Bộ Quốc phòng Romania đã đệ trình thảo luận dự luật cho phép sử dụng hệ thống phòng không để tiêu diệt máy bay không người lái và tên lửa, thậm chí cả tiêm kích có người lái của Nga nếu chúng xâm phạm không phận nước này.
Trước đây hành động trên chỉ được thực hiện trong tình trạng thiết quân luật, nhưng hiện tại các chính trị gia muốn trao thêm quyền lực cho Quân đội Romania, bởi họ nhận thấy “rủi ro gia tăng” gần biên giới do cuộc giao tranh ở Biển Đen gây ra.
Lý do dẫn tới tình trạng trên là việc sử dụng Moskva ngày càng nhiều máy bay không người lái, cả loại quân sự và dân sự được điều chỉnh cho mục đích quân sự. Cần lưu ý, Romania thường xuyên đưa ra cáo buộc về việc UAV Nga vi phạm không phận nước này.
Bước đi cứng rắn này là sự tiếp nối sau những lo ngại liên tục được Romania thông báo, họ nhấn mạnh với các đồng minh NATO về sự cần thiết phải tăng cường phòng thủ nhằm đối phó với tình trạng mối đe dọa tăng cao ở khu vực Biển Đen.
Dự luật được đề xuất cho phép lực lượng phòng không địa phương cũng như các đơn vị NATO đóng quân trên lãnh thổ quốc gia Đông Âu này bắn hạ những mục tiêu bị xem là đe dọa an ninh của Romania và các nước láng giềng.
Nếu văn bản này được thông qua, các hệ thống phòng không NATO sẽ được sử dụng để bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái của Nga, bao gồm cả những vũ khí nhắm vào mục tiêu quân sự ở khu vực Odessa của Ukraine.
Hiện tại trên lãnh thổ Romania đã có sự hiện diện của nhiều hệ thống phòng không do các đồng minh NATO triển khai, ví dụ như Pháp đã điều động hệ thống SAMP-T (MAMBA) để kết hợp với 2 đài radar GM200 và cả radar TPS-43 của Tây Ban Nha.
Chưa dừng lại đây, NATO còn tăng cường khả năng phòng không cho Romania bằng radar di động LANZA LTR-25 do Ý cung cấp, cùng với 4 tiêm kích F-16 của Mỹ và đài radar TPS-80 do Washington tăng cường.
Không phận Romania còn được máy bay NATO bảo vệ bổ sung như một phần của nhiệm vụ Kiểm soát trên không, số lượng liên tục được duy trì ở mức 10 chiếc.
Kể từ cuối tháng 9 năm nay, máy bay cảnh báo sớm (AWACS) loại Boeing E-3 Sentry cũng đã tuần tra khu vực trong khuôn khổ Chiến dịch Lá chắn Phương Nam.
Bên cạnh lực lượng đồng minh, Romania còn có vũ khí phòng không riêng, bao gồm 26 máy bay chiến đấu F-16 (dự kiến sẽ có thêm 23 chiếc nữa vào năm 2025), 1 hệ thống phòng không Patriot, 4 tổ hợp Hawk và một số radar dòng "P" sản xuất từ thời Liên Xô.
Chưa dừng lại đây, quốc gia Đông Âu này còn lên kế hoạch hiện đại hóa mạnh mẽ lực lượng vũ trang của mình thông qua việc mua 4 radar cảnh báo sớm AN/MPQ-64 F1 Sentinel và 32 máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ.
Nếu dự luật mở rộng sức mạnh được thông qua, các chuyên gia kỳ vọng NATO sẽ tăng số lượng hệ thống phòng không ở Romania và khóa chặt bầu trời sườn phía Đông trước vũ khí tấn công đường không của Nga.
Ngoài Romania, Ba Lan cũng đang nỗ lực vận động các chính trị gia thông qua dự luật tương tự, nếu Romania tiến hành trước sẽ là sự động viên đáng kể đối với Warsaw.
Việt Dũng