Sa Ná tan hoang sau lũ dữ
Gần 200 người sinh sống bên dòng sông Luồng đang say giấc thì nước từ trên thượng nguồn đổ về. Có gia đình leo lên mái nhà, nhà trôi, họ ôm nhau trước khi cùng mất hút vào dòng nước.
Đến chiều 5-8, lực lượng chức năng trong lúc khắc phục hậu quả mưa lũ từ bão số 3 đã tìm được thi thể chị Lò Thị Quạm (bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa). Đây là một trong số hàng chục người chết và mất tích khi cơn lũ dữ kéo qua bản vào rạng sáng 3-8.
Tai họa ập xuống lúc mọi người say ngủ
Trong ngày 5-8, tại huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đã ngớt mưa nhưng vẫn còn bảy bản thuộc các xã Na Mèo, Sơn Điện, Sơn Thủy bị cô lập với bên ngoài. Cạnh đó, ba bản thuộc xã Mường Chanh của huyện Mường Lát cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Trên đường vào bản Sa Ná (xã Na Mèo), do nước sông Luồng vẫn chảy xiết, chúng tôi phải qua xuồng máy từng người một, sau đó đi bộ đường rừng khoảng 4 km. Đến nơi, chứng kiến cảnh hoang tàn sau lũ, nhiều người không khỏi chạnh lòng xót xa.
Trưởng bản Sa Ná Nguyễn Xuân Phương cho biết lũ đổ về rất bất ngờ khiến người dân không kịp trở tay. Khi 75 hộ dân với gần 200 người sinh sống bên dòng sông Luồng này đang say giấc thì nước từ trên thượng nguồn đổ về, hàng chục ngôi nhà gần như ngay lập tức bị xóa, nhiều ngôi nhà khác cũng bị hư hỏng, sụp đổ với những mức độ khác nhau và 12 người mất tích do bị vùi trong sóng nước.
Ngoài chị Lò Thị Quạm vừa được tìm thấy, trong số những người mất tích thì gia đình anh Hà Văn Vân có sáu người bị cuốn trôi cùng tài sản, gồm cha mẹ, chị, vợ và hai con trai. Sau nhiều ngày tìm kiếm và chờ đợi trong mòn mỏi, ánh mắt của người đàn ông đã đục ngầu vì mất ngủ và cạn dần tia hia vọng. Đêm kinh hoàng ấy (3-8), khi đất đá bắt đầu theo lũ dồn vào nhà, mọi người hò nhau ra dọn, tuy nhiên lúc sau thì nước dồn ầm ầm, sáu người trong gia đình vội leo lên mái nhà. Rồi nước dâng, họ ôm nhau trên mái nhà trôi một đoạn xa trước khi mất hút.
Anh Vân kể trước đó anh tạm biệt gia đình về TP Thanh Hóa làm thuê kiếm sống, mới làm được một buổi chiều thì nhận tin tai họa nên tức tốc trở về. Do nước sông dâng cao, đi đường rừng thì nước suối chảy xiết nên dù lòng như lửa đốt, rất muốn nhanh nhưng vẫn đành ngủ lại một bản. “Khi nhận được tin báo của gia đình, tôi không tin đó là sự thật vì sáng hôm trước bố vẫn còn chở tôi đi làm. Đêm đó vợ tôi vẫn còn gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe, công việc có tốt không, ai ngờ lại xảy ra sự việc như vậy” - người đàn ông thất thần nhớ lại.
Tiếp tục tìm kiếm người mất tích
Theo ông Phạm Văn Tiện, Chủ tịch UBND xã Na Mèo, chính quyền địa phương đang huy động hơn 1.000 người là cán bộ công an, bộ đội biên phòng các ngành, đoàn thể khẩn trương tìm kiếm những người mất tích. Các phương án tìm kiếm được triển khai nhiều mũi, trong đó huy động lực lượng tìm người mất tích dọc theo sông Luồng thuộc nhiều xã là Sơn Điện, Sơn Thủy, Mường Mìn và Na Mèo.
Còn chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp phải khẩn trương khắc phục sau lũ, đồng thời ổn định cuộc sống của người dân, gấp rút tìm nơi tái định cư cho người dân Sa Ná.
Được biết theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính đến chiều 4-8, thiệt hại do bão số 3 tại các địa phương tiếp tục tăng lên. Cụ thể, hoàn lưu bão gây mưa lũ đã khiến năm người chết (Thanh Hóa ba người, Bắc Kạn một người, Điện Biên một người), làm 14 người mất tích (tập trung chủ yếu ở Thanh Hóa với 12 người, Điện Biên một người, Phú Thọ một người), làm một người ở Bắc Kạn bị thương. Cạnh đó, nhiều hecta hoa màu, gia súc bị lũ cuốn trôi, hàng ngàn mét khối đất đá bị sạt lở tại Thanh Hóa, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên. Hiện có bảy bản của huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) vẫn đang bị cô lập, chia cắt.
Lào đề nghị tìm kiếm bảy người mất tích
Chiều 5-8, UBND huyện Quan Sơn cho biết vừa nhận được công văn từ huyện trưởng huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào nhờ huyện Quan Sơn giúp đỡ tìm kiếm, cứu nạn bảy người Lào mất tích do nước lũ cuốn trôi.
Công văn do ông Phon Súc In Thạ Vông, Huyện trưởng huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào), ký nêu: Ban Thường vụ lãnh đạo huyện Viêng Xay đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn giúp đỡ, kiểm tra, xác minh và trao đổi thông tin trong việc tìm kiếm những người trên tại khu vực suối Xia (một nơi đi qua của cơn lũ). Theo đó, trong các ngày 3 đến 4-8, đội tìm kiếm cứu nạn và các cơ quan chức năng huyện Viêng Xay đã tìm kiếm dọc suối Xia đến hết địa phận biên giới Lào - Việt Nam, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm thấy bảy người có độ tuổi từ bốn tháng tuổi tới 42 tuổi mất tích… Sau khi nhận công văn, huyện Quan Sơn đã thông báo đến các đơn vị liên quan phối hợp tìm kiếm.
“Người hùng trong lũ dữ”
Trong các nạn nhân tại Sa Ná, ông Lương Văn Chon bị cuốn nhưng kịp bám vào một cành cây và gắng trụ nhiều giờ ngâm mình trong nước lớn và chờ đợi…
Khi mọi người phát hiện ông Chon thì tình thế rất hiểm nghèo bởi lúc này bao vây ông bốn bề là nước lớn. Lúc này, Phạm Bá Huy (26 tuổi, quê huyện Quan Sơn) đã dũng cảm lao ra cùng can nhựa. Được sự phối hợp của những người trên bờ, ông Chon được kéo vào an toàn.
Về phần Huy, khi chuẩn bị vào thì dây kéo bị đứt, nếu chờ đợi lực lượng cứu hộ thì có thể bị nhiễm lạnh và kiệt sức, Huy quyết định ôm can nhảy xuống bơi nương theo dòng lũ để vào bờ với quãng đường bơi hàng trăm mét trong tình trạng có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. “Nếu cho tôi lựa chọn lại lần nữa thì tôi vẫn quyết định lao xuống dòng nước lũ cứu ông Lương Văn Chon bởi ông ấy ở thế ngàn cân treo sợi tóc” - chàng thanh niên được mệnh danh là “người hùng” chia sẻ sau đó.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/sa-na-tan-hoang-sau-lu-du-850221.html