'Rừng khộp mùa thay lá' - Trong hồi ký người lính

Giai đoạn năm 1978 - 1989, Quân tình nguyện Việt Nam sang giúp nước bạn Campuchia đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot ghi dấu một giai đoạn lịch sử bi hùng và tự hào của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Giờ đây, một phần của cuộc chiến ấy được tái hiện qua hồi ký 'Rừng khộp mùa thay lá' của Thiếu tá Nguyễn Vũ Điền, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh. Cuốn hồi ký, là một tác phẩm ấn tượng về chiến tranh, để lại nhiều cảm xúc cho người đọc.

Thiếu tá Nguyễn Vũ Điền bên cuốn hồi ký "Rừng khộp mùa thay lá".

Thiếu tá Nguyễn Vũ Điền bên cuốn hồi ký "Rừng khộp mùa thay lá".

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi tìm gặp tác giả của cuốn hồi kỳ “Rừng khộp mùa thay lá”. Nhấp ngụm chè thơm, Thiếu tá Điền kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện đời lính của mình: Năm 1978, khi ấy đang là sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi lên đường nhập ngũ, là chiến sĩ D6, E174, Sư đoàn 5, Mặt trận 479 Campuchia. Mặc dù chỉ tham gia chiến đấu tại chiến trường K từ năm 1978 - 1980, thời gian chiến đấu không dài, nhưng giống như những người đã từng vào sinh, ra tử tại chiến trường Campuchia. Với tôi, đó là những tháng ngày không thể quên!

Theo lời kể của ông Điền: Ðến năm 1980, ông được đơn vị cử về nước và được đào tạo cán bộ nguồn cho quân đội. Sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Tăng - thiết giáp, ông tiếp tục cống hiến trong quân đội với nhiều vai trò, vị trí khác nhau, sau đó ông chuyển ngành công tác tại một số cơ quan đơn vị của tỉnh Sơn La, đến năm 2018 được nghỉ hưu. Khoảng thời gian nghỉ hưu, có thời gian và những ký ức về một thời lính chiến lại bùng lên mãnh liệt, để ông viết cuốn hồi ký “Rừng khộp mùa thay lá”, ra đời vào năm 2019.

Hồi ký “Rừng khộp mùa thay lá” - kể về những câu chuyện, những điều mắt thấy tai nghe của người lính. Bắt đầu từ những kỷ niệm khi lần đầu tiên “Khoác súng lên vai”, những lần hành quân tronng mùa khô, cũng là mùa rừng khộp thay lá, được ví như những cuộc viễn chinh trên sa mạc, bởi cái nắng đổ lửa và khan hiếm nước khiến nhiều chiến sĩ bị ngất vì khát và kiệt sức và những trận chiến không khoan nhượng, mở màn của trung đoàn 174 là trận đánh chiếm tỉnh lỵ Kratie vào lúc 5 giờ chiều ngày 28/12/1978. Đây là trận đánh trong một chiến dịch lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam đập tan các sư đoàn chủ lực của Pôn Pốt, tiến vào giải phóng và đất nước Campuchia. Hay những trận đánh ác liệt, ở những địa danh in đậm dấu ấn trong lịch sử như: hồ Ampil, phum Khvav, ngã tư xương máu, ngã ba con voi, Cao Melai, Cro Lanh, Pailin…

Hồi ký "Rừng khộp mùa thay lá".

Hồi ký "Rừng khộp mùa thay lá".

Ở những nơi đó, biết bao chiến sĩ đã hy sinh, tới giờ tác giả vẫn không quên. Bằng góc nhìn của người trong cuộc, Nguyễn Vũ Ðiền khắc họa sự mất mát, đau thương của chiến tranh và cảm nhận, tâm tình của người lính một cách chân thực, chi tiết, gần gũi mà không tô hồng hay sáo rỗng. Xen kẽ sự ác liệt của cuộc chiến, là những phút giây nghỉ ngơi, vui đùa của những người lính trẻ, những tình cảm chân thành của người dân đất Campuchia dành cho bộ đội Việt Nam…và Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp sức giúp đất nước Campuchia, dân tộc Khmer hồi sinh.

Bên cạnh ý nghĩa lịch sử được tái hiện lại một cách chân thực nhất, cuốn hồi ký còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Thiếu tá Điền bồi hồi: Tôi có lẽ là một trong số ít người viết văn có cơ hội được dự đám giỗ của chính nhân vật trong hồi ký mình viết. Người tôi nhắc đến ở đây là Đại đội trưởng Ngô Xuân Sào, quê ở xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Sau bao năm lặn lội kiếm tìm, nhờ đồng đội cũng như mạng xã hội, cuối cùng, tôi và đồng đội tìm được địa chỉ người liệt sĩ chỉ huy. Tại đám giỗ, người thân của liệt sỹ đều truyền nhau đọc cuốn sách “Rừng khộp mùa thay lá”. Khi ấy, người thân Đại đội trưởng Ngô Xuân Sào mới được biết, người Anh hùng ấy hy sinh anh dũng ra sao. Vì trong giấy báo tử, chỉ ghi mỗi dòng: “Hy sinh tại mặt trận Tây Nam”.

Hay như ông Phạm Xuân Nguyên, ở Hà Nội, cùng là sinh viên Trường Đại học tổng hợp Hà Nội đi lính với ông Nguyễn Vũ Điền chia sẻ trong cuốn hồi ký: Tôi và Điền cùng huấn luyện tại một đơn vị ở Phủ Lý và Kim Thanh (Hà Nam Ninh ngày ấy, Hà Nam bây giờ), sau đợt huấn luyện, Điền thành lính chiến, tôi làm "lính cậu". Đọc cuốn hồi ký này của Điền, tôi rùng mình đau đớn bởi sự khủng khiếp của chiến trận mà đồng đội mình phải trải qua. Tôi có người em trai nhập ngũ triến trường K sau Điền 4 năm, hy sinh khi chỉ 20 tuổi. Qua những gì Điền kể lại, tôi càng thương em mình và những người lính chiến. Tôi gửi lại đây những câu thơ tôi viết cho em, cùng các đồng đội: Sinh hai bảy tháng bảy/Năm một chín sáu tư/Năm tám hai vào lính/Hy sinh năm tám tư... Em như bao người lính/Chết trận cho nước mình/Ở trong cõi vô hình/Nhưng không hề vắng mặt...

Dù ở thời bình hay thời chiến, bằng tài năng và trải nghiệm của mình, Thiếu tá Nguyễn Vũ Điền đã và đang được xem là nhà văn của những người lính, khi mang đến những tác phẩm xuất sắc, gợi nhớ về quá khứ hào hùng. Hồi ký “Rừng khộp mùa thay lá” của Thiếu tá Nguyễn Vũ Điền đã vinh dự đoạt giải Khuyến khích, thể loại sách của Hội đồng giải thưởng về thông tin đối ngoại năm 2020; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng giải thưởng văn học nghệ thuật báo chí 5 năm (2014 -2019)...

Trung Hiếu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/rung-khop-mua-thay-la--trong-hoi-ky-nguoi-linh-49282