Sa thải lao động sau 35 tuổi: Tiềm ẩn mối lo an sinh xã hội
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, cạnh tranh mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp đang sa thải lao động trên 35 tuổi tiềm ẩn nhiều mối lo về an sinh xã hội.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, một số nơi có tới 80% phụ nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc với lý do chính là do cơ cấu lại sản xuất, hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt. Cũng theo kết quả khảo sát này, sau khi bị sa thải, đa phần người lao động làm công việc tự do, buôn bán, công việc nội trợ gia đình, làm ruộng và bán hàng rong. Đặc biệt, đối với lao động nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do...
Từ những số liệu trên các chuyên gia trong lĩnh vực lao động nhận định rằng, đây là vấn đề nghiêm trọng, nếu không giải quyết tốt, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động cũng như các vấn đề an sinh xã hội.
Sa thải là tất yếu?
Theo ông Phạm Minh Huân, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, thực tế hiện tượng này đang diễn ra tại một số doanh nghiệp. Tuy nhiên con số không hẳn là 35 tuổi, mà còn có thể trẻ hơn nữa, nếu như doanh nghiệp làm ăn khó khăn: “Việc sử dụng hay sa thải là do người sử dụng lao động và người lao động tự thỏa thuận với nhau. Theo cơ chế thị trường, trong quá trình sản xuất, nếu có lợi nhuận cao, doanh nghiệp có thể mở rộng sản xuất, thu hút lao động, ngược lại, khi sản xuất khó khăn, họ có thể phải thu hẹp sản xuất. Trường hợp doanh nghiệp gặp những biến động, khó khăn về thị trường phải thu hẹp sản xuất lại, lúc đó buộc họ phải sa thải lao động, không chỉ là lao động trên 35 tuổi mà còn có thể trẻ hơn nữa”.
Nói về vấn đề này, có ý kiến cho rằng đây là hành động “vắt chanh bỏ vỏ” của doanh nghiệp, không hợp lý, tuy nhiên nhìn nhận ở góc độ khác, ông Phạm Minh Huân cho rằng đây là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường: “Để đảm bảo năng suất lao động trong sản xuất, các doanh nghiệp buộc phải thường xuyên đánh giá lại lao động, lựa chọn lao động nào ở lại, lao động nào phải đưa ra”. Do đó ở một độ tuổi khi độ nhạy bén, khả năng bắt kịp khoa học công nghệ của người lao động giảm sút quá nhiều, buộc các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách sa thải để tuyển những lao động mới.
Hơn nữa,Việt Nam đang dần bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa, máy móc sẽ dần thay thế sức lao động của con người, do đó quá trình sa thải những lao động có năng suất lao động kém hơn sẽ càng diễn ra mạnh mẽ.
Đào tạo nghề cần linh hoạt
Nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân nhìn nhận, nền kinh tế thị trường tạo ra nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và người lao động, song cũng tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro khó tránh. Việc sa thải lao động ngoài 35 tuổi để đảm bảo tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp là một minh chứng.
Do đó, ông Huân cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người lao động cần có những chuẩn bị cần thiết trước “cú sốc” này. Việc lao động trên 35 tuổi bị sa thải, sẽ tác động không nhỏ đến xã hội. Khi phần lớn họ đều là những lao động phổ thông, không qua đào tạo, nên sẽ rất khó tìm những công việc khác sau khi chấm dứt quan hệ lao động với doanh nghiệp. Hơn nữa, tại nhiều địa phương hiện nay, người dân đã bỏ ruộng, chuyển đổi dần sang lao động trong khu vực công nghiệp, do đó, nếu mất việc, khi không còn ruộng đất cũng sẽ đặt ra bài toán khó cho các địa phương. Do đó, vấn đề cần bàn là làm sao để ngăn chặn tình trạng sa thải lao động cũng như tạo ra việc làm cho lao động khi thất nghiệp.
Theo báo cáo mới đây của Bộ LĐ-TB-XH, trong quý 2/2017, cả nước có 218.999 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tuy nhiên, chỉ có 8.836 người, (chiếm 4,0% so với tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp) có quyết định hỗ trợ học nghề. Số người chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề trong quý 2 là 153 người, tương đương 1,7% số người thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề.
Từ những con số trên, ông Huân nhận thấy, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng nghiên cứu các chính sách hỗ trợ học nghề cho người lao động khi mất việc làm: “Cần có những hệ thống tái đào tạo để người lao động sớm có việc làm mới, các trung tâm hỗ trợ dịch vụ cũng cần nỗ lực đưa ra các cách để giúp những người thất nghiệp trở lại với thị trường lao động. Về phía doanh nghiệp, ta không thể ép buộc họ sử dụng những lao động khi năng suất lao động giảm mạnh, chỉ có cách khuyến khích, đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động dài hạn, giảm thiểu tình trạng này”.
Ngoài ra, ông Phạm Minh Huân cũng cho rằng hệ thống đào tạo nghề cũng cần có những thay đổi linh hoạt để thích ứng và đáp ứng được sự thay đổi của xã hội, đào tạo ra những nhân lực chuyên sâu một ngành nghề, nhưng vẫn có hiểu biết đa ngành.
“Về phía người lao động bao giờ cũng mong muốn có việc làm ổn định, làm việc suốt đời như trong khu vực nhà nước. Song trong cơ chế thị trường như hiện nay, người lao động sẽ phải thay đổi tâm lý, chuẩn bị sẵn sàng những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để khi doanh nghiệp bất khả kháng phải sa thải, người lao động vẫn có thể tự tìm việc cho mình”, ông Huân nói.
Bộ LĐ-TB-XH sẽ xem xét sửa đổi Luật lao động
Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH): “Việc sa thải này theo phản ánh là do lao động đơn phương nghỉ việc với lý do muốn chuyển đổi công việc hoặc nghỉ việc theo thỏa thuận. Sau đó, người lao động thường hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần. Tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng và nguy cơ dẫn đến mất ổn định trong hệ thống an sinh xã hội”.
Để hạn chế tình trạng này, đại diện Vụ Pháp chế cho biết: "Bộ LĐ-TB-XH sẽ nghiên cứu đưa vào Luật Lao động sửa đổi, trong đó, mục hợp đồng lao động sẽ có các quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo quyền lợi người lao động, hạn chế mức thấp nhất việc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Bộ LĐ-TB-XH cũng đã thành lập đề án nghiên cứu cả trong và ngoài nước để tìm ra giải pháp phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam”./.