Rủi ro từ việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp: Có thể bị xử lý hình sự

Cơ quan thuế ứng dụng công nghệ thông tin, tổng hợp, phân tích dữ liệu lớn để đánh giá, phân tích, rà soát các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao trong việc mua bán hóa đơn và xử lý theo quy định.

Các quy định về hóa đơn chứng từ hiện nay đang được điều chỉnh bởi Luật Quản lý thuế số 38 năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP năm 2020 hướng dẫn thực hiện về hóa đơn chứng từ và Nghị định 125/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung năm 2021) quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Cơ quan thuế thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn gian lận về hóa đơn

Cơ quan thuế thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn gian lận về hóa đơn

Khoản 9, Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định: “Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; sử dụng hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế; sử dụng hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế; sử dụng hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp…

Sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ là việc sử dụng: Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định; sử dụng hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); sử dụng hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả….”

Theo bà Ngô Thị Thùy Linh, Phó Trưởng ban Quản lý rủi ro, Tổng cục Thuế, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn gian lận sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; nếu vi phạm nặng hơn sẽ bị xử lý hình sự về Tội trốn thuế theo Điều 200 hoặc Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ theo Điều 203 Bộ luật Hình sự ban hành năm 2015 và được sửa đổi năm 2017.

Hiện nay, cơ quan thuế đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử và các ứng dụng công cụ hỗ trợ cho việc kiểm soát, quản lý hóa đơn, làm cơ sở để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chứng từ không hợp pháp chiếm đoạt tiền ngân sách, chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Cách tra cứu hóa đơn điện tử:

– Bước 1: Truy cập website Hệ thống hóa đơn điện tử tại địa chỉ: https://hoadondientu.gdt.gov.vn/ hoặc địa chỉ http://tracuuhoadon.gdt.gov.vn/tc1hd.html

– Bước 2: Nhập đầy đủ các thông tin có đánh dấu * bao gồm: Mã số thuế người bán; Loại hóa đơn; Ký hiệu hóa đơn; Số hóa đơn.

– Bước 3: Nhập mã xác thực và nhấn “Tìm kiếm”

– Bước 4: Kiểm tra kết quả thông tin về hóa đơn tra cứu.

+ Nếu hóa đơn điện tử hợp lệ: Hệ thống sẽ hiển thị là Đã cấp mã hóa đơn.

+ Nếu hóa đơn điện tử không hợp lệ: Hệ thống sẽ hiển thị “Không tồn tại hóa đơn có thông tin trùng khớp với các thông tin tổ chức, cá nhân tìm kiếm”.

Thu Trang/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/rui-ro-tu-viec-su-dung-hoa-don-bat-hop-phap-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-post1125281.vov