy trì vị thế.
Vài năm trở lại đây, người ta dường như đã quen với những tin tức kiểu như: "Real Madrid và Barcelona sẽ không chiêu mộ cầu thủ A hay B, vì họ không đủ tiền". Cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh, cộng với khoản nợ lớn khiến hai gã khổng lồ của bóng đá Tây Ban Nha không còn có thể "hô mưa gọi gió" trên thị trường chuyển nhượng như trước.
Trong khi đó, PSG tiếp tục vung tiền nhờ sự hỗ trợ của chính phủ Qatar. Các CLB Premier League cũng mua sắm mạnh tay hơn nhờ hiệu ứng giá bản quyền truyền hình giải đấu tăng vài năm trước. Real buộc phải thích nghi nếu muốn tiếp tục cạnh tranh với các đội bóng kể trên.
Real đủ tiền mua Mbappe
Bán hơn nửa đội hình có giá cao trong khi chưa bỏ ra đồng nào mua ngôi sao, Real Madrid trở thành đội mua sắm khôn ngoan hàng đầu châu Âu hai năm qua. Ngoại trừ David Alaba đến theo dạng chuyển nhượng tự do, Real vẫn chưa thể bổ sung cái tên lớn nào khác trong hè này.
"Los Blancos" coi Mbappe là mục tiêu lớn nhất. Vào thời điểm này, họ có đủ nguồn lực để thực hiện điều đó. Theo các tiết lộ từ AS hay Marca, Real sẵn sàng chi từ 120 đến 150 triệu euro để thuyết phục PSG bán chân sút người Pháp.
Vấn đề lớn nhất với Real nằm ở việc PSG có chịu bán cầu thủ trong phiên chợ hè 2021 hay không. Tiền giờ không còn là vấn đề lớn với Real trên thị trường chuyển nhượng.
Hai năm qua, họ là đội mua bán cầu thủ lời nhất châu Âu. Trong hai mùa giải đã qua, Real không bỏ tiền ra mua tân binh nào, nhưng thu về 179,5 triệu euro từ việc bán cầu thủ (tính toán từ Transfermarkt). CLB Hoàng gia Tây Ban Nha thậm chí vượt mặt các đội chuyên xuất khẩu cầu thủ như Ajax, Lille hay Porto.
Những thương vụ bán cầu thủ được giá của Real trong hai năm qua có thể kể đến như Achraf Hakimi (41 triệu euro), Sergio Reguilon (30 triệu euro), Raphael Varane (50 triệu euro) hay Martin Odegaard (40 triệu euro).
Ngoài ra, các cầu thủ hạng khá như Oscar Rodriguez (13,5 triệu euro) hay Brahim Diaz cũng mang đến cho đội chủ sân Bernabeu khoản tiền không nhỏ. Trước đó nữa, Real cũng kiếm lời lớn khi bán Alvaro Morata hay Mateo Kovacic.
Không đội bóng nào ở châu Âu có thặng dư trên thị trường chuyển nhượng lớn như Real hai năm qua. Inter Milan là CLB đứng thứ hai khi kiếm lời 143 triệu euro từ thị trường chuyển nhượng trong cùng quãng thời gian. Tuy nhiên, CLB thành Milan buộc phải bán những trụ cột Romelu Lukaku hay Hakimi vì khủng hoảng tài chính.
Thặng dư lớn của Real trên chuyển nhượng xuất phát từ chính sách đầu tư chiêu mộ nhiều cầu thủ trẻ trong nhiều năm qua. Kể từ năm 2015, "Los Blancos" đã tập trung thu gom những tài năng tuổi teen được đánh giá cao của bóng đá thế giới như Odegaard, Ceballos, Vinicius Junior, Rodrygo Goes hay Andriy Lunin...
Bên cạnh đó, lò đào tạo Real cũng trình làng nhiều cầu thủ hứa hẹn như Hakimi hay Reguilon. Ngay cả khi phần lớn trong số các cầu thủ trẻ được Real mang về không đủ kiên nhẫn hay năng lực để đá chính cho đội bóng, họ vẫn là món hàng có giá trên thị trường.
