Sắc đỏ bao trùm bảng giá hàng hóa nguyên liệu thế giới

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, kết thúc phiên ngày 25/4, 24 trên tổng số 31 mặt hàng đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ đã kéo chỉ số hàng hóa MXV- Index giảm mạnh 1,65% xuống 2.264 điểm, mức thấp nhất trong vòng 1 tháng. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng ghi nhận sụt giảm, đạt gần 3.200 tỷ đồng.

Cả 2 loại dầu thô WTI và Brent đều ghi nhận mức giảm mạnh hơn 2% trong phiên ngày 25/4 do dữ liệu kinh tế kém tích cực của Mỹ và triển vọng tiêu thụ tương đối yếu. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 2,15% xuống 77,07 USD/thùng, dầu Brent giảm 2,37% xuống 80,77 USD/thùng.

Giá đồng lao dốc phiên thứ năm liên tiếp

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/4, nhóm kim loại quý tiếp tục phân hóa, trong khi sắc đỏ bao phủ bảng giá nhóm kim loại cơ bản. Giá giá bạch kim nhích nhẹ 0,05% lên 1098,2 USD/ounce. Trái lại, giá bạc giảm 1,69% về 24,88 USD/ounce.

Nguyên nhân chính cho diễn biến này xuất phát từ những lo ngại của các nhà đầu tư về nguy cơ suy thoái kinh tế. Cả giá bạc và giá bạch kim đều gặp sức ép nhưng dần hồi phục vào cuối phiên khi mà những lo ngại tăng trưởng kinh tế kém cũng khiến cho vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý được kỳ vọng nhiều hơn.

Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng đóng cửa trong sắc đỏ phiên thứ 5 liên tiếp với mức giảm 2,68% về 3,85 USD/pound, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 1/2023. Giá quặng sắt giảm 1,41% về 102,44 USD/tấn và là mức thấp nhất trong vòng 5 tháng.

Bên cạnh sức ép từ đồng bạc xanh, giá các mặt hàng kim loại cơ bản đồng loạt suy yếu khi lo ngại suy thoái làm cho bức tranh tiêu thụ kém sắc.

Triển vọng tiêu thụ không tăng trưởng trong khi nguồn cung quặng sắt và nguồn cung đồng đều ổn định khiến cho sức ép bán liên tục được gia tăng. Tồn kho đồng trên Sở COMEX và Sở Thượng Hải tăng lên lần lượt 27.249 tấn và 60.775 tấn. Với thị trường quặng sắt, sản lượng của ba công ty khai thác lớn nhất thế giới là BHP, Rio Tinto (Australia) và Vale (Brazil) đều dự kiến sẽ tăng trưởng.

Nhu cầu tiêu thụ là bài toán khó với ngành sản xuất thép trong nước

Trong bối cảnh tiêu thụ sắt thép trên thế giới vẫn còn yếu và giá sắt thép tiếp tục giảm, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần, giá thép trong nước cũng đã được điều chỉnh giảm 3 lần liên tiếp kể từ đầu tháng 4.

Lần điều chỉnh mới nhất là vào ngày 21/4, ghi nhận nhiều thương hiệu thông báo giảm giá thép xây dựng với mức giảm từ 130.000 - 1,12 triệu đồng/tấn.

Nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn đang là một bài toán khó với các nhà sản xuất thép, nhất là khi ngành địa ốc còn gặp nhiều khó khăn.

MXV nhận định, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, đa dạng hóa nhu cầu đầu ra là bài toán thiết yếu. Đối với nội địa, đầu tư công và nhà ở xã hội sẽ là điểm sáng.

Trong khi đó, đối với thị trường quốc tế, nhu cầu thép tại Ấn Độ được dự kiến sẽ tăng trưởng hai con số khoảng 11,3% trong năm 2023, do sự hỗ trợ của Chính phủ nhằm cơ sở hạ tầng hóa, thúc đẩy nền kinh tế. Hiện tại, Ấn Độ chiếm khoảng 15% cơ cấu xuất khẩu thép của Việt Nam.

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/sac-do-bao-trum-bang-gia-hang-hoa-nguyen-lieu-the-gioi-102230426094002003.htm