Rộn ràng làng nghề gói bánh ú lá tre dịp Tết Đoan Ngọ ở Cà Mau

Cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch), bà con tại làng nghề gói bánh ú lá tre ở tỉnh Cà Mau lại hối hả vào 'mùa vụ' gói bánh kịp cung ứng cho khách trong và ngoài tỉnh.

Nồi bánh ú lá tre “đỏ lửa” giữa lòng thành phố

Những ngày này, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn khóm 5, phường 5, TP. Cà Mau lại tất bật làm bánh ú lá tre cho dịp Tết Đoan Ngọ trong không khí rộn ràng.

Tại gia đình bà Lê Thị My ở khóm 5, phường 5, TP. Cà Mau – người đã gắn bó với nghề gói bánh ú lá tre khoảng 40 năm nay, chúng tôi được tận mắt chứng kiến các quy trình để tạo ra những chiếc bánh ú lá tre.

Gia đình bà Lê Thị My đã gắn bó với nghề gói bánh ú lá tre khoảng 40 năm nay.

Gia đình bà Lê Thị My đã gắn bó với nghề gói bánh ú lá tre khoảng 40 năm nay.

Bà Lê Thị My vừa gói bánh vừa chia sẻ: “Nghề này ba mẹ tôi học được từ một người ở Cái Tàu (huyện U Minh). Sau đó truyền dạy lại cho con cháu đến ngày nay”.

Năm nay, do mới ổn định sau dịch bệnh COVID-19 nên gia đình bà My chưa dám tăng sản lượng bánh, chỉ gói khoảng 200kg nếp. Còn ở những năm trước, mỗi dịp Tết Đoan Ngọ gia đình gói hơn 1 tấn nếp.

Dịp Tết Đoan Ngọ năm nay, gia đình bà My dự kiến xuất bán khoảng 30.000 chiếc bánh ú lá tre, mỗi chục bánh được bán với giá 35.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu lãi khoảng 20 triệu đồng.

Theo nhiều hộ làm bánh lâu năm tại địa phương, nguyên liệu làm bánh ú lá tre khá đơn giản gồm: Nếp, đậu xanh, nước tro, đường, lá tre,… Để làm bánh ú lá tre, những người thợ làm bánh tranh thủ ngâm gạo nếp trong nước tro đã khoảng một ngày một đêm, rồi rửa lại bằng nước sạch.

Mỗi chục bánh ú lá tre được bán với giá 35.000 đồng.

Mỗi chục bánh ú lá tre được bán với giá 35.000 đồng.

Công đoạn tiếp đến là chuẩn bị nhân bánh. Đậu xanh luộc chín rồi đánh nhuyễn, sau đó trộn với dừa và đường và vo thành viên. Mỗi người làm bánh sẽ có bí quyết riêng, tuy nhiên để bánh ú lá tre được ngon, hấp dẫn thì công đoạn ngâm nếp và luộc bánh là quan trọng nhất.

Hiện, bánh ú lá tre được nhiều hộ ở ở phường 5, TP. Cà Mau cung cấp cho các chợ đầu mối trong tỉnh Cà Mau và các tỉnh ở ĐBSCL, TP.HCM. Địa phương đã thành lập tổ hợp tác gói bánh ú lá tre với 9 tổ viên. Nghề gói bánh ú lá tre đã góp phần giải quyết việc làm nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Phụ nữ thường đảm nhiệm gói còn cánh đàn ông thì luộc bánh, giao hàng...

Phụ nữ thường đảm nhiệm gói còn cánh đàn ông thì luộc bánh, giao hàng...

Giữ gìn nghề truyền thống

Ngoài lò bánh nằm giữa lòng TP. Cà Mau, nghề gói bánh ú lá tre ở ấp Ông Tự, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cũng luôn “đỏ lửa” với hàng chục hộ gắn bó với nghề.

Bà Hà Thị Kỷ, người dân duy trì nghề và chuyên gom hàng bỏ mối chia sẻ: “Số lượng hàng năm tôi gom đi giao cho các chợ khoảng 400 – 500 ngàn chiếc. Giao từ TP.HCM về Cần Thơ, Cà Mau. Năm nào dịp này cũng thiếu bánh. Khả năng làm ra chỉ được nhiêu đó thôi, nếu mình ráng làm ra thì sợ không đảm bảo chất lượng”.

Bánh ú lá tre thành phẩm sau khi qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề.

Bánh ú lá tre thành phẩm sau khi qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề.

Nghề gói bánh ú lá tre ở ấp Ông Tự, xã Lợi An cũng giúp nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương có thu nhập khá vào dịp này. Đàn ông đảm đương việc luộc bánh kiếm được vài trăm ngàn đồng/ngày, còn phụ nữ gói bánh có thu nhập cao gấp nhiều lần.

Mặc dù thu nhập không ổn định nhưng các hộ dân trong làng nghề gói bánh ú lá tre ở ấp Ông Tự, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có mức thu nhập khá cao từ nghề.

Nhân đậu xanh được đặt vào giữa bánh.

Nhân đậu xanh được đặt vào giữa bánh.

Chỉ riêng khoảng thời gian sản xuất phục vụ Tết Đoan Ngọ mỗi hộ gia đình đã có lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Những hộ duy trì nghề gói bánh còn đang góp phần giữ gìn nghề, tạo sản phẩm hàng hóa mang nét đặc trưng riêng của địa phương.

Tân Lộc - Nhật Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ron-rang-lang-nghe-goi-banh-u-la-tre-dip-tet-doan-ngo-o-ca-mau-post1443378.tpo