Rủi ro đằng sau 'Vườn sao băng', 'Ngôi nhà hạnh phúc'

Khi đưa những bộ truyện tranh nổi tiếng lên màn ảnh, các nhà sản xuất phim Hàn Quốc vừa có được một vài lợi thế, vừa phải chấp nhận không ít rủi ro.

Trong gần hai thập kỷ qua, xu hướng chuyển thể truyện tranh được nhiều nhà làm phim Hàn Quốc ưu ái và cho ra đời không ít bộ phim chất lượng. Tuy nhiên, khi khán giả ngày càng khó tính trong việc thưởng thức, đánh giá phim ảnh, thì việc tạo ra một tác phẩm chuyển thể để đời ngày càng trở nên khó khăn.

Sự biến đổi của trào lưu chuyển thể truyện tranh

Full House (2004) có lẽ là tác phẩm đầu tiên mang tới sức sống cho dòng phim chuyển thể truyện tranh. Câu chuyện tình yêu hợp đồng giữa một cô biên kịch không thành công và tài tử nổi tiếng nhanh chóng gây sốt toàn châu Á, trở thành bệ phóng nâng tầm tên tuổi cho hai diễn viên Song Hye Kyo, Bi Rain.

Từ thành công vang dội của Full House, trào lưu chuyển thể truyện tranh dần nở rộ tại Hàn Quốc ở những năm tiếp theo. Hiệu ứng lan tỏa của Goong (Hoàng cung) hay Boys Over Flowers (Vườn sao băng) đã chứng minh sức hút mạnh mẽ của dòng phim này trong giai đoạn 2000. Đa số tác phẩm chuyển thể truyện tranh khi ấy đều khai thác chủ đề tình yêu, với mô típ cổ tích hoàng tử - Lọ Lem.

 Full House, Goong, Boys Over Flowers... là những tựa phim chuyển thể truyện tranh thành công trong những năm 2000.

Full House, Goong, Boys Over Flowers... là những tựa phim chuyển thể truyện tranh thành công trong những năm 2000.

Bước sang đầu những năm 2010, dòng phim nói trên dần đi vào lối mòn. Khán giả không còn mặn mà với những tựa phim phóng tác từ truyện tranh như Playful Kiss (2010), Mary Stayed Out All Night (2010), Your House Helper (2011), Skip Beat (2012), Absolute Boyfriend (2012), To the Beautiful You (2012)… Điểm chung của loạt phim này đều là sa đà vào kiểu tình yêu lãng mạn, hường phấn sến súa, thiếu sự đột phá.

Tuy nhiên, vẫn có một số tác phẩm phá cách về nội dung, không lấy chuyện tình cảm làm trọng tâm mà pha trộn thêm nhiều yếu tố khác như hình sự, xung đột học đường, chiến tranh, chính trị như Daemul (2010), Lord of the Study (2010), City Hunter (2011), Bridal Mask (2012)… chinh phục người xem. Nhận thấy điểm trừ của việc đóng khung bản thân với chủ đề tình yêu, các nhà sản xuất đã linh hoạt hơn trong việc lựa chọn thể loại truyện tranh để đưa lên màn ảnh vào cuối thập niên 2010.

 Bridal Mask ghi điểm nhờ sự đột phá về mặt nội dung, không quá sa đà vào chuyện tình yêu sến súa.

Bridal Mask ghi điểm nhờ sự đột phá về mặt nội dung, không quá sa đà vào chuyện tình yêu sến súa.

Trong vài năm trở lại đây, nhà làm phim Hàn Quốc tỏ ra chậm và chắc hơn trong các dự án chuyển thể. Sự sáng tạo và nới rộng giới hạn đề tài, thể loại đã góp phần đưa xu hướng chuyển thể truyện tranh quay trở lại thời kỳ hoàng kim, sau một thời gian giảm nhiệt. Khán giả có thể bắt gặp nhiều tựa phim lấy cảm hứng từ manga, webtoon, đa dạng thể loại từ tình cảm - hài, hình sự tội phạm, viễn tưởng, kỳ ảo, cổ trang, học đường… trên màn ảnh Hàn hiện nay.

Fan cuồng nguyên tác - con dao hai lưỡi

Phim chuyển thể truyện tranh có nhiều lợi thế. Nếu nguyên tác đã có danh tiếng và sức hút nhất định, phim cũng sẽ được “thơm lây”, góp phần giúp hoạt động quảng bá diễn ra thuận lợi. Ngay khi rục rịch khởi động, các dự án chuyển thể từ những bộ truyện tranh đình đám như Bride of the Water God, Moonlight Drawn by Clouds, Cheese in the Trap… đã nhận được sự chú ý của đông đảo khán giả.

Tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh có thêm lợi thế khác là sở hữu một lượng người hâm mộ sẵn có từ nguyên tác. Họ tò mò muốn xem bản phim sẽ truyền tải tinh thần của bộ truyện gốc như thế nào, nhân vật họ yêu mến sẽ có hình hài ra sao, có giống với những gì họ tưởng tượng hay không.

Tạo hình nhân vật màu mè, bối cảnh cổ đại bị chuyển sang thời hiện đại... là những lý do khiến Bride of the Water God bị coi là thảm họa phim chuyển thể.

Tạo hình nhân vật màu mè, bối cảnh cổ đại bị chuyển sang thời hiện đại... là những lý do khiến Bride of the Water God bị coi là thảm họa phim chuyển thể.

