Rừng đá hàng triệu năm tuổi, khung cảnh gây choáng ngợp

Những khối đá tự nhiên, nhọn hoắt, chạy dọc theo bờ sông Lena, tạo nên khung cảnh ấn tượng và khác lạ.

Nằm ở Cộng hòa Sakha, một trong những vùng xa xôi và rộng lớn nhất của Nga, rừng đá Lena Pillars trải dài dọc theo sông Lena. Khu vực này nổi tiếng với khí hậu khắc nghiệt và vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ.

Công viên tự nhiên Lena Pillars, nơi có những khối đá này, nằm cách Yakutsk - thủ phủ của Sakha, khoảng 200 km về phía nam.

Nguồn gốc và tuổi của các khối đá

Các cột đá ở đây có niên đại từ kỷ Cambri, cách đây khoảng 540 đến 485 triệu năm. Trong thời gian này, khu vực hiện là Cộng hòa Sakha được bao phủ bởi một vùng biển nông. Trong hàng triệu năm, sự tích tụ của trầm tích, chủ yếu là đá vôi và đá dolomit, đã tạo ra các lớp trầm tích dày. Các lớp này đã trải qua những thay đổi địa chất đáng kể, bao gồm quá trình nén chặt và kết dính, biến chúng thành các khối đá rắn mà chúng ta thấy ngày nay.

Ngoài ra, các cột đá có thể bao gồm dấu vết của các khoáng chất khác như thạch anh, khoáng sét được lắng đọng cùng với các trầm tích cacbonat.

Quá trình lắng đọng, kiến tạo, xói mòn, đóng băng và phong hóa đã khiến các cột đá Lena có những hình thù ấn tượng và độc đáo mà chúng ta có thể nhìn thấy ngày nay.

Đặc điểm địa chất

Các cột đá Lena nổi tiếng với những khối đá thẳng đứng ấn tượng, nhô lên một cách ngoạn mục từ bờ sông Lena. Một trong số đó cao tới 100 m, tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp và siêu nhiên.

Bên trong Lena Pillars có rất nhiều hang động được hình thành do sự hòa tan của đá cacbonat. Những đặc điểm này làm tăng thêm sự phức tạp về mặt địa chất và cung cấp cái nhìn thoáng qua về các quá trình phong hóa, xói mòn đã hình thành nên các trụ đá Lena. Các hang động thường chứa nhũ đá và măng đá, được hình thành do sự kết tủa của canxi cacbonat có trong nước nhỏ giọt.

Vùng Lena Pillars là một ví dụ tuyệt vời về địa hình karst, một cảnh quan được hình thành từ sự hòa tan của các loại đá như đá vôi và đá dolomit. Các đặc điểm karst không chỉ bao gồm các trụ đá mà còn bao gồm cả hố sụt, suối ngầm và các dạng địa hình khác được tạo ra do quá trình phong hóa hóa học của đá cacbonat. Kiểu địa hình này được đặc trưng bởi bề mặt gồ ghề, không bằng phẳng.

Đá trầm tích của Lena Pillars chứa đựng rất nhiều bằng chứng hóa thạch, chủ yếu từ kỷ Cambri. Sự hiện diện của những hóa thạch này có ý nghĩa quan trọng trong việc hiểu về sự phát triển ban đầu của sự sống trên Trái đất, cung cấp thông tin có giá trị cho các nhà cổ sinh vật học nghiên cứu lịch sử sự sống và môi trường biển cổ đại.

Mặc dù chủ yếu là một địa điểm địa chất, Lena Pillars cũng có các thảm thực vật và động vật hoang dã. Các khe nứt và khu vực được che chở giữa các trụ đá là nơi sinh sống của một số loài thực vật.

Khu vực xung quanh là một phần của rừng taiga Siberia, nơi sinh sống của các loài thực vật như thông, bạch dương, cũng như các loài động vật như hươu xạ Siberia, cáo Bắc Cực và nhiều loài chim khác.

Những đặc điểm địa chất này kết hợp lại khiến Lena Pillars trở thành một địa điểm có vẻ đẹp thiên nhiên đặc biệt và tầm quan trọng về mặt khoa học. Nơi này thu hút các nhà nghiên cứu, du khách từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng những khối đá cổ xưa và hùng vĩ.

Ý nghĩa lịch sử và văn hóa

Các cột đá Lena có ý nghĩa văn hóa và tâm linh sâu sắc đối với người dân bản địa trong khu vực, đặc biệt là người Yakut (Sakha). Trong nhiều thế kỷ, những khối đá cao chót vót này được coi là rất thiêng liêng, thường gắn liền với nhiều tín ngưỡng và tập tục truyền thống khác nhau. Người Yakut coi các cột đá chứa sức mạnh tâm linh, họ đã đưa chúng vào các nghi lễ và văn hóa dân gian của mình.

Khu vực xung quanh các cột Lena thường được sử dụng cho mục đích nghi lễ, người dân cúng các lễ vật, cầu nguyện để tôn vinh các linh hồn được cho là cư ngụ trong các tảng đá và cảnh quan xung quanh.

Vào thế kỷ 19, nhà địa chất người Nga Alexander von Middendorff đã tiến hành nghiên cứu quan trọng trong khu vực, nâng cao sự hiểu biết về lịch sử địa chất và tự nhiên của các cột đá Lena. Công trình của ông đã đặt nền tảng cho các nghiên cứu khoa học trong tương lai, giúp thu hút sự chú ý của quốc tế đến địa điểm này.

Công viên tự nhiên Lena Pillars được thành lập vào năm 1995 để bảo vệ và bảo tồn các đặc điểm địa chất và hệ sinh thái độc đáo của khu vực. Vào năm 2012, Lena Pillars được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

NHẬT DƯƠNG (Theo Geologyscience)

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/rung-da-hang-trieu-nam-tuoi-khung-canh-gay-choang-ngop-c14a79915.html