Rừng trồng trên đất dốc dễ gây sạt lở lớn

Theo GS. Đỗ Minh Đức, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, dấu hiệu tiên quyết của trượt lở/lũ bùn đá là xuất hiện các khe nứt lớn tách trên sườn dốc. Vì vậy, cần thường xuyên rà soát thủ công hoặc bằng flycam.

Xây dựng bản đồ vùng nguy cơ cao

Cần lưu ý đến cả những khu vực trồng rừng sản xuất, những khu vực có hoạt động xây dựng như công trình giao thông, làm đường dây tải điện.

GS.TS Đỗ Minh Đức, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội

GS.TS Đỗ Minh Đức, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội

“Hiện tượng phát triển rừng sản xuất, trồng cây keo lai ở vùng đất dốc dẫn đến nguy cơ hình thành khối trượt quy mô lớn, đặc biệt là ở miền Trung”, GS Đức nói. Ông đề xuất để phòng tránh lũ bùn đá, cần rà soát thường xuyên hệ thống sông suối, thành lập các tổ đội xung kích, nếu phát hiện cây cối đất đá lấp dòng chảy cần nhanh chóng khai thông.

Giải pháp căn cơ hơn, theo GS Đức, cần xây dựng hệ thống bản đồ, từ đó khoanh định các khu vực có rủi ro cao với các loại hình trượt lở, lũ quét khác nhau. Tuy nhiên, ông Đức lưu ý, nếu chỉ có bản đồ tai biến địa chất thì không thể tính toán được tác động của thiên tai. Cần phải kết nối bản đồ tai biến này với các thông tin về dân cư, hạ tầng trong khu vực. Trên cơ sở đó, xây dựng được kịch bản ứng phó khi xảy ra sự cố.

Các nhà khoa học cho rằng, việc cảnh báo mưa cực đoan là rất quan trọng. Theo GS. Đức, mạng lưới đo mưa ở Việt Nam tăng nhanh trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đủ dày. Những xã trọng điểm có nguy cơ cao nên có ít nhất một trạm đo mưa, đồng thời cần nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo nguy cơ mưa lớn cực đoan trong phạm vi hẹp. Bên cạnh đó, cần thiết lập hệ thống quan trắc chuyên sâu về ổn định mái dốc, nâng cao độ chính xác công tác dự báo qua ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

Bảo vệ rừng tự nhiên

GS. Đức đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề truyền thông hiệu quả cho người dân trong vùng nguy cơ cao. “Khi chúng tôi làm việc với người dân và chính quyền địa phương nhận thấy, việc truyền thông cực kỳ quan trọng để người dân sống ở vùng nguy cơ có thể hiểu, nắm bắt và thực hiện được các kịch bản ứng phó”, ông nói.

Một số giải pháp lâu dài khác được các chuyên gia đề cập như bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn; xây dựng quy trình, hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi, thủy điện trong vùng có rủi ro trượt lở, có xét đến thiên tai cực đoan trong biến đổi khí hậu.

NG. HOÀI

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/rung-trong-tren-dat-doc-de-gay-sat-lo-lon-post1678670.tpo