Theo hãng tin Sputnik của Nga, một đơn vị thuộc Quân đoàn 20, Quân khu phía Tây của Quân đội Nga, lần đầu tiên tịch thu xe chiến đấu bộ binh CV90-40C mà Thụy Điển trước đó hỗ trợ Ukraine. Video cho thấy, quân đội Nga đã đưa xe chiến đấu bộ binh CV90 bị hư hỏng về hậu cứ để nghiên cứu.
Tại làng Nevsik trên mặt trận Svatovo-Kremennaya, quân Nga đã sử dụng UAV cảm tử và hỏa lực pháo binh tấn công xe chiến đấu bộ binh CV90 của Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 21 của Ukraine. Chiếc CV90 này có lẽ đã bị quân đội Ukraine bỏ lại, sau khi bị bắn hỏng và sau đó bị quân đội Nga thu giữ.
Trong đoạn video do quân đội Nga công bố, hai xe chiến đấu bộ binh CV90 của quân đội Ukraine, đã tấn công trực tiếp vào vị trí của quân Nga mà không có xe tăng yểm trợ. Một trong hai xe chiến đấu bộ binh CV90 lao tới ở khoảng cách rất gần và bị đạn chống tăng RPG-7 (B-41) của quân Nga bắn trúng.
Chiếc xe CV90 khác đi cùng, vừa bắn đạn pháo, vừa phóng lựu đạn khói, bao vây để cứu tổ lái ở chiếc CV90 bị đạn chống tăng bắn trúng và sơ tán người thành công. Nhưng chiếc CV90 bị bắn cháy, họ không thể cứu kéo được, đành phải để lại và lọt vào tay quân Nga.
Xe chiến đấu bộ binh CV-90, được đánh giá là loại xe chiến đấu bộ binh mạnh nhất thế giới, chỉ mới có mặt trên chiến trường Ukraine vào cuối tháng 5 vừa qua. Có tổng cộng 50 chiếc CV90 được Thụy Điển cung cấp cho Ukraine và chuyển đến Ukraine bằng đường bộ. Chúng được trang bị cho các đơn vị tinh nhuệ như Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 21 của Ukraine.
Thụy Điển là một quốc gia trung lập lâu dài và đã không trải qua chiến tranh trong hơn 100 năm. Nhưng ngành công nghiệp quốc phòng của Thụy Điển cũng được xếp vào hàng ngũ phát triển nhất thế giới, có thể sản xuất từ xe tăng đến máy bay chiến đấu và có tính năng rất hiện đại.
Trên thực tế, Thụy Điển đã đi đầu trong cuộc chiến chống Liên Xô và các nước trong khối Hiệp ước Warszawa tại châu Âu trong Chiến tranh Lạnh. Mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội Thụy Điển, thậm chí còn được đánh giá cao hơn nhiều nước NATO ở Tây Âu.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Thụy Điển rất đặc biệt, có phạm vi bao phủ rộng khắp, nền tảng vững chắc và trình độ rất tiên tiến. Nhiều loại vũ khí, trang bị do Thụy Điển sản xuất khá nổi tiếng; dù sao thì đây cũng là quốc gia đầu tiên phát minh ra thuôc nổ hiện đại.
Thụy Điển có thể độc lập phát triển vũ khí cho lục quân, hải quân, không quân và là đều là những vũ khí tiên tiến nhất thế giới. Ví dụ, Thụy Điển đã nghiên cứu và phát triển máy bay chiến đấu độc lập kể từ Thế chiến thứ hai, và đã liên tiếp phát triển máy bay chiến đấu Saab-29 Cylinder, Saab-32 Spear, Saab-35 Dragon, Saab- 37 Thunder và tiêm kích Saab JAS-39 Gripen.
Về vũ khí lục quân nổi tiếng nhất của Thụy Điển là pháo phòng không 40mm do Công ty Bofors sản xuất, ngoài ra còn có pháo tự hành Archer, xe tăng không tháp pháo Stridsvagn 103 (Strv 103), còn được biết đến dưới tên gọi "S-tank"; hay súng phóng lựu chống tăng AT-4 và súng phóng lựu không giật Carl Gustav.
Dòng xe chiến đấu bộ binh CV90 của Thụy Điển được coi là mẫu xe chiến đấu bộ binh cao cấp. Nó có tổng trọng lượng chiến đấu 22,6 tấn, được trang bị tháp pháo dành cho hai người và có thể chứa 8 người trong khoang hành khách. Giáp của CV90 tương đối dày, mặt trước được bảo vệ bằng giáp góc nghiêng lớn, cho khả năng bảo vệ tốt hơn.
Hiện nay, vũ khí xe chiến đấu bộ binh trang bị pháo cỡ lớn đang trở thành xu hướng, và xe chiến đấu bộ binh CV90 do Thụy Điển cung cấp cho Ukraine là loại CV90-40C, được trang bị pháo 40mm Type 70B cực mạnh, được phát triển từ pháo phòng không Bofors 40mm nổi tiếng.
Pháo của xe chiến đấu bộ binh CV90-40C vượt xa pháo của xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley do Mỹ sản xuất, khi xe của Mỹ chỉ được trang bị pháo 25 mm và xe chiến đấu bộ binh BMP-2 do Nga sản xuất trang bị pháo 30 mm.
Pháo xe chiến đấu bộ binh CV90-40C có thể bắn nhiều loại đạn, bao gồm lựu đạn nổ phá phân mảnh, dùng tiêu diệt bộ binh và trực thăng; đạn xuyên giáp có ống thuốc vạch đường và đạn xuyên giáp dưới cỡ để tiêu diệt các mục tiêu bọc thép và kiên cố.
Loại đạn xuyên giáp dưới cỡ của CV90 sử dụng lõi đạn hợp kim vonfram, có thể xuyên xuyên giáp dày tới 110 mm (với góc chạm của đạn 90 độ); nên không một loại giáp xe bọc thép chiến đấu bộ binh nào, có thể chịu được loại đạn cực mạnh này. Viên đạn xuyên giáp này thậm chí có thể xuyên thủng lớp giáp của xe tăng T-55.
Việc xe chiến đấu bộ binh M2A1 Bradley do Mỹ sản xuất viện trợ cho Ukraine đã thiệt hại tới 17 chiếc trong đợt phản công đầu tiên, khiến quân đội Ukraine nghi ngờ về hiệu quả chiến đấu và khả năng bảo vệ của xe M2A1 Bradley. Họ đặt nhiều hy vọng vào xe chiến đấu bộ binh hạng nặng CV90-40C của Thụy Điển.
Nhiều người cho rằng CV90-40C, một loại xe chiến đấu bộ binh hạng nặng có ngoại hình to lớn, trông “rất yên tâm” và có sức mạnh bảo vệ ngang ngửa của một chiếc xe tăng. Trên thực tế, đây chỉ là sự ngộ nhận, vì so với xe tăng, lớp giáp bảo vệ của tất cả các loại xe chiến đấu bộ binh bọc thép đều mỏng hơn nhiều.
Ngay cả xe chiến đấu bộ binh CV90-40C của Thụy Điển hay xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ, được cho là có khả năng bảo vệ tốt nhất, nếu bị đạn chống tăng RPG-7 (B41) trở lên bắn trúng, sẽ ngay lập tức bị vô hiệu hóa.
Qua những hình ảnh chiếc CV90 được tháo ra, có thể thấy vỏ giáp của xe cũng là “một chiếc bánh bao vỏ mỏng”. Nếu muốn tăng cường khả năng bảo vệ, chỉ có thể lắp thêm giáp. Nhưng việc bổ sung thêm giáp sẽ tăng trọng lượng, và ngay lập tức làm tăng gánh nặng cho động cơ, hệ thống truyền động, hệ thống treo; đây là một vấn đề nan giải.
Vì vậy, đừng nhìn những chiếc xe chiến đấu bộ binh phương Tây “cao lớn, mạnh mẽ” và đặc biệt được truyền thông phương Tây tung hô “hết sức bài bản”, mà nghĩ rằng chúng có khả năng bảo vệ tốt. Chúng chỉ là xe bọc thép, không phải xe tăng, cũng không phải chiến hạm bọc thép, nên bị trúng đạn cháy nổ cũng là chuyện “hết sức bình thường”.
UAV tự sát Lancet của Nga phá hủy xe bọc thép của Ukraine trên hướng chiến trường Zaporizhia. Nguồn Topwar
Tiến Minh (theo Sputnik)