Rèn kỹ năng sống, phát huy năng khiếu cho trẻ trong dịp hè
Vào mỗi dịp hè, thay vì cho con học văn hóa, nhiều phụ huynh tại Ninh Bình đã chú trọng rèn kỹ năng sống và phát huy năng khiếu cho trẻ. Những năm gần đây, các đơn vị, cơ sở, trường học trên địa bàn đã tổ chức nhiều chương trình dạy kỹ năng sống cho học sinh nhằm giúp các em có những trải nghiệm mới; từ đó tự tin, phát triển toàn diện và từng bước trưởng thành, thực sự có những ngày hè bổ ích.
Trải nghiệm bổ ích
Tại Ninh Bình, nắm bắt nhu cầu học kỹ năng sống dịp hè của học sinh và phụ huynh, nhiều trung tâm, cơ sở giáo dục, các cá nhân tổ chức hoặc liên kết tổ chức các lớp kỹ năng sống, lớp năng khiếu. Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh đã tổ chức trên 200 chương trình gồm các khóa kỹ năng sống, chuyên đề phòng, chống tai nạn thương tích, khóa học giúp trẻ tự tin trước đám đông, biết thể hiện tình cảm trong gia đình, lòng biết ơn với bố mẹ... thu hút hàng chục nghìn thiếu nhi tham gia.
Ông Đàm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh Ninh Bình cho biết, các lớp học giúp trẻ bỏ những thói quen xấu, hình thành các thói quen tốt, gợi mở cho tâm hồn các em biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; góp phần hoàn thiện cho các em về đức, trí, thể, mỹ. Nhiều phụ huynh chia sẻ, các con có những chuyển biến trong suy nghĩ, hành động sau khi được trải nghiệm các khóa học. Đó cũng là động lực để Trung tâm tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và tổ chức thêm nhiều khóa học giúp trẻ em có những trải nghiệm bổ ích trong dịp hè.
Chương trình khóa tu "Về nguồn" được tổ chức tại chùa Bái Đính năm nay đã thu hút hơn 1.500 khóa sinh đến từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia. Khóa tu hướng đến mục tiêu giúp các em nhỏ luôn biết "Nói lời hay, làm việc tốt, giữ tâm thiện". Trong thời gian 5 ngày, ngoài việc được vui chơi, trải nghiệm và học tập trong không gian thanh tịnh, cảnh sắc thiên nhiên yên bình của quần thể chùa Bái Đính, các em còn được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, ý nghĩa. Điểm nhấn trong các bài giảng của các thầy trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình là về truyền thống văn hóa đạo hiếu, sự kính trọng với ông bà, cha mẹ, người thân hay ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Em Nguyễn Thị Loan (thành phố Ninh Bình) chia sẻ, tham gia khóa tu, chúng em được làm quen với nếp sinh hoạt như: ăn chay, ngủ đúng giờ, dậy sớm, tập thể dục, không sử dụng ipad hay điện thoại thông minh và được học rất nhiều những điều bổ ích. Nhờ đó, chúng em được trải nghiệm cuộc sống tự lập, biết làm chủ cảm xúc, có lối sống hướng thiện, lạc quan; đồng thời, tăng cường kết nối và lan tỏa yêu thương, xây dựng cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn cho tương lai.
Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, kỹ năng sống được giáo dục cho trẻ từ rất sớm ngay từ môi trường gia đình, tiếp tục thực hiện trong nhà trường thông qua các môn học, các hoạt động giáo dục, trải nghiệm và thực hiện trong môi trường xã hội với các nội dung và hình thức phong phú. Sở đã tạo điều kiện, khuyến khích các trường học lồng ghép các chương trình học về kỹ năng sống vào các môn học như đạo đức, giáo dục công dân nhằm giúp trẻ xây dựng những hành vi lành mạnh và thay đổi những thói quen tiêu cực trên cơ sở giúp các em có thái độ, kiến thức, kỹ năng thích hợp với thực tế xã hội. Nhiều cơ sở, trung tâm, đơn vị đã triển khai các lớp học về kỹ năng sống. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn những cơ sở uy tín để đăng ký cho các con học tập, trải nghiệm; đồng thời, đồng hành cùng con trong quá trình học và duy trì những kỹ năng mà trẻ đã học được.
Theo Thạc sỹ tâm lý học Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng Khoa Sư phạm Tiểu học - Mầm non, Trường Đại học Hoa Lư, học sinh là lứa tuổi đang hình thành những giá trị nhân cách, giàu ước mơ, ham hiểu biết, thích tìm tòi, khám phá, song còn thiếu hiểu biết sâu sắc về xã hội, kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo, kích động… Do đó, giáo dục kỹ năng sống giúp các em rèn luyện hành vi có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, có khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bạn bè và mọi người, sống tích cực, chủ động an toàn, hài hòa và lành mạnh.
Đặc biệt, trong những ngày hè, sau thời gian học tập và hoàn thành nhiệm vụ của một năm học, mỗi học sinh có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và lựa chọn những hoạt động phù hợp cho mình. Để đáp ứng được nhu cầu đó, các bậc phụ huynh, các trung tâm văn hóa, tổ chức xã hội cần xây dựng và tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng cho trẻ được tham gia, trải nghiệm, khám phá, ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn; đồng thời, có cơ hội thể hiện, bứt phá và phát triển năng lực bản thân. Từ đó, củng cố, hình thành hệ thống kỹ năng sống, ứng phó hiệu quả trước mọi tình huống, hình thành thói quen, hành vi tích cực, lành mạnh. Vì vậy, phụ huynh cần có sự lựa chọn phù hợp để con em mình có những ngày hè thật vui vẻ, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng khởi đầu một năm học mới.