Rinh vàng từ SEA Games 30
2019 là năm rất đỗi thành công của Thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games. Xếp thứ 2 với 98 Huy chương Vàng, trên cả Thái Lan, tại đấu trường SEA Games 30 lần đầu cả tuyển bóng đá nữ và U22 nam cùng 'rinh' Vàng về cho Tổ quốc…
Những thành tích đáng nể
Đầu tiên phải kể đến vị trí nhất toàn đoàn của Việt Nam ở môn điền kinh, vượt xa mục tiêu 11 Huy chương Vàng đặt ra trước đó. Lúc này, điền kinh Việt Nam đang đứng trước những mối lo khi Thái Lan hay chủ nhà Philippines đều bổ sung những vận động viên nhập tịch.
Bên cạnh đó, thành công ở Đại hội 2 năm trước cũng khiến các vận động viên chịu áp lực. “Mở hàng” cho điền kinh là Huy chương Vàng tiếp sức 4 x 400 mét hỗn hợp của các vận động viên Nguyễn Thị Hằng, Trần Nhật Hoàng, Quách Thị Lan và Trần Đình Sơn vào ngày 7/12. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam chiến thắng nội dung này tại SEA Games.
Trong ngày 8/12, Việt Nam tiếp tục giành 7 Huy chương Vàng nhờ sự xuất sắc của Phạm Thị Thu Trang, Phạm Thị Huệ, Phạm Thị Oanh và Dương Văn Thái. Dù gặp thách thức từ vận động viên nhập tịch của Philippines là Marie Knott, "nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á" Lê Tú Chinh vẫn xuất sắc cán đích đầu tiên ở nội dung 100 mét nữ, hơn đối thủ chỉ 0,01 giây. Tiếp sau đó là sức mạnh được thể hiện ở nội dung 400 mét của Phạm Thị Huyền và Trần Nhật Hoàng khi 2 vận động viên này cũng lần lượt giành Huy chương Vàng.
Ngày 9/12, vận động viên Dương Văn Thái xuất sắc bảo vệ thành công Huy chương Vàng nội dung chạy 800 mét. Đây cũng là Huy chương Vàng thứ 2 của vận động viên này tại SEA Games. Có cùng nội dung này dành cho nữ, vận động viên Đinh Thị Bích mang về Huy chương Vàng thứ 10 cho điền kinh Việt Nam.
Ngày thi đấu cuối cùng, 10/12, Việt Nam tiếp tục giành thêm 6 Huy chương Vàng. Trong đó, Nguyễn Thị Oanh về Nhất cự ly 5.000 mét nữ và mang về thêm Huy chương Vàng thứ 3 cá nhân khi chiến thắng ở nội dung 3.000 mét vượt chướng ngại vật. Ở cùng nội dung này dành cho nam, Đỗ Quốc Luật cũng cán đích đầu tiên.
Nội dung chạy 400 mét rào, Nguyễn Thị Huyền giành Huy chương Vàng thứ 2 tại SEA Games 30. Sau đó, Việt Nam liên tiếp chiến thắng ở 2 nội dung tiếp sức 4 x 400 mét nữ, nhờ công Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Hoàng Thị Ngọc và Nguyễn Thị Hằng. Quách Công Lịch, Lương Văn Thao, Trần Đình Sơn, Trần Nhật Hoàng cũng góp thêm Huy chương Vàng ở nội dung tiếp sức 4 x 400 mét nam.
Bên cạnh sự thành công của Điền kinh, các Huy chương Vàng của vận động viên ở một số môn thể thao khác cũng đã góp phần rất lớn vào thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30. Trong đó, bơi lội Việt Nam xếp thứ 2 toàn đoàn với 10 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc và 9 Huy chương Đồng, chỉ đứng sau đoàn Thể thao Singapore.
Dù không đạt mục tiêu đề ra trước đó là 8 Huy chương Vàng (bằng thành tích Huy chương của cô trong 2 kỳ Đại hội gần nhất là SEA Games 28 và 29), nhưng Ánh Viên vẫn là người giành nhiều Huy chương Vàng nhất tại Đại hội lần này. Kình ngư Ánh Viên cũng đã khóc ngay khi nhận Huy chương do không hoàn thành mục tiêu đề ra trước đó. Dù vậy, với những nỗ lực rất lớn và thành tích đã đạt được, người hâm mộ vẫn luôn ủng hộ cô trên những chặng đường tiếp theo. Đây cũng là động lực lớn lao để Ánh Viên có thể chinh phục những đỉnh cao mới của môn bơi lội.