Chủ tịch Perez hiểu rằng CLB Hoàng gia Tây Ban Nha không thể lúc nào cũng nổ những quả bom tấn trên thị trường chuyển nhượng. Khi đứng sau PSG là nguồn tiền dầu mỏ tưởng như vô tận của người Qatar, các đại gia Premier League ngày một giàu lên, Real cần có sự dung hòa giữa việc chiêu mộ các ngôi sao lớn và tài năng trẻ.
Ngay cả khi Real tập trung vào các mục tiêu đắt đỏ như Kylian Mbappe hay Erling Haaland, đội chủ sân Bernabeu vẫn có thể đặt niềm tin vào nhiều cầu thủ trẻ hứa hẹn trong đội hình.
Vinicius đang có khởi đầu mùa giải 2021/22 ấn tượng, khi ghi được 3 bàn sau 2 trận ở La Liga. Anh là một trong những cái tên được ông chủ Florentino Perez đặt kỳ vọng nhiều năm trước, khi Real bỏ ra 46 triệu euro chiêu mộ cầu thủ ở tuổi 18.
Real tránh khủng hoảng
Một nguyên nhân khác khiến Real không mua sắm nhiều trên thị trường là tình hình tài chính của CLB. Đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha thiệt hại 300 triệu euro trong một năm qua vì dịch bệnh.
Real cũng đang cải tạo sân Bernabeu với chi phí lên tới 600 triệu euro, với tham vọng tăng doanh thu cho mỗi trận đấu trên sân nhà trong tương lai. Chủ tịch Perez hiểu Real cần chi tiêu một cách hợp lý trong thời điểm hiện tại.
Điều đó giúp CLB thành Madrid tránh đi vào vết xe đổ của Barca. Đội chủ sân Camp Nou đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề nhất trong hai thập niên qua. Quỹ lương mất cân đối khiến Barca không thể giữ chân Messi. Chủ tịch Joan Laporta gặp vô vàn khó khăn thuyết phục các trụ cột giảm lương để đáp ứng Luật Công bằng Tài chính của La Liga.
Trong khi đó, Real tỏ ra chặt chẽ trong việc kiểm soát quỹ lương. Họ để Sergio Ramos hay Raphael Varane rời đi, chỉ gia hạn với những cầu thủ sẵn sàng giảm lương và còn đóng vai trò quan trọng trong lối chơi.
Real vẫn đặt niềm tin vào Karim Benzema, Toni Kroos hay Luka Modric, song song với việc sử dụng các cầu thủ trẻ như Eder Militao, Vincius, Rodrygo. Người hâm mộ Real kỳ vọng HLV Carlo Ancelotti sẽ giúp đội bóng có một mùa giải không đến nỗi nào, trước khi mua sắm mạnh mẽ hơn vào mùa hè 2022.
Trên thị trường chuyển nhượng, hai mục tiêu Mbappe và Haaland đều nằm trong khả năng tài chính của Real. Mbappe gần như chỉ muốn đến sân Bernabeu, trong khi phí giải phóng hợp đồng của Haaland vào hè 2022 không hề lớn (khoảng 75 triệu euro).
Sport Bild tiết lộ các đội bóng muốn mua Haaland có thể mất số tiền lên tới 90 triệu euro khi hoàn tất các điều khoản phụ với Dortmund. Thặng dư chuyển nhượng lớn giúp "Los Blancos" cạnh tranh sòng phẳng với PSG hay các đại gia Premier League trong hai thương vụ này.
Chủ tịch Florentino Perez một lần nữa cho thấy tầm nhìn và tài quản trị của mình ở sân Bernabeu. Nếu Barca hay Juve đang tỏ ra lép vế so với PSG và Premier League trên thị trường chuyển nhượng, Perez vẫn biết cách giúp Real duy trì vị thế.