Rộng dài một khúc chiêng ngân

Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô, cũng là mùa của lễ hội pơ thi (bỏ mả). Những đêm thinh vắng nằm nghe tiếng chiêng văng vẳng bùng bong rộng dài xa xa, tâm hồn tôi ngập tràn những thanh âm tha thiết. Để rồi, mỗi khi có dịp, lòng tôi lại tìm về một khúc chiêng ngân.

Một ngày nắng vàng, tôi đến tham dự lễ bỏ mả cho một người đã khuất của gia đình người bạn. Đương nhiên là tôi được tận mắt quan sát và khám phá những tập tục của người dân nơi đây.

Phía trước nhà mả, đám thanh niên đang đánh chiêng. Nếu là chiêng to thì hai người gánh hai chiêng, một tay giữ đầu gánh, một tay cầm dùi đánh chiêng. Nếu là chiêng nhỏ thì hai người gánh một gánh gồm sáu chiếc chiêng và có một người đi theo ở giữa đánh chiêng. Có những chiếc chiêng nhỏ được người đánh cầm trên tay, vừa gõ vừa bước theo điệu nhạc.

Xen lẫn tiếng chiêng là bài hát được cất lên bằng tiếng Jrai lúc trầm trầm lúc lại vút cao tiễn đưa người quá cố. Tất cả tạo nên sự hòa phối âm thanh nhịp nhàng, da diết, quyến luyến lòng người.

Lễ bỏ mả của người Bahnar ở Kông Chro. Ảnh: Hoàng Ngọc

Lễ bỏ mả của người Bahnar ở Kông Chro. Ảnh: Hoàng Ngọc

Trời cao xanh vời vợi, nắng mới lên làm sáng bừng làn da nâu khỏe khoắn. Các bà, các mẹ, các chị trong trang phục thổ cẩm đủ màu sắc, tay trong tay, chân bước nhịp nhàng nối vòng xoang dài thêm mãi. Tôi cũng ngượng nghịu bước vào vòng xoang, cảm giác được hòa mình vào một không gian cộng đồng vô cùng thân thiện.

Trước mặt tôi, các chàng trai vừa đánh chiêng vừa di chuyển theo chiều kim đồng hồ. Già làng ngấm men rượu cần chếnh choáng, chân bước liêu xiêu, miệng cười móm mém, vẻ mặt đầy say sưa mãn nguyện. Tiếng cười nói hòa cùng tiếng chiêng xôn xao cả một góc rừng.

Nhà mả người đã khuất được xây trên một khu đất bằng phẳng. Trên bốn cây cột trụ bốn góc được trang trí hoa văn, khắc chạm những hình thù lạ mắt với những tua rua bằng vải đủ màu sắc.

Thường thì người ta đốt bò và heo để tổ chức lễ bỏ mả. Đồ cúng được bày sẵn trên tàu lá chuối xanh. Từng hàng ché rượu dài xếp trước mả cắm sẵn cần rượu chờ tay người vít. Những chiếc nồi lớn đựng đầy thức ăn để phục vụ dân làng. Vật dụng dùng hàng ngày bị làm cho hư hỏng đi để chia của cho người đã khuất với quan niệm sang thế giới bên kia họ cũng có một cuộc sống đủ đầy.

Lễ bỏ mả có khi kéo dài suốt một ngày đêm. Dân làng đến tham dự rất đông vì họ xem đây là một hoạt động để thắt chặt thêm tình nghĩa buôn làng.

Dưới bóng kơ nia, trẻ em xúm xít đứng ngồi để xem đánh chiêng, múa xoang với ánh nhìn thích thú. Tôi thầm nghĩ: Rồi mai đây các em sẽ là chủ nhân của những dàn chiêng kia, duy trì và phát huy bản sắc dân tộc để tiếng chiêng còn vang vọng mãi với Tây Nguyên đại ngàn, để di sản văn hóa phi vật thể này trường tồn cùng thời gian.

MAI HƯƠNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202104/rong-dai-mot-khuc-chieng-ngan-5731273/