Sắc phong và câu chuyện bảo tồnTin khácKết nối các nguồn lực chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mơíDanh sách cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu 'Công dân Lạng Sơn ưu tú' lần thứ nhất, năm 2021

Hiện nay, tại các di tích của Lạng Sơn còn lưu giữ khá nhiều sắc phong do các triều đại phong kiến ban tặng. Đây là nguồn di sản tư liệu quý giá, góp phần làm rõ giá trị của các di tích. Thời gian qua, mặc dù Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có nhiều giải pháp góp phần bảo tồn, phát huy song do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các sắc phong vẫn đang đứng trước nguy cơ hư hỏng.

Đình Vằng Khắc, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình đang lưu giữ 6 đạo sắc phong cổ, gồm đạo sắc năm Cảnh Hưng thứ 28 năm 1767; đạo sắc dưới thời vua Tự Đức, Duy Tân, Khải Định cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Giá trị là vậy nhưng hiện nay, các sắc phong này đều được bảo quản một cách sơ sài với điều kiện môi trường không đảm bảo, 5/6 đạo sắc đã bị mục nát.

Ông Đinh Văn Hòa, Thủ từ đình Vằng Khắc cho biết: Chúng tôi để các sắc phong vào một ống nhựa được làm từ năm 1979 và treo trong buồng. Chúng tôi thấy các cụ cất thế nào thì tôi làm theo chứ cũng không biết làm sao để bảo quản tốt hơn. Chúng tôi rất mong các cơ quan Nhà nước có hướng dẫn lưu trữ để sắc phong của đình không bị mai một.

Thủ từ đình Vằng Khắc, huyện Lộc Bình trăn trở trước những đạo sắc phong ngày càng bị hư hỏng

Thủ từ đình Vằng Khắc, huyện Lộc Bình trăn trở trước những đạo sắc phong ngày càng bị hư hỏng

Hay như tại di tích đền Vua Lê, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn hiện còn 1 đạo sắc của vua Khải Định năm 1916. Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù đã được Ban quản lý đóng khung để bảo vệ nhưng do thời gian lâu ngày nên sắc phong có hiện tượng mờ chữ, khói hương ám đen. Việc các sắc phong bị hư hại một cách đáng tiếc không chỉ xảy ra ở đình Vằng Khắc hay đền Vua Lê mà còn bắt gặp ở nhiều điểm di tích trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu thống kê của Sở VH,TT&DL, toàn tỉnh đang lưu giữ hơn 40 đạo sắc phong tại các đình, đền. Tất cả đều thuộc loại sắc phong thần, tiêu biểu như: đền Đức Thánh Trần (thành phố Lạng Sơn) có 9 sắc phong; đền Quan Giám Sát (huyện Hữu Lũng) có 4 sắc phong… Hầu hết các sắc phong ở Lạng Sơn đều có niên đại từ thời Lê trung hưng đến thời Nguyễn. Đây là nguồn di sản tư liệu quý góp phần làm rõ giá trị của các di tích.

Thời gian qua, Sở VH,TT&DL đã triển khai một số giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các đạo sắc phong. Cụ thể, từ năm 1992 đến nay, sở đã giao Bảo tàng tỉnh tiến hành khảo sát, phiên âm dịch nghĩa và sao chụp lại các sắc phong tại các đình, đền trong toàn tỉnh. Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Chúng tôi đã tích cực sưu tầm, biên dịch các sắc phong cổ để lưu kho phục vụ nghiên cứu, tuyên truyền. Hiện nay, bảo tàng đang lưu giữ 1 đạo sắc gốc và 5 bản dịch sắc phong. Hằng năm, chúng tôi cũng thường xuyên chọn lựa các bản dịch sắc phong đặc sắc có giá trị để trưng bày, giới thiệu đến du khách gần xa.

Song song với đó, mỗi năm, Sở VH,TT&DL mời các nhà khoa học thuộc Viện Hán Nôm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia… nghiên cứu làm rõ giá trị của các bản sắc phong. Năm 2012, sở đã cho ra mắt cuốn sách “Văn hóa Lạng Sơn thần tích thần sắc” giới thiệu một số bản sắc phong hiện có. Đặc biệt, Sở VH,TT&DL cũng xây dựng Đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030 trình UBND ký phê duyệt, trong đó bao gồm cả sắc phong.

Tuy nhiên, câu chuyện bảo tồn sắc phong hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như: thiếu kinh phí; đội ngũ ban quản lý, thủ từ, thủ nhang chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo quản, lưu giữ sắc phong; các tấm sắc phong này đều làm bằng giấy dó dễ bị tác động bởi điều kiện thời tiết môi trường, do đó, nhiều đạo sắc phong bị rách nát, chữ mờ, hư hỏng.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Sắc phong là những tư liệu văn tự vô giá giúp xác định giá trị của một di tích để lập hồ sơ xếp hạng. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan sưu tầm, biên dịch các sắc phong còn lưu lạc trong dân gian, tập hợp lại và in thành sách phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường hướng dẫn các thủ từ, thủ nhang, ban quản lý cơ sở thờ tự cách bảo quản, lưu giữ sắc phong, góp phần phát huy lâu dài giá trị của di sản tư liệu quý giá này.

Có thể khẳng định, sắc phong là một trong những di sản quý báu của Lạng Sơn. Các sắc phong là tư liệu chữ viết quan trọng phục vụ đắc lực cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa. Do vậy, việc bảo tồn, bảo quản các sắc phong là việc làm cấp thiết và quan trọng, góp phần lưu giữ cho thế hệ mai sau.

Sắc phong (sách phong hay thần sắc) là văn bản do nhà vua ban để phong chức tước, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần được thờ trong các đình, đền. Sắc phong gồm 2 loại chính: sắc phong chức tước và sắc phong thần, thường được làm bằng loại giấy dó đặc biệt gọi là giấy sắc, được trang trí những họa tiết phù hợp với từng loại sắc phong và đặc trưng của mỗi thời kỳ lịch sử. Mỗi đạo sắc phong gồm các nội dung: địa chỉ thờ thần; tên gọi của thần; lý do thần được sắc phong hoặc nâng cấp phẩm trật; trách nhiệm của thần đối với dân sở tại; trách nhiệm của dân đối với thần; ngày tháng năm ban sắc

ĐỨC TÂM

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/442110-sac-phong-va-cau-chuyen-bao-ton.html