Môn Bơi lội còn chứng kiến sự xuất sắc của Nguyễn Huy Hoàng, đạt chuẩn A dự Olympic 2020 ở cự ly 1.500 mét tự do với thành tích 14 phút 58 giây 14, phá kỷ lục SEA Games. Đây cũng là lý do Hoàng góp mặt trong danh sách này. Thành tích của Huy Hoàng tốt hơn 20 giây so với kỷ lục của chính mình lập cách đây hai năm ở SEA Games 29.
Đây là lần thứ hai chỉ trong hai ngày, kình ngư này phá kỷ lục tại SEA Games ở Philippines. Sự vượt trội ở các nội dung thi đấu của môn Vật (vật tự do và cổ điển) cũng giúp đoàn Việt Nam chiếm ưu thế tại Đại hội. Trong số 14 Huy chương Vàng môn Vật, Việt Nam giành tới 12 Huy chương Vàng. 2 Huy chương Vàng còn lại thuộc về chủ nhà Philippines.
Ở môn Bắn cung, Lộc Thị Đào lập hat-trick Huy chương Vàng chỉ trong 1 ngày thi đấu 8/12. Nữ cung thủ chia sẻ muốn mang 3 tấm Huy chương Vàng về cho mẹ. Đây cũng thể hiện những ước mơ giản dị bên gia đình của nữ cung thủ. Với 11 năm theo nghiệp bắn cung, Lộc Thị Đào đang là “chị cả” của đội bắn cung 1 dây Việt Nam. Trong bộ sưu tập của Đào đã có đầy đủ những tấm huy chương SEA Games cũng như châu Á ở các kỳ Đại hội thể thao trước.
Bên cạnh những nội dung thi đấu sở trường như Bơi lội, Điền kinh, Bắn cung… được coi là “mỏ vàng” của Thể thao Việt Nam, các vận động viên khác cũng xuất sắc giành Huy chương Vàng ở một số môn lần đầu tiên tham dự như môn Kurash với 5 Huy chương Vàng. Cùng với Huy chương Vàng môn Bóng đá nữ, Bóng đá nam cũng lần đầu tiên giành ngôi vô địch ở đấu trường khu vực.
Mồ hôi và nước mắt sau tấm Huy chương
Cùng với các môn thể thao khác, Bóng đá nữ Việt Nam cũng đóng góp 1 Huy chương Vàng sau khi hạ gục tuyển Thái Lan bằng tỉ số tối thiểu ở trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 30. Người hâm mộ hẳn không quên hình ảnh tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung phải nằm sân nhăn nhó vì chuột rút khi chưa ăn mừng xong bàn thắng của đồng đội. Tiếp sau đó là đội trưởng Huỳnh Như đi không vững, phải nhờ đồng đội dìu lên nhận Huy chương Vàng rồi lại cõng xuống, cô đã nỗ lực cống hiến hết 120 phút của trận chung kết với những vết thương cả mới và cũ.. Hậu vệ Chương Thị Kiều bước lên bục nhận giải với cái chân trái rớm máu, quấn băng chằng chịt…
Bên cạnh chiến thuật và bản lĩnh thi đấu, sự hy sinh là vô cùng cần thiết. Để có được bàn thắng quý như vàng của Phạm Thị Hải Yến, cô và các đồng đội đã phải sử dụng gấp nhiều lần sức lực vốn có của mình. Và chiến thắng có được sau khi đã đổ nhiều mô hôi, nước mắt và cả máu của các cô gái vàng Việt Nam trước Thái Lan là vô cùng quý giá, nó có ý nghĩa quan trọng hơn cả một chiến thắng, đó là sự vượt qua màn thử thách của ý chí.
Với những gì đã thể hiện ở trận chung kết, tuyển Bóng đá nữ Việt Nam đã cho thấy những nỗ lực không biết mệt mỏi, họ đã chiến đấu như những chiến binh thực thụ để mang về tấm Huy chương Vàng quý giá cho Thể thao Việt Nam. Có thể nói, chính những nỗ lực ấy đã truyền cảm hứng, tạo động lực để làm nên chức vô địch SEA Games 30 của tuyển U22 Việt Nam chỉ sau đó vài ngày.
Huy chương Vàng mong ước
Hành trình đến với Huy chương Vàng SEA Games 30 của U22 Việt Nam không phải chỉ mới bắt đầu từ trận ra quân ở Đại hội thể thao Đông Nam Á, mà là cả quá trình chuẩn bị suốt nhiều năm qua. Với những lứa cầu thủ chất lượng như Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Quang Hải, Thành Chung, Tiến Linh, Đức Chinh… được đào tạo bài bản từ các “lò” Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Viettel hay PVF… U22 Việt Nam đang có một lứa cầu thủ đủ tài, đức và cả bản lĩnh thi đấu để tự tin đối đầu với những đối thủ mạnh của khu vực.