Tuy nhiên, đây lại chính là con dao hai lưỡi. Lượng khán giả chú ý đến phim chỉ vì nguyên tác, đặc biệt là nhóm fan cuồng sẽ có cái nhìn khắt khe hơn. Chỉ cần một chút sơ sẩy, bộ phim sẽ trở thành mục tiêu săm soi, “ném đá”. Chọn diễn viên không khớp giống với hình mẫu trong truyện, bẻ lái quá đà, thêm thắt tình tiết vô lý, cải biên không thỏa đáng… là những lý do dẫn tới phản ứng tiêu cực.

Một ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này là Bride of the Water God. Phim quy tụ ê-kíp nổi tiếng gồm đạo diễn Kim Byung Soo, biên kịch Jung Yoon Jung, cùng dàn diễn viên trẻ, đẹp như Nam Joo Hyuk, Shin Se Kyung, Krystal, Lim Joo Hwan, Gong Myung. Nhan sắc của dàn sao và danh tiếng của ê-kíp chẳng thể nào giúp Bride of the Water God thoát khỏi cảnh bị chê bai thậm tệ.

Việc bối cảnh thời cổ đại bị biến thành thời hiện đại khiến người hâm mộ truyện gốc cảm thấy khó chấp nhận. Bản phim tỏ ra gượng gạo từ kịch bản đến tạo hình nhân vật. Hình tượng thủy thần Habaek trên màn ảnh do Nam Joo Hyuk đóng bị cho là quá màu mè khi để tóc nhuộm ombre.

 Nữ chính Cheese in the Trap bị fan cuồng truyện gốc chê bai thậm tệ.

Nữ chính Cheese in the Trap bị fan cuồng truyện gốc chê bai thậm tệ.

Cheese in the Trap cũng là nạn nhân của fan cuồng bộ truyện gốc. Nữ diễn viên chính Kim Go Eun bị nhóm người hâm mộ khó tính “ném đá” về ngoại hình. Tạo hình của cô ở bản phim liên tục bị đem ra so sánh với nhân vật Hong Seol trong truyện. Nhiều người cho rằng vì Kim Go Eun và Hong Seol qua nét vẽ của tác giả Soonkki quá khác biệt, cho nên cô sẽ không thể nào thể hiện được thần thái của nhân vật.

Nguy cơ "đầu voi đuôi chuột"

Nguy cơ đầu voi đuôi chuột ở dòng phim chuyển thể truyện tranh đến từ ba nguyên nhân chính: ôm đồm nội dung, cốt truyện cũ nhàm, hoang đường và sự tham bẻ lái của biên kịch.

Phim Hàn tuân theo thời lượng phổ biến là từ 16 đến 20 tập. Trong khoảng thời gian đó, biên kịch phải giải quyết hết các tuyến nội dung được đề cập tới trong bộ truyện gốc. Nếu nguyên tác quá ôm đồm thì bản phim khó tránh khỏi nguy cơ càng phát sóng càng đuối.

Itaewon Class là ví dụ mới nhất cho những tác phẩm chuyển thể “đầu voi đuôi chuột”. Kịch bản được chấp bút bởi chính “cha đẻ” của bộ truyện gốc là Jo Gwang Jin, nhưng phim vẫn khiến nhiều người hâm mộ phật lòng.

Chỉ trong 16 tập, Itaewon Class phải xử lý trọn vẹn ba tuyến nội dung chính là tình cảm, trả thù và khởi nghiệp, đúng như tinh thần của nguyên tác. Song, việc nhồi nhét nhiều nội dung cùng việc biên kịch mải mê bẻ lái đã khiến bộ phim mất dần sức hút. Itaewon Class kết thúc trong những tranh cãi về sự nhàm chán, tẻ nhạt và tính thực tế.

 Itaewon Class là ví dụ điển hình cho phim chuyển thể gây tranh cãi vì nội dung "đầu voi đuôi chuột", dù có rating cao.

Itaewon Class là ví dụ điển hình cho phim chuyển thể gây tranh cãi vì nội dung "đầu voi đuôi chuột", dù có rating cao.

Một số bộ truyện tranh của Hàn Quốc vẫn đi theo mô-típ cũ là tình yêu cổ tích, hoàng tử - Lọ Lem. Do đó, khi đưa lên màn ảnh, phim dễ rơi vào tình trạng lê thê, trẻ con, “đầu voi đuôi chuột”. What’s Wrong with Secretary Kim? là một ví dụ điển hình. Tác phẩm chuyển thể từ truyện tranh cùng tên, kể về chuyện tình ngọt ngào, lãng mạn giữa nàng thư ký xinh đẹp Kim Mi So và chàng phó chủ tịch điển trai, giàu có Lee Young Joon.

Ở nửa đầu, phim chinh phục người xem bằng những tình huống hài hước và những câu thoại dễ gây cười. Song, bắt đầu từ nửa sau, What’s Wrong with Secretary Kim? lại mang đến cảm giác nhàm chán khi mạch phim kéo dài lê thê, các nút thắt được xử lý một cách dễ dãi, trẻ con.

Chuyển thể truyện tranh là một mảnh đất màu mỡ, nhưng để tạo nên một tác phẩm để đời ở mảnh đất này, các nhà làm phim Hàn Quốc phải vượt qua nhiều thách thức từ người hâm mộ và từ những điểm trừ của chính nguyên tác.

Nguyên Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/rui-ro-dang-sau-vuon-sao-bang-ngoi-nha-hanh-phuc-post1071334.html