S-400: Cơ hội cuối cùng để Mỹ lật ngược tình thế trước Nga
Việc Nga bàn giao các thành phần của tổ hợp phòng không S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ và quyết định của Mỹ ngừng cung cấp tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả có thể dẫn đến một chuỗi đổ vỡ khiến Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi NATO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tiến tới gần hơn một chiến thắng ngoại giao lớn trong nỗ lực chia rẽ khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc Nga bàn giao các thành phần của tổ hợp phòng không S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ và quyết định của Mỹ ngừng cung cấp tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ để đáp trả có thể dẫn đến một chuỗi đổ vỡ khiến Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi NATO, chuyên gia Hans Binnendijk làm việc tại Hội đồng Atlantic viết trên Defense News.
Theo ông Binnendijk, giờ vẫn còn cơ hội để Mỹ lật ngược tình thế trước Nga.
Tranh cãi hiện tại có thể dễ dàng leo thang. Nga đã đề nghị bán tiêm kích Su-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thay thế tiêm kích F-35 mà Mỹ không giao cho nước này. Căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng khi Ankara lần nữa đe dọa tấn công các đơn vị người Kurd ở Syria - lực lượng đã hỗ trợ phương Tây trong cuộc chiến chống khủng bố IS.
Các thượng nghị sĩ Mỹ hàng đầu đã yêu cầu Tổng thống Donald Trump trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Thổ Nhĩ Kỳ có thể trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách cấm Mỹ sử dụng các căn cứ không quân, cơ sở radar, khu cảng và các cơ sở thu thập tình báo. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ muốn đáp trả các đồng minh của Mỹ - những lực lượng ủng hộ lập trường của Mỹ về vấn đề S-400, Ankara có thể dễ dàng mở dòng người tị nạn về phía bắc.
Lo ngại chính của Mỹ
Những lo ngại chính của Mỹ về bảo vệ công nghệ F-35 là hợp lý và cũng là lo ngại chung của các thành viên tham gia dự án phát triển máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Những lo ngại này xuất phát từ ba lý do:
Thứ nhất, nếu radar của S-400 có thể theo dõi liên tục máy bay F-35 khi cả hai khí tài này hoạt động gần nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ, Nga có thể xác định tốt hơn các dấu hiệu đặc thù của F-35 và làm giảm lợi thế tàng hình của máy bay này.
Thứ hai, F-35 được coi là một “máy tính biết bay”. Nếu F-35 kết nối với các máy tính vận hành S-400, những lợi thế kỹ thuật số của F-35 sẽ bị tổn hại. Nếu một quốc gia sở hữu cả hai hệ thống này thì sẽ rất khó để chặn sự liên kết giữa các máy tính như vậy. Các chuyên gia kỹ thuật của Nga hỗ trợ vận hành S-400 chắc chắn sẽ cố gắng thu thập thông tin về khả năng của F-35.
Và thứ ba, nếu S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ được kết nối với các radar phòng không của NATO, Nga sẽ không khác gì người trong cuộc và có thể nhìn thấu các hệ thống tình báo, giúp nước này phát triển các giải pháp khắc chế.
Các đối tác khác của Mỹ như Saudi Arabia, Qatar và Ấn Độ cũng đang theo đuổi việc mua S-400, vì vậy hậu quả tiềm ẩn nói trên có thể xảy ra trên toàn thế giới.
Sự chênh lệch giá cả và khác biệt quan điểm chia sẻ công nghệ đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ từ chối đề nghị bán hệ thống Patriot của Mỹ và mở ra cơ hội cho Tổng thống Putin bán S-400.
Thổ Nhĩ Kỳ làm gì để sửa lỗi?
Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một đồng minh quan trọng của NATO. Không chỉ là quốc gia có vị trí địa chiến lược cho quân đội Mỹ thực hiện sứ mệnh, Thổ Nhĩ Kỳ còn có quân đội lớn thứ hai trong NATO. Do đó, một cuộc chia tay giữa cả hai sẽ là thảm họa cho liên minh phương Tây.
Về phần mình, Tổng thống Erdogan cũng đang tìm cách làm giảm đi những lo ngại của Mỹ về thương vụ S-400. Các bản sửa lỗi kỹ thuật để S-400 trở nên ít nguy hiểm hơn đã được xem xét nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đề nghị cùng Mỹ thành lập nhóm làm việc chung để xử lý các lo ngại tiềm năng của Mỹ đối với S-400 nhưng Mỹ phớt lờ.
Trong quá khứ, các điều chỉnh kỹ thuật đã tạo ra sự khác biệt trong các tình huống khác nhau.
Ví dụ, cả chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Ronald Reagan đều đề xuất bán máy bay F-15 và các hệ thống cảnh báo sớm trên không tương ứng cho Saudi Arabia. Tuy nhiên, thương vụ chỉ được hoàn thành sau khi một loạt các điều chỉnh kỹ thuật được thực hiện để bảo vệ an ninh của Israel.
Những chiếc F-15 bán ra được giới hạn về phạm vi, nhiệm vụ và triển khai hoạt động một cách nghiêm ngặt.
Với lý do trên, chuyên gia Binnendijk cho rằng giải pháp như vậy đáng để Mỹ thử thêm một lần nữa để xem liệu một loạt các điều chỉnh kỹ thuật có thể cải thiện các hậu quả tiêu cực và thậm chí lật ngược tình thế với Nga hay không.
Các thành viên châu Âu khác tham gia trong chương trình F-35 có thể cùng tham gia thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý. Trong đó, kế hoạch sẽ được tiến hành như sau:
- Có thể trì hoãn bàn giao F-35 cho tới khi tất cả kỹ thuật viên S-400 của Nga rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Người Nga có một năm để cung cấp cho người Thổ Nhĩ Kỳ một số khóa huấn luyện cơ bản.
- Thỏa thuận được “NATO hóa” khi các nhân viên của NATO từ nhiều quốc gia sẽ vận hành S-400.
- S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị cấm vận hành vào bất cứ khi nào F-35 bay trong phạm vi hoạt động của radar S-400.
- S-400 có thể bị ngắt kết nối với mạng lưới phòng không của NATO và các máy tính của F-35. Điều này sẽ khiến S-400 trở thành hệ thống phòng không kém hiệu quả hơn nhiều nhưng âu đó cũng là cái giá mà ông Erdogan cần phải trả.
- Mỹ có thể mang đến những điều kiện ưu ái hơn nữa trong việc bán hệ thống Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ, giúp người Thổ Nhĩ Kỳ có một lựa chọn tốt hơn.
- Thổ Nhĩ Kỳ có thể đồng ý cho phép NATO khai thác S-400 để hiểu rõ hơn về khả năng của hệ thống này.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý những điều kiện như trên, nước này vẫn có thể có được F-35 lại có thể tránh được sự rạn nứt trong NATO.