Rủi ro khi đưa hình ảnh nhạy cảm của con lên mạng

Khi chia sẻ những thông tin, hình ảnh cá nhân của con mà không có sự đồng thuận, nhiều phụ huynh không lường trước được những hệ quả về bảo mật thông tin và tâm lý đối với trẻ.

Với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, nhu cầu chia sẻ thông tin của mỗi cá nhân cũng tăng cao. Những chuyện từng bị coi là khó nói, chỉ được chia sẻ trong vòng tròn bạn bè, nay có thể trở thành chủ đề để thảo luận, bàn tán trên mạng xã hội.

Không chỉ thế hệ trẻ, các phụ huynh ngày nay cũng tích cực sử dụng mạng xã hội để giữ liên lạc và chia sẻ kỷ niệm cuộc sống. Theo The Conversation, nhiều cha mẹ coi việc đăng ảnh gia đình, con cái như một cách kết nối với những mối quan hệ thân thiết.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều bậc phụ huynh chưa hiểu rõ về những nguy cơ khi chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân của con trên không gian mạng.

Theo chị Trần Nhị Bình, đại diện CyberKid Vietnam - tổ chức xã hội tại Việt Nam bảo đảm sự an toàn của trẻ em trước các mối đe dọa an toàn thông tin mạng, hầu hết cha mẹ có nhận thức rằng mạng xã hội không phải nơi an toàn cho con. Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro tiềm ẩn mà chính bố mẹ cũng không lường trước được, nhất là khi chia sẻ thông tin về con.

Đồng thời, việc cha mẹ đăng những chuyện nhạy cảm, cá nhân lên mạng mà không có sự đồng thuận của con là hành động vượt quá ranh giới riêng tư. Điều này để lại nhiều tổn thương tâm lý, khiến các bạn trẻ mất niềm tin vào bố mẹ và gây ra những mâu thuẫn gia đình đáng tiếc.

 Việc cha mẹ chia sẻ thông tin, hình ảnh của con có thể để lại hệ quả về bảo mật thông tin và tâm lý cho trẻ. Ảnh: Shutterstock.

Việc cha mẹ chia sẻ thông tin, hình ảnh của con có thể để lại hệ quả về bảo mật thông tin và tâm lý cho trẻ. Ảnh: Shutterstock.

Hiểm họa của sự chia sẻ

Khi hình ảnh, thông tin được đăng lên mạng, dù vô tình hay cố tình, cũng sẽ để lại "dấu chân kĩ thuật số" (digital footprint). Những "dấu chân" này không dễ gì xóa bỏ bởi nó đã được lưu lại trên hệ thống nền tảng.

Chẳng hạn, một bài đăng hoặc sự kiện thu hút chú ý của dư luận có thể được chụp màn hình lại, chia sẻ vào các hội nhóm, hoặc trở thành tiêu điểm của các cuộc trò chuyện trong tin nhắn riêng. Bởi vậy, thông tin đó sẽ không bao giờ biến mất.

"Khi cha mẹ đăng ảnh lên, không có cách nào để đảm bảo rằng những thông tin ấy sẽ chỉ tồn tại trong vòng tròn bạn bè hay sẽ được chia sẻ, sử dụng tiếp như thế nào", chị Nguyễn Trịnh Lam Khanh, phó phòng giải pháp CyberHome, thuộc CyberKid Vietnam, cho hay.

Nếu những thông tin nhạy cảm về bản thân bị lan rộng, trẻ vị thành niên dễ rơi vào trạng thái bất ổn tâm lý do thiếu kỹ năng, bản lĩnh và kinh nghiệm sống để đối mặt với tình trạng này.

Theo chị Bình, việc đọc phải hàng loạt bình luận về mình từ những tài khoản xa lạ, ẩn danh trên mạng là một điều quá sức với trẻ. Vì thế, các em sẽ dễ cảm thấy lo lắng, sợ hãi nếu không có sự can thiệp tâm lý kịp thời.

 Trẻ dễ gặp nhiều nguy hiểm khi thông tin bị đưa lên mạng. Ảnh: New York Times.

Trẻ dễ gặp nhiều nguy hiểm khi thông tin bị đưa lên mạng. Ảnh: New York Times.

Bên cạnh đó, những thông tin về trẻ có thể bị kẻ xấu hoặc bên thứ 3 lợi dụng. Hình ảnh có thể bị xào nấu để tung tin, lừa đảo, đe dọa.

"Việc bị tiết lộ những thông tin riêng tư, nhạy cảm cũng có thể dẫn đến tình trạng bạo lực mạng. Trẻ có khả năng sẽ bị người lạ chế giễu, sỉ nhục trên các diễn đàn, mạng xã hội. Thậm chí, điều này còn gián tiếp khiến trẻ có nguy cơ bị lạm dụng tình dục mạng qua tin nhắn", chị Khanh cho biết.

Xâm phạm quyền riêng tư

Khi chia sẻ thông tin cá nhân của con lên mạng mà không có sự đồng thuận, cha mẹ cũng đang vượt qua ranh giới về quyền riêng tư mà trẻ đặt ra.

Theo chuyên viên tâm lý Phan Tường Yên, đồng thời là nhà huấn luyện cha mẹ chuyên nghiệp của chương trình tập huấn quốc tế về nuôi dạy con tích cực Triple P Teen, sẽ luôn tồn tại khoảng cách giữa lượng thông tin bạn trẻ muốn chia sẻ về cuộc sống của mình với lượng thông tin cha mẹ muốn biết, đặc biệt ở độ tuổi vị thành niên.

