Tảo Sargassum, còn gọi là tảo mơ, là loại tảo lớn màu nâu vàng, nổi thành từng khối lớn trên mặt biển và tạo nên hệ sinh thái độc đáo và thường được ví như " rừng vàng" giữa đại dương. Với tốc độ phát triển từ 2-3 cm mỗi ngày, tảo mơ có thể dài thêm hơn 20 mét mỗi năm, bao phủ diện tích rộng lớn tương đương tổng diện tích của Pháp và Tây Ban Nha. (Ảnh: ANGARI Foundation)
Tảo Sargassum tạo môi trường sống cho nhiều loài sinh vật biển như rùa, cua, cá và chim. Đặc biệt, cá chình châu Âu và cá voi di cư qua đây trong hành trình vượt đại dương.(Ảnh: Turtle Island Restoration Networ)
Biển Sargasso, được đặt tên theo loài tảo này, là ví dụ điển hình về tầm quan trọng sinh thái của chúng.(Ảnh: Sea Education Association)
Biển Sargasso không có đường bờ bao quanh, được xác định bằng dòng hải lưu. Vùng biển này có đặc điểm lặng sóng quanh năm, với dòng chảy yếu và ít sự pha trộn giữa các tầng nước, khiến quá trình tái tạo chất dinh dưỡng diễn ra rất chậm.(Ảnh: AllerVie Health)
Mặc dù có lợi cho sức khỏe của đại dương với số lượng vừa phải, tảo Sargassum phát triển quá mức có thể gây hại. Chúng chắn ánh sáng mặt trời, làm khó khăn cho việc di chuyển và hô hấp của sinh vật biển, gây thiếu oxy trong nước và ảnh hưởng xấu đến các loài khác.(Ảnh: Acme Environmental)
Khi tảo mơ chết và chìm xuống đáy biển, chúng có thể gây hại cho các rạn san hô và cỏ biển. Các đám tảo chết dạt vào bãi biển với số lượng lớn, tạo ra khí hydro sunfua có mùi khó chịu như trứng thối, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân ven biển và tác động tiêu cực đến ngành du lịch và môi trường.(Ảnh: UF Water Institute)
Các thủy thủ đoàn từ lâu đã cảm thấy khiếp sợ khi gặp phải khối tảo Sargassum. Columbus từng nhắc tới chúng trong nhật ký thám hiểm từ năm 1492 khi tàu Santa Maria mắc kẹt giữa đại dương trong 3 ngày. Nguy cơ tảo biển mắc vào tàu và kéo xuống nước khiến các thủy thủ dù dày dạn kinh nghiệm cũng phải lo sợ.(Ảnh: Marlin Magazine)
Tảo Sargassum là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái đại dương, cung cấp nơi sống và thức ăn cho nhiều loài sinh vật. Tuy nhiên, sự phát triển quá mức của chúng có thể gây hại đến môi trường biển và con người. Việc quản lý và kiểm soát tảo Sargassum là cần thiết để duy trì cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường biển.(Ảnh: NOAA CoastWatch)
Mời quý độc giả xem thêm video: Bắt gặp bạch tuộc “có tai” dưới đáy đại dương: Loài cực hiếm.
Thiên Trang (TH)