Thêm vào đó, dưới bàn tay tài hoa của chiến lược gia lão luyện Park Hang-seo, U22 Việt Nam đã thực sự trở thành đối thủ khó chơi nhất tại khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy, sẽ không bất ngờ khi thầy trò Huấn luyện viên Park Hang-Seo có màn khởi động vùi dập đội bóng lót đường U22 Brunei đến 6 bàn không gỡ. Ở trận đấu này, tiền đạo Hà Đức Chinh chói sáng với một cú hat-trick, cùng các pha ghi bàn của Việt Hưng, Thành Chung và Trọng Hùng.
Lượt trận thứ 2, U22 Việt Nam cũng không gặp khó khăn để vượt qua người hàng xóm Lào. Tiến Linh ở trận này đã thực sự bùng nổ khi đáp lại Đức Chinh cũng bằng một cú hat-trick. Hùng Dũng, Trọng Hoàng và Quang Hải cũng lên tiếng để mang về chiến thắng 6-1 cho U22 Việt Nam.
Chạm trán U22 Indonesia, đội bóng được coi là có lối đá rất khó chịu, U22 Việt Nam thậm chí đã bị đối thủ vượt lên dẫn trước ở hiệp 1. Càng chơi càng hay, U22 Việt Nam ghi bàn gỡ hòa ở phút 63 bằng cú đội đầu của Thành Chung. Hoàng Đức sau đó tung cú sút xuất thần từ ngoài vòng cấm ở phút bù giờ đầu tiên, mang về chiến thắng 2-1 cho đội nhà. Sau 3 lượt trận đều giành chiến thắng, U22 Việt Nam tự tin đối đầu U22 Singapore. Trên thực tế, các học trò của thầy Park cũng rất khó khăn trước một đối thủ đang chơi với tinh thần không còn gì để mất. Tuy nhiên, sự tỏa sáng của Hà Đức Chinh ở phút 85 bằng cú đánh đầu đã mang về cho U22 Việt Nam thêm 3 điểm quý giá.
Được mong chờ nhất có lẽ là cuộc đọ sức cuối cùng ở vòng bảng với đại kình địch Thái Lan. U22 Việt Nam tiếp tục có trận đấu căng thẳng khi hòa 2-2 với U22 Thái Lan. Qua đó, dập tắt hy vọng chiến thắng cách biệt 2 bàn của thầy trò ông Nishino. Tiến Linh ở trận này cũng xuất sắc khi lập cú đúp, giúp U22 Việt Nam có thêm 1 điểm. Thú vị hơn, U22 Việt Nam đã trực tiếp tiễn đương kim vô địch SEA Games về nước ngay sau vòng bảng.
Kết thúc vòng bảng ở vị trí dẫn đầu, U22 Việt Nam tiếp đón U22 Campuchia (nhì bảng A) ở bán kết. Dù có màn thể hiện khá tốt ở vòng bảng, U22 Campuchia vẫn không phải là đối thủ của U22 Việt Nam, tỉ số 4-0 của trận đấu này là minh chứng cho điều đó. Tiền đạo Hà Đức Chinh ở trận đấu này lại một lần nữa tỏa sáng bằng một cú hat-trick. Sau trận đấu này, chiếc Huy chương Vàng được chờ đợi nhất chỉ còn cách tầm với của U22 Việt Nam 1 trận đấu nữa. Gặp lại U22 Indonesia ở trận cuối cùng, thầy trò Huấn luyện viên Park Hang-seo đã xuất sắc đánh bại đội bóng xứ Vạn đảo 3-0.
Trong chiến thắng này có sự đóng góp rất lớn của Đoàn Văn Hậu bằng một cú đúp. Tiền vệ đội trưởng Đỗ Hùng Dũng cũng có một trận đấu xuất sắc khi góp 1 bàn thắng còn lại của U22 Việt Nam. Chiến thắng này đã khép lại 60 năm mong chờ tấm Huy chương Vàng của bóng đá Việt Nam tại đấu trường SEA Games.
Với những thành công ngoài mong đợi tại SEA Games 30 vừa khép lại, Bóng đá Việt Nam nói riêng và Thể thao Việt Nam nói chung chắc chắn sẽ có sức bật và tiến bộ hơn nữa ở kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 sẽ diễn ra vào năm 2021.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/rinh-vang-tu-sea-games-30-102280.html