Rừng cộng đồng bị lấn chiếm trái phép

Khi giá trị đất đai ngày càng tăng, lòng tham của một số người dân có trách nhiệm được giao trông coi, bảo vệ rừng nổi lên thì những cánh 'rừng cộng đồng' thuộc thôn 4, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) lại trở thành mục tiêu béo bở cho các đối tượng đua nhau xâu xé, 'chia 5 xẻ 7', lấn chiếm và chuyển nhượng trái pháp luật đất lâm nghiệp.

Trước hàng loạt các vụ phá rừng, lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp trên diện tích rừng đã được nhà nước giao cho cộng đồng dân cư thôn 4, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm quản lý, bảo vệ và trồng rừng, cuối năm 2020, UBND tỉnh Lâm Đồng buộc phải thu hồi toàn bộ 231ha rừng này giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri quản lý.

Trang trại sản xuất nông nghiệp “mọc” trên đất rừng cộng đồng.

Trang trại sản xuất nông nghiệp “mọc” trên đất rừng cộng đồng.

Sau 7 năm giao diện tích rừng trên cho cộng đồng dân cư với 9 hộ dân quản lý, trồng rừng, mục đích đề ra không những không đạt được mà các cánh rừng nơi đây còn bị tàn phá tới mức khó tin. Quá trình nhận khoán quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng, Tổ nhận khoán cộng đồng thôn 4 đã để xảy ra nhiều sai phạm, trong đó việc sử dụng đất rừng không đúng mục đích xảy ra tràn lan. Rừng liên tục bị đốn hạ, đất rừng bị lấn chiếm “chia 5 năm xẻ 7” theo dạng “cát cứ”, mỗi gia đình một khu vực.

Không những vậy, không ít diện tích rừng cộng đồng còn có dấu hiệu chuyển nhượng trái phép. Từ đó, nhiều diện tích rừng, đất rừng nhanh chóng bị biến thành rẫy cà phê, cây ăn trái. Thời gian gần đây còn thường xuyên xảy ra việc tranh chấp đất rừng trái phép kéo dài gây mất an ninh trật tự tại địa phương.Việc giao rừng cho cộng đồng dân cư tại thôn 4, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm trông coi với niềm tin sẽ phát huy được sức mạnh của quần chúng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã chính thức thất bại.

Theo kết luận thanh tra của UBND huyện Bảo Lâm vào tháng 8/2019, thời điểm này diện tích có rừng chưa bị tác động là 73,8ha, diện tích có rừng bị tác động trồng cây dưới tán rừng là 45,6ha, diện tích rừng bị mất toàn bộ là 73,2ha. Đặc biệt, trong tổng số 32,5ha được giao trồng và chăm sóc rừng trồng thì cộng đồng thôn 4 chỉ trồng được vỏn vẹn 1,6ha đúng phương án, diện tích còn lại chủ yếu được trồng cà phê, bơ… Đất rừng nhanh chóng bị biến hóa thành đất sản xuất nông nghiệp.

Khi đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi rừng cộng đồng, giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri quản lý, không ít người được nhà nước giao quản lý rừng trước đây vẫn vào lấn chiếm đất rừng, ngang nhiên canh tác, xây dựng nhà cửa, lập trang trại sản xuất nông nghiệp và tiếp tục… phá rừng. Nghiêm trọng hơn, một số đối tượng còn liên kết với nhau, sẵn sàng dùng vũ lực chống đối, tấn công lại lực lượng bảo vệ rừng.

Trước đây, tổ cộng đồng thôn 4, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm được giao rừng với 9 hộ tham gia nhận khoán do ông Nguyễn Đức Dạo làm tổ trưởng. Sau khi đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi rừng cộng đồng, chính ông này và một số người khác đã dùng hung khí tấn công người tố cáo ông Dạo đang cưa phá rừng khiến nạn nhân phải nhập viện cấp cứu.

Lần gần đây nhất, ngày 8/7 vừa qua, nhóm của ông Nguyễn Đức Dạo đã cưa hạ 28 cây thông thuộc khu vực rừng cộng đồng trước đây được giao cho những người này quản lý. Khối lượng lâm sản bị thiệt hại hơn 8,2m3. Theo thống kê, trên phần rừng cộng đồng trước đây, hiện nay có 48 hộ dân trồng cà phê và cây ăn trái trên diện tích chiếm dụng gần 80ha. Ngoài ra, đang có hàng chục hécta rừng cộng đồng bị lấn chiếm trồng xen cà phê, bơ dưới tán cây rừng. Tại những diện tích này, cây thông liên tục bị cưa hạ, đầu độc với quy mô, số vụ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ông Nguyễn Ngọc Nhi, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết, tại khu vực rừng cộng đồng trước đây, ngoài hàng chục hecta rừng, đất rừng đang bị lấn chiếm, nơi đây đang tồn tại 4 công trình nhà ở, vật kiến trúc chăn nuôi xây dựng trái phép. UBND huyện Bảo Lâm đã ban hành các quyết định buộc cưỡng chế công trình xây dựng trái pháp luật, thu hồi đất rừng, khắc phục hậu quả. Để rừng cộng đồng “sống lại”, sau khi giải tỏa, UBND huyện đã giao Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri phối hợp cùng UBND xã Lộc Phú tiến hành trồng lại rừng.

Tuy nhiên, điều đáng ngại hơn là tình trạng coi thường pháp luật, sự ngang nhiên, lộng hành của một số đối tượng tại địa phương. Chúng sẵn sàng chống đối, thậm chí tấn công lực lượng quản lý, bảo vệ rừng để đòi hỏi những quyền lợi phi pháp trên chính diện tích rừng cộng đồng trước đây đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi.

Ông Huỳnh Văn Công, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Đam Bri cho biết, từ khi đơn vị tiếp nhận quản lý, bảo vệ diện tích rừng cộng đồng thì tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra. Quá trình kiểm tra, xử lý diện tích rừng, đất rừng bị lấn chiếm, cán bộ, nhân viên của đơn vị liên tục bị đe dọa. Thậm chí, trong quá trình giải tỏa, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm, bản thân ông Huỳnh Văn Công và một số nhân viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri còn bị các đối tượng manh động hành hung, xúc phạm danh dự.

“Chính việc coi thường pháp luật của một số đối tượng lấn chiếm đất rừng chưa được cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc khiến công tác quản lý, bảo vệ và giải tỏa, thu hồi diện tích rừng, đất rừng đã bị lấn chiếm gặp nhiều khó khăn!.. Hơn nữa, việc không xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chống người thi hành công vụ khiến các đối tượng xem thường lực lượng quản lý bảo vệ rừng dẫn đến rừng tiếp tục bị phá, lấn chiếm ngày một nhiều hơn!..”, ông Huỳnh Văn Công cho biết.

Khắc Lịch

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/rung-cong-dong-bi-lan-chiem-trai-phep-i665343/