Sài Gòn háo hức xe đạp công cộng, đừng để mấy hôm rồi bỏ xó

Dịch vụ thuê xe đạp công cộng tại TP.HCM đang thu hút nhiều người dân trải nghiệm miễn phí. Dẫu vậy, mô hình tương tự tại Hà Nội từng 'sập' nhiều năm trước khiến băn khoăn về việc duy trì còn là một dấu hỏi.

Công nghệ hiện đại chống trộm

Chiều Chủ nhật, Thảo Trâm