Rủi ro cao cho nền kinh tế

Sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây được đánh giá có không ít rủi ro. Để có cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2019?

TS Nguyễn Trí Hiếu

TS Nguyễn Trí Hiếu

TS Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2018-2019 khởi sắc. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp đã phát hành được 89.000 tỉ đồng trái phiếu, tăng tới 34% so với cùng kỳ năm trước. Sự phát triển này là rất tốt, vì các doanh nghiệp có thể đi tìm các nguồn vốn khác để thay thế nguồn vốn vay ngân hàng.

Thế nhưng, chúng ta phải kiểm soát được rủi ro. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải đáp ứng được những quy định của pháp luật. Chúng ta cần hạn chế phát hành riêng lẻ, cần phát hành trái phiếu công khai để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể kiểm soát được những doanh nghiệp phát hành trái phiếu có đủ năng lực phát hành hay không.

PV: Có ý kiến cho rằng khó kiểm soát được dòng tiền qua kênh trái phiếu doanh nghiệp để biết doanh nghiệp có sử dụng đúng mục đích hay không? Đây được xem là rủi ro lớn. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Đó là điều rất đúng. Các doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng phải tuyên bố mục đích sử dụng vốn. Ngân hàng có quyền và trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng vốn vay của doanh nghiệp. Còn nếu phát hành trái phiếu mà cứ đưa tiền cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp đó không nói rõ mục đích sử dụng nguồn vốn như thế nào, sẽ không ai kiểm soát được.

Việt Nam đang thả nổi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu đại trà, không có một công ty chấm điểm tín dụng, xếp hạng tín nhiệm. Rủi ro cho nền kinh tế rất cao.

Thêm một rủi ro lớn nữa là các doanh nghiệp đến vay vốn ngân hàng thì phải công khai báo cáo tài chính và ngân hàng sẽ thẩm định tất cả báo cáo đó. Nay doanh nghiệp phát hành trái phiếu, hầu như không ai có năng lực hơn ngân hàng để hiểu, thẩm định tình hình tài chính của doanh nghiệp. Nếu phát hành trái phiếu cho người dân thì người dân gần như không có cơ hội, hay công thức, kỹ năng nào để có thể xác minh thông tin chính xác về doanh nghiệp. Rủi ro rất lớn đối với những người mua trái phiếu doanh nghiệp nếu không có chuyên môn về tài chính, khó có thể xác định được khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Ví dụ, một công ty phát hành trái phiếu với những chiêu quảng cáo mời mua trái phiếu lãi suất hấp dẫn 14%/năm, người mua chỉ biết thông tin trái phiếu này hiện đang “nóng” trên thị trường nên cứ thế mua vào mà không thể tìm hiểu thông tin cụ thể về doanh nghiệp, vài năm sau, khi doanh nghiệp có sự cố mới giật mình làm sao có thể lấy lại tiền?

Ở các nước trên thế giới, chỉ những doanh nghiệp có uy tín, có xếp hạng tín nhiệm tốt mới có thể phát hành trái phiếu. Việt Nam hiện nay đang thả nổi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu đại trà, không có một công ty chấm điểm tín dụng, xếp hạng tín nhiệm. Rủi ro cho nền kinh tế rất cao.

Người không có chuyên môn dễ gặp rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp

Người không có chuyên môn dễ gặp rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp

PV: Hiện vẫn có quan điểm cho rằng, muốn thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, cần phát hành đại trà ra công chúng, không nên chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp, ngân hàng, vì nền kinh tế đang rất cần vốn? Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi không đồng tình với quan điểm đó. Khi phát hành trái phiếu ra công chúng mà với những rủi ro như tôi vừa nói ở trên thì sẽ để cho số đông người dân phải chịu rủi ro? Thà rằng cứ phát hành trái phiếu trong một phạm vi hẹp là các ngân hàng, tổ chức tài chính, họ có khả năng thẩm định được các rủi ro. Giờ đây, nếu phát hành trái phiếu doanh nghiệp đại trà ra công chúng, dĩ nhiên những người ủng hộ quan điểm đó nghĩ ngân hàng đã quá tải, các doanh nghiệp cũng khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng nên tìm đến thị trường vốn lớn hơn. Đó cũng là cách giảm tải áp lực cho ngân hàng, đa dạng hóa nguồn vốn cho doanh nghiệp. Điều đó đúng nhưng chỉ với điều kiện những doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải là những doanh nghiệp có uy tín. Nếu “vàng thau lẫn lộn”, doanh nghiệp có năng lực hay không có năng lực, có uy tín hay không uy tín, đều có thể phát hành trái phiếu thì chắc chắn rủi ro khó kiểm soát.

PV: Ông có nghĩ việc trái phiếu doanh nghiệp “bùng nổ” có liên quan đến nguồn vốn tín dụng cho vay trung và dài hạn bị siết chặt, các doanh nghiệp bất động sản đang tìm con đường khác để huy động vốn?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Điều này là chắc chắn rồi. Những ý kiến ủng hộ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng là để tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản. Bởi hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang siết tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, chính vì thế, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản phải đi tìm nguồn vốn khác bằng cách phát hành trái phiếu.

PV: Nhưng thời gian qua, một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu thành công. Đây là tín hiệu tốt của thị trường, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Một số doanh nghiệp lớn là các tập đoàn, tổng công ty phát hành trái phiếu đều là những doanh nghiệp có uy tín trên thị trường. Thế nhưng, cần phải xem ai là người đại diện đứng ra tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp phát hành trái phiếu nằm trong các tập đoàn, tổng công ty, không biết được năng lực doanh nghiệp đó đến đâu, không phải tất cả công ty con đều làm ăn có lãi, uy tín, “sức khỏe” tài chính ổn định. Nếu một công ty con không đủ năng lực đứng ra phát hành trái phiếu thì nguy rồi. Vì thế người mua trái phiếu (trái chủ) phải thẩm định được khả năng tài chính của công ty phát hành trái phiếu chứ không phải dựa trên uy tín của các tập đoàn. Đừng lấy uy tín của tập đoàn để che lấp những điểm yếu của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Gắn phát hành trái phiếu doanh nghiệp với xếp hạng tín nhiệm

Nếu không kiểm soát tốt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tài chính và cân đối vĩ mô. Lãi suất một số đợt phát hành trái phiếu cao 13-14%/năm, cá biệt có doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu tới 14-15%/năm, cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác. Tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân không đủ thông tin phân tích rủi ro.

98% các đợt phát hành trái phiếu là riêng lẻ. 70% doanh nghiệp phát hành trái phiếu sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn hình thành trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý. Vốn huy động có thể sử dụng chưa đúng mục đích do chưa có báo cáo sử dụng vốn có ý kiến của kiểm toán theo quy định của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; rà soát quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có năng lực phân tích tài chính và khả năng đánh giá rủi ro. Đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, Bộ Tài chính sửa đổi các quy định để rút ngắn quy trình phát hành, gắn phát hành trái phiếu ra công chúng bắt buộc với xếp hạng tín nhiệm; có thể chế, chính sách để phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trong phát hành trái phiếu...

Minh Loan

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/rui-ro-cao-cho-nen-kinh-te-547362.html