Đây là thời gian trẻ bắt đầu hình thành danh tính riêng, muốn được tự do hơn và thoát khỏi những khuôn mẫu mà người lớn kỳ vọng ở mình.

Vì thế, nhu cầu về sự riêng tư hay mong muốn kiểm soát những thông tin và sở hữu cá nhân ở thanh thiếu niên cũng mạnh mẽ hơn.

 Cha mẹ có thể xâm phạm ranh giới riêng tư của con khi tự ý đăng ảnh trẻ lên mạng. Ảnh: CNN.

Cha mẹ có thể xâm phạm ranh giới riêng tư của con khi tự ý đăng ảnh trẻ lên mạng. Ảnh: CNN.

“Ranh giới riêng tư là sự phân chia giữa thông tin cá nhân và thông tin công cộng. Thông tin riêng tư, không được tiết lộ cho ai sẽ thuộc về ranh giới cá nhân. Ngược lại, thông tin được chia sẻ sẽ hình thành ranh giới công cộng.

Có những thông tin dễ vượt từ ranh giới cá nhân qua công cộng, ví dụ như khi ta chia sẻ chuyện riêng cho bạn bè. Tuy nhiên, cũng có những thông tin khó vượt qua ranh giới. Và đây chính là nơi quyền riêng tư hoạt động, bởi một người có quyền quyết định chia sẻ thông tin cá nhân của họ hay không", chị Tường Yên giải thích.

Theo chị Yên, việc va chạm của các bậc cha mẹ vào ranh giới riêng tư của con cái là khá phổ biến và không chỉ diễn ra trên không gian mạng. Ví dụ, cha mẹ có thể vào phòng riêng của con để kiểm tra hoặc lén đọc nhật ký. Một số cha mẹ đem những chuyện mà con thấy xấu hổ để kể với bạn bè, khách đến nhà với mục đích giải trí vì coi đó là điều bình thường, dễ thương.

"Khi bị cha mẹ xâm phạm sự riêng tư, điều người trẻ gắn liền với giá trị bản thân, các bạn sẽ cảm thấy tổn thương và không được tin tưởng. Điều này sẽ tạo ra những khoảng trống, vách ngăn vô hình trong giao tiếp và tương tác giữa con cái và cha mẹ. Hệ lụy của sự xa cách này sẽ kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí cần cả thập kỉ mới xóa bỏ được”, chuyên gia tâm lý Tường Yên nhận định.

 Khi bị cha mẹ xâm phạm ranh giới riêng tư, thanh thiếu niên cảm thấy bất an, không tin tưởng. Ảnh: Expat Living.

Khi bị cha mẹ xâm phạm ranh giới riêng tư, thanh thiếu niên cảm thấy bất an, không tin tưởng. Ảnh: Expat Living.

Giải pháp

Quyền riêng tư và an toàn trên mạng là 2 khái niệm quan trọng nhưng khá xa lạ với thế hệ phụ huynh, vốn quen thuộc với đời sống mang tính cộng đồng cao.

"Dù chưa dễ chấp nhận, cha mẹ trước hết hãy thử tìm hiểu và tôn trọng ranh giới riêng tư của con, đồng thời xây dựng những kết nối tin tưởng, yêu thương, sẻ chia từ hai phía. Tôi tin các bố mẹ hoàn toàn có thể làm được với sự nhẫn nại và tình thương của mình", chuyên viên tâm lý Tường Yên chia sẻ.

Đại diện của CyberKid Vietnam cũng đưa ra một số lưu ý khi cha mẹ muốn đưa thông tin của trẻ lên mạng nhằm đảm bảo an toàn.

Thứ nhất, cha mẹ cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, trường học - những điều giúp người khác xác định vị trí của trẻ. Cha mẹ cũng cần tránh đăng tải ảnh và clip nhạy cảm, có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của trẻ sau này.

 Việc đối thoại là cần thiết để thiết lập mối quan hệ tin tưởng, lành mạnh giữa cha mẹ và con cái. Ảnh: Shutterstock.

Việc đối thoại là cần thiết để thiết lập mối quan hệ tin tưởng, lành mạnh giữa cha mẹ và con cái. Ảnh: Shutterstock.

Thứ hai, với giấy tờ cá nhân, cha mẹ cần ẩn, xóa hoặc làm mờ những thông tin quan trọng nếu muốn đăng lên mạng. Trước đó, cha mẹ có thể thông báo với con về việc đăng tải của mình và đảm bảo rằng đó là thông tin trong giới hạn an toàn. Như vậy vừa an toàn, vừa tạo sự thoải mái cho gia đình.

Trong thời đại số phức tạp, cái khó của các bậc phụ huynh vẫn luôn là làm thế nào để đảm bảo an toàn, giúp con đi đúng hướng, nhưng không làm con bị tổn thương bởi sự can thiệp của mình.

Điều quan trọng nhất cha mẹ có thể làm là tạo mối quan hệ tin tưởng để cùng con phát triển lành mạnh, an toàn. Như vậy, các bạn trẻ sẽ có định hướng tốt và điểm tựa gia đình vững chắc khi lớn lên trong sự hỗn loạn của không gian mạng ngoài kia.

Mai Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/rui-ro-khi-dua-hinh-anh-nhay-cam-cua-con-len-mang-post1305691.html