Rút kinh nghiệm từ bão số 3 để ứng phó hiệu quả hơn với thiên tai

Bão số 3 (tên quốc tế Yagi) là cơn bão lịch sử với cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, gây mưa lớn tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, gây hậu quả rất nặng nề về người và tài sản, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân. Cơn bão này cũng để lại những bài học lớn về công tác dự báo, phát huy tinh thần '4 tại chỗ' trong ứng phó với thiên tai (TT), về tổ chức, chỉ đạo phối hợp liên ngành phòng, chống TT...

Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Quảng Ninh tích cực phối hợp với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn người dân bị mất tích trên biển do bão số 3. Ảnh: Bình Phương

Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Quảng Ninh tích cực phối hợp với các lực lượng tìm kiếm cứu nạn người dân bị mất tích trên biển do bão số 3. Ảnh: Bình Phương

Việc khắc phục hậu quả bão số 3 tốn kém và kéo dài nhiều năm

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn với 6 đặc điểm chưa có tiền lệ như: Cường độ bão tăng rất nhanh (trong 48 giờ, cường độ bão tăng 8 cấp), khi đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, gió vùng tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17. Bão duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền. Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài (12 giờ). Hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố).

Do mưa lớn, khu vực Bắc Bộ xuất hiện lũ lớn, đặc biệt lớn diện rộng (hầu hết các sông vượt báo động 3), trong đó, lũ lịch sử xuất hiện trên 7 tuyến sông: Sông Thao, sông Đáy, sông Cầu, sông Ninh Cơ, sông Kinh Môn, sông Gùa, sông Trà Lý. Tại Hà Nội cũng ghi nhận mực nước sông Hồng cao nhất trong 20 năm gần đây. Mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng...

Thống kê cho thấy, đây là một trong những đợt TT nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong rất nhiều năm qua ở khu vực Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình TT đặc biệt nguy hiểm như bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng. TT đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.

Thực tế, công tác phòng, chống bão số 3 đã được triển khai tích cực, kịp thời, huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân vào cuộc, phát huy "4 tại chỗ". Lực lượng Quân đội, Công an đã huy động gần 300.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và hàng ngàn phương tiện tham gia hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ.

Lực lượng chức năng đã kịp thời thông tin, hướng dẫn cho trên 51.000 tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển tránh trú bão; triển khai trên 180 triệu lượt tin nhắn cung cấp thông tin bão, lũ cho người dân; tổ chức sơ tán, di dời trên 173.000 người trên các lồng, bè, chòi canh nuôi thủy hải sản và những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Tuy nhiên, thiệt hại do bão số 3 vẫn rất lớn. Tính đến ngày 27/9, bão, mưa lũ đã làm 344 người chết và mất tích, gần 2.000 người bị thương; trên 260.000 căn nhà, 1.900 điểm trường bị tốc mái, hư hại, sập đổ, lũ cuốn; hàng loạt công trình hạ tầng năng lượng, viễn thông, giao thông, thủy lợi, đê điều bị sự cố; gần 350.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 8.100 lồng bè, 31.000ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; trên 4,5 triệu con gia súc, gia cầm bị chết...

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc khắc phục hậu quả bão số 3 tốn kém, kéo dài nhiều năm và có những mất mát không bao giờ bù đắp được, đó là thiệt hại về người thiệt mạng và mất tích; sang chấn tinh thần của một bộ phận nhân dân còn kéo dài và hậu quả khó lường.

Những bài học kinh nghiệm

Việc triển khai ứng phó với bão số 3 đã để lại những bài học kinh nghiệm quý giá cho công tác phòng chống TT. Mặc dù là cơn bão rất mạnh đổ bộ vào nước ta, song công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, các lực lượng, đặc biệt là lực lượng vũ trang, lực lượng xung kích phòng, chống TT ở cơ sở... nên đã phần nào giảm thiểu được thiệt hại.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn sát cánh cùng nhân dân trong ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: Nguyễn Hà

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn sát cánh cùng nhân dân trong ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: Nguyễn Hà

Việc vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương, đồng thời phát huy vai trò lực lượng xung kích cơ sở là hết sức cần thiết, cùng với vai trò, kinh nghiệm, sự hiểu biết về TT của người đứng đầu có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại do TT trên địa bàn, nhất là đối với khu vực miền núi có địa hình dễ bị chia cắt.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, một trong những bài học rút ra là chính quyền các cấp và người dân chủ động trong ứng phó, phát hiện nguy cơ và kịp thời di dời, sơ tán khỏi các khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đã giúp giảm thiểu thiệt hại về người. Điển hình như anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã phát hiện và vận động cả thôn 115 người sơ tán đến nơi an toàn, tránh được thiệt hại do sạt lở đất. 142 giáo viên và học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông số 3, xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã sơ tán đến nơi an toàn trước khi cả quả đồi sạt xuống.

Một bài học kinh nghiệm khác là các ngành, các cấp phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chỉ đạo của cấp trên, tình hình thực tế để chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Coi trọng công tác thông tin truyền thông về tình hình thực tế và hướng dẫn, phổ biến kỹ năng ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ. Đồng thời huy động mọi nguồn lực của xã hội, bạn bè quốc tế cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả TT.

Để khắc phục hậu quả bão số 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, các ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện và 6 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ. Thủ tướng kêu gọi phát huy tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai"; những nơi không bị ảnh hưởng như miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam làm bù lại cho những nơi tại miền Bắc bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão lũ, phấn đấu tăng trưởng cao hơn, đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao hơn. Tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2024, năm 2025 và của cả nhiệm kỳ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính rà soát, đề xuất kinh phí hỗ trợ các địa phương từ nguồn ngân sách dự phòng. Bộ Tư pháp cùng các bộ liên quan rà soát, hoàn thiện thể chế, mà cụ thể là các nghị định, thông tư có các quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp để khắc phục hậu quả bão lũ, hoàn thành trong tháng 10/2024. Bộ Quốc phòng và các cơ quan hoàn thiện các tổ chức, nguồn nhân lực theo Luật Phòng thủ dân sự.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/rut-kinh-nghiem-tu-bao-so-3-de-ung-pho-hieu-qua-hon-voi-thien-tai-post481696.html