Rối ren tuyển sinh đại học

Những năm gần đây, kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia không còn là lựa chọn duy nhất của các thí sinh khi muốn xét tuyển đại học. Các trường liên tiếp công bố phương thức thi riêng hoặc tuyển thẳng, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho thí sinh. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra câu hỏi về việc đảm bảo chất lượng, cũng như sự lãng phí cho xã hội.

Quan tâm đến các trường thuộc khối ngành kinh tế, em Ngân An đã chuẩn bị dần các điều kiện để tham gia tuyển thẳng hoặc thi tuyển riêng của 1 số trường. Chuẩn bị chứng chỉ IELTs cho Đại học Kinh tế Quốc dân; tìm hiểu về kì thi V-SAT của Học viện Ngân hàng; cũng không ngừng ôn thi tốt nghiệp THPT để gia tăng các cơ hội.

Tuyển được sinh viên xuất sắc, phù hợp với khối ngành là điều mà trường nào cũng mong muốn. Tuy nhiên những năm qua, khả năng phân loại học sinh của kì thi tốt nghiệp THPT vẫn chưa được đánh giá cao, dẫn tới xu hướng tất yếu, là các trường tìm kiếm phương án phù hợp hơn. Năm nay, bên cạnh các kì thi đánh giá năng lực mà một số trường đại học uy tín tổ chức, đường đua tuyển sinh có thêm kì thi V-SAT do trung tâm khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục trực thuộc Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT phối hợp với 6 trường đại học tổ chức.

Cơ hội cho thí sinh, cơ hội cho các trường là điều dễ thấy. Thế nhưng có quá nhiều kì thi cũng tiềm ẩn nguy cơ lãng phí trong xã hội và bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Nhất là khi hầu hết các trường đại học đặt tại thành phố lớn, thí sinh ở tỉnh xa muốn tham gia sẽ lại phải bỏ công, bỏ của để đến tận nơi dự thi.

Kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia được tổ chức và phân cấp về địa phương nhằm giảm tải số kì thi, giảm áp lực thi cử, tiết kiệm cho xã hội, đặc biệt là cho người học khi giảm được chi phí đi lại, ăn nghỉ xa nhà. Tuy nhiên, xu hướng tìm kiếm cơ hội đang khiến cho những lợi ích này bị lãng quên, khiến cho việc vào đại học dù rộng mở hơn, nhưng lại vất vả hơn.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Đỗ Minh - Ninh Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/roi-ren-tuyen-sinh-dai-hoc-213636.htm