Roe v Wade 'đã chết'

Phán quyết chưa từng có tiền lệ của Tòa Tối cao Mỹ sẽ cho phép hơn một nửa các bang cấm phá thai và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người Mỹ.

Tòa án Tối cao Mỹ hôm 24/6 đảo ngược phán quyết lịch sử Roe v Wade, vốn trao cho phụ nữ ở Mỹ quyền từ bỏ thai nhi của mình. Sự đảo ngược phán quyết này dường như chưa có tiền lệ, đặc biệt là đối với một vụ án được định đoạt cách đây gần 50 năm, theo Guardian.

Quyết định gây địa chấn trên sẽ cho phép hơn một nửa số bang ở Mỹ cấm phá thai. Đồng thời, nó có tác động ngay lập tức và lâu dài đối với hàng chục triệu người dân đất nước cờ hoa.

 Người biểu tình bên ngoài Tòa án Tối cao Mỹ hôm 24/6. Ảnh: AP.

Người biểu tình bên ngoài Tòa án Tối cao Mỹ hôm 24/6. Ảnh: AP.

Chuyện gì đã xảy ra?

Tòa án Tối cao đã cho rằng việc cho phép phá thai theo án lệ Dobbs kiện Tổ chức Sức khỏe Phụ nữ Jackson là vi hiến. Trong quá trình đưa ra quyết định đó, Tòa án Tối cao đã đảo ngược phán quyết Roe v Wade.

Án lệ Roe v Wade là một phán quyết mang tính bước ngoặt của Tối cao Pháp viện Mỹ vào năm 1973. Theo phán quyết này, phụ nữ có quyền theo hiến pháp để lựa chọn phá thai và chính phủ không được phép can thiệp quá đáng.

Trong lịch sử tư pháp Mỹ, Tòa án Tối cao đã lật lại các các phán quyết để trao cho người dân nhiều quyền hơn. Tuy nhiên, đây là trường hợp ngược lại. Quyết định này sẽ hạn chế quyền của nhiều thế hệ người Mỹ.

Với phán quyết đảo ngược này, các bang sẽ được phép cấm hoặc hạn chế nghiêm việc phá thai. Những thay đổi này có thể sẽ làm thay đổi luôn cách hiểu của người dân về quyền tự do, quyền tự quyết và quyền tự chủ cá nhân.

Những nơi nào sẽ chịu ảnh hưởng?

Theo dự kiến, 26 tiểu bang của Mỹ sẽ áp dụng quyết định này ngay lập tức hoặc càng sớm càng tốt. Điều này sẽ làm cho việc phá thai trở thành bất hợp pháp trên hầu hết khu vực miền Nam và miền Trung phía tây nước Mỹ.

 Các nhà hoạt động cho rằng phán quyết của tòa án là "một đòn tấn công thiếu cân nhắc" lên quyền phụ nữ. Ảnh: AP.

Các nhà hoạt động cho rằng phán quyết của tòa án là "một đòn tấn công thiếu cân nhắc" lên quyền phụ nữ. Ảnh: AP.

Ở những tiểu bang này, phụ nữ mang thai sẽ phải đi hàng trăm km để đến cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai. Họ cũng có thể tự thực hiện việc phá thai tại nhà thông qua thuốc hoặc các phương tiện khác.

Tuy nhiên, luật chống phá thai không mang tính áp dụng toàn quốc. Mỹ sẽ có một loạt các luật mới ban hành, trong đó có quy định về những hạn chế và bảo vệ phụ nữ. Trước đó, một số bang do đảng Dân chủ chiếm đa số như California và New York đã mở rộng quyền sinh sản trước khi phán quyết mới này ra đời.

Các lệnh cấm phá thai mới sẽ đưa Mỹ trở thành nước giàu mạnh nhất trong 4 quốc gia hủy bỏ quyền phá thai kể từ năm 1994. Theo Trung tâm Quyền sinh sản, 3 quốc gia khác hạn chế quyền phá thai là Ba Lan, El Salvador và Nicaragua.

