Rượu tết của mẹ

Rượu được làm từ cơm nên người quê tôi gọi là cơm rượu. Riêng tôi, tôi gọi món này là rượu tết của mẹ. Tại nhà tôi, phải tới tết cả nhà mới được thưởng thức món nồng nàn này. Không quá khó, không quá tốn kém cho món rượu ba trong một (ngon - bổ - rẻ) nhưng vẫn xa xỉ với một gia đình nông dân đông con nên dù có thèm cũng phải đợi tết.

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

Nhớ hồi đó, những ngày cận tết, chị em thắc thỏm ngó chừng, nếu đỏ mắt mà vẫn chưa thấy mẹ rục rịch thì sẽ rón rén nhắc, sợ mẹ quên “món nồng nàn”, sợ niềm vui tết sẽ không… trọn vẹn.

Mẹ đang bận rộn đồng áng mà con gái cứ mè nheo cơm rượu thì “hét”: Một bầy con gái ghiền rượu nếp giống cha, ổng đẻ tụi bây chớ không phải mẹ. Mắng yêu dễ thương gì đâu á. Nói thì nói vậy chứ đằng nào mẹ cũng thu xếp làm rượu nếp, vì theo quan điểm của ba: Tết mà nhà không có rượu nếp thì tết chỉ đến một nửa. Thiệt! Không nói quá đâu. Với nhà tôi, mùi rượu nếp nồng ấm của mẹ là hương vị của mùa xuân.

Nhớ ngày đó, nhà tôi ăn tết giản đơn lắm. Mâm cơm tết nhà nghèo không có lon bia ướp lạnh bày trên cỗ bàn cùng thịt thà nem chả mà chỉ là chiếc nia to bỏ dưới đất.

Trên nia bày đĩa thịt ba chỉ luộc, tô canh khoai từ, đĩa măng xào và rau sống. Chỉ có vậy. Rồi mỗi người một chiếc đòn, ngồi quây quanh. Điều đặc biệt nhất là bên chén cơm của mỗi thành viên sẽ có một chiếc ly nhỏ rượu nếp. Nhỏ lắm, mẹ giới hạn chỉ được uống hoặc ăn một ly cơm rượu trước bữa ăn thôi.

Bữa cơm tết được bắt đầu bằng ly cơm rượu - dù đạm bạc, dù còn thua bữa cơm thường ngày của nhà giàu nhưng cả nhà tôi vui vẻ và ngon miệng như được thưởng thức một bữa ăn sang cả. Tôi hỏi mẹ, ai đã nghĩ ra món rượu chân quê này. Mẹ nói không biết. Hồi nhỏ mẹ được ngoại dạy, sau tự làm.

Rồi mẹ phấn chấn: Tụi bây thích quá thì mẹ dạy cho, mai mốt làm cơm rượu cho chồng con thưởng thức. Dạ, con sẽ học. Cơm rượu thì sao không thích cho được. Hương rượu, hương nếp quyện vào nhau, nồng nàn thơm ngọt. Cầm chén cơm rượu trên tay, tôi thấy như mùa xuân dậy hương, đậm đà ngây ngất.

Tôi thích ngắm ba mình lúc ông nâng lên ly rượu nếp. Lần nào thấy ba chậm rãi, khề khà nhấp môi như đang trân quý, đang thưởng thức từng giọt thơm nồng tinh túy của hạt nếp quê hương, tôi đều nghĩ đó không phải uống mà là thưởng rượu. Và tôi trêu: Uống rượu nếp mà ba làm như đang được uống rượu thần không bằng. Ba tôi sẽ cười: “Rượu thần” của mẹ tụi bây là hảo hạng. Vậy là cả nhà cùng cười, chị Hai trêu ba rất biết nịnh vợ.

Vậy đấy, bữa cơm tết nhà tôi ăm ắp tiếng cười, bắt đầu bằng “ly nồng nàn” của mẹ (nói theo cách của chị Hai). Tôi hoàn toàn tâm đắc với cách gọi này. Hương vị chân quê đã tạo nên một món quê độc đáo. Tôi còn nghĩ, rượu nếp đã có công nâng hạt nếp của người nông dân một nắng hai sương lên tầm… ngây ngất.

Ly rượu như thâu tóm hương đồng gió nội, thâu tóm hết chất quê, tình quê - mộc mạc mà đằm thắm, dung dị mà nồng nàng. Ly rượu làm nức lòng người quê, làm mẩn mê nỗi lòng người xa xứ. Viết tới đây tự nhiên thấy cay mắt. Tôi đã hứa với mẹ sẽ học nhưng cho tới tết này, mẹ tôi đã quá già để làm cơm rượu, còn tôi đã qua bốn mươi mùa mai nở nhưng chỉ thuộc công thức chứ chưa một lần tự tay làm rượu nếp vào mùa xuân.

Cơm rượu dễ làm, không cầu kỳ, khéo một chút sẽ ngon. Nguyên liệu chỉ cần nếp và men. Nếp làm rượu phải là thứ nếp rặt, không lẫn gạo tẻ. Nếp vo sạch để ráo nước, cho vào ít muối xóc đều rồi nấu thành cơm, chú ý để cơm không khô cũng không được nhão. Khi cơm chín, lấy đôi đũa đánh cho hạt nếp rời ra, sau đó trải đều lên mâm thành lớp.

Đợi đến lúc cơm chỉ còn âm ấm thì dùng lòng bàn tay đè nhẹ xuống mặt mâm thành bánh rồi phủ đều một lớp mỏng men ngọt giã nát. Xong mặt này lại lật mặt kia lên làm tương tự. Khâu cuối cùng là nhẹ nhàng cắt bánh cơm thành từng miếng vuông, hoặc vo tròn, xếp chồng lên nhau trong thẩu thủy tinh, bên trên ủ kín lớp lá chuối. Thường trời nóng thì khoảng sau 3-4 ngày mở nắp kiểm tra, nếu nước cơm đạt tới độ vàng sánh, có vị ngọt thơm thì dùng được.

Khi cơm rượu đã nồng nàn, một nửa mẹ vắt lấy nước làm rượu, gọi là rượu nếp. Phần còn lại giữ nguyên, gọi là cơm rượu - chị em tôi thích mê món này. Cơm rượu làm dễ, làm nhanh nhưng ăn phải chậm. Món này không dành cho người ăn vội. Nhâm nhi và thưởng thức mới thấy hết vị ngon của hương đồng gió nội. Phong vị tết quê như dồn hết vào ly rượu nồng nàn, dân dã.

Nhớ có một năm, mùng một tết ba mẹ về nội, ngoại chúc tết. Tôi và con Út đã lớn, không thể theo xe nên quanh quẩn trông nhà. Ở nhà, hai chị em lén lấy thẩu rượu nếp mẹ cất trên cao thưởng thức. Một chén nho nhỏ thôi, đó là chỉ tiêu của mẹ - con Út nhắc khẽ. Tôi cổ vũ, không sao, còn nhiều mà.

Rượu nếp thơm ngon khó cưỡng, hai chị em ăn tới, kết quả mặt đỏ ửng, mắt lờ đờ, nặng trĩu rồi lăn ra ngủ hồi nào không hay biết. Hôm đó ba mẹ đi chơi về, thấy hai chị em ôm nhau ngủ, sự hơi lạ nhưng nhìn hiện trường thì mẹ biết hai nàng đã say mèm. Sau này, mỗi dịp cả nhà quây quần bên mâm cơm tết, mẹ hay ôn lại kỷ niệm hai chị em uống nửa thẩu rượu nếp rồi ngủ lộn đầu lộn đuôi. Câu chuyện chỉ vậy nhưng lần nào kể cả nhà cũng cười nghiêng ngả.

***

Cơm rượu là món rượu tết gia truyền của gia đình tôi. Mẹ khẳng định rượu này hoàn toàn vô hại với cơ thể, đã vậy còn hỗ trợ nhiều cho vị giác, tiêu hóa. Vì ý niệm đó mà tết nào mẹ cũng cố gắng làm cơm rượu. Vừa để nhà dùng vừa để đãi khách. Và còn trăn trở, vận động các con “học nghề”.

Bây giờ, tết nhất thịt thà, bia rượu đủ đầy các kiểu nhưng khách tới thăm nhà, tôi vẫn không quên giới thiệu đặc sản… cơm rượu. Và bằng niềm tự hào lộ liễu, tôi khoe tết nào chị Hai mình cũng làm cho các em mỗi đứa một thẩu cơm rượu và dặn đừng bia bọt nhiều, không tốt - lời chị giống y lời mẹ những ngày xưa...

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/292596/ruou-tet-cua-me.html