Điều đáng nói là hơn một nửa tổng số phụ nữ Mỹ trong độ tuổi sinh sản, tức khoảng 40 triệu người, đang sống ở các bang có chủ trương cấm phá thai.

Khi nào quy định này có hiệu lực?

Trên hầu hết tiểu bang, phán quyết này sẽ được áp dụng nhanh chóng. Với phán quyết đảo ngược án lệ Roe v Wade, lệnh cấm phá thai đã được kích hoạt ở 13 tiểu bang.

Tuy nhiên, các điều luật có thời gian bắt đầu có hiệu lực khác nhau ở các bang khác nhau. Chẳng hạn, luật kích hoạt ở Louisiana có hiệu lực ngay lập tức, lệnh cấm ở Idaho sẽ có hiệu lực sau 30 ngày.

Các bang khác cũng có lệnh cấm phá thai trước phán quyết này của Tòa án Tối cao nhưng không thể thực thi trong suốt 5 thập niên qua.

Một nhóm các bang khác có ý định cấm phá thai cho dù thai nhi còn rất nhỏ, thậm chí trước khi người mẹ biết mình có thai. Một trong những bang như vậy là Georgia. Nơi đây quy định việc phá thai sẽ bị cấm sau khi người mẹ mang thai 6 tuần.

Trong nhiều trường hợp, các thách thức của tòa án với phán quyết này ở các bang có khả năng xảy ra. Bên cạnh đó, các chuyên gia tin rằng sẽ có sự hỗn loạn trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần khi các bang thực hiện các lệnh cấm.

Liệu chính phủ liên bang có thể chống lại quy định này?

Cách hiệu quả nhất để chống lại lệnh cấm phá thai của các bang là luật liên bang và luật này phải có trước luật của các bang. Dữ liệu cho thấy dư luận ủng hộ một luật liên bang như vậy khi có 85% người Mỹ tin rằng phá thai nên được hợp pháp hóa trong hầu hết trường hợp.

Một luật liên bang như vậy sẽ cần sự ủng hộ của đa số Hạ viện, 60 phiếu trong Thượng viện và chữ ký của Tổng thống Joe Biden để được thông qua. Tình hình hiện tại cho thấy đa số thành viên Hạ viện và Nhà Trắng đều ủng hộ đạo luật về quyền phá thai.

Tuy nhiên, đảng Cộng hòa gần như chắc chắn sẽ phản đối luật về quyền phá thai ở Thượng viện. Ngoài ra, ông Joe Manchin, một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang West Virginia, cũng đã nhiều lần bỏ phiếu chống lại quyền phá thai.

 Một cuộc biểu tình phản đối luật cấm phá thai tại Miami. Ảnh: AFP.

Một cuộc biểu tình phản đối luật cấm phá thai tại Miami. Ảnh: AFP.

Để dự luật cho phép phá thai được Thượng viện thông qua, đảng Dân chủ cần phải thắng áp đảo trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới. Tuy nhiên, dù dư luận ủng hộ quyền phá thai, vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng về việc vấn đề này sẽ ảnh hưởng thế nào đến đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Và bất kể kết quả của cuộc bầu cử như thế nào. Phán quyết trên sẽ mãi mãi thay đổi cuộc sống ở Mỹ. Cuộc sống của những người dân sẽ bị thay đổi khi mọi người bị từ chối chăm sóc sức khỏe sinh sản, phải đối mặt với những chuyến đi xa để phá thai hoặc buộc phải sinh con.

Tổng thống Biden: 'Đây là ngày buồn của nước Mỹ' Tổng thống Joe Biden ngày 24/6 cho biết việc Tòa án Tối cao lật lại phán quyết bảo vệ quyền phá thai Roe v. Wade đã đưa nước Mỹ quay về 150 năm trước.

Hồng Sơn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/roe-v-wade-da-chet-post1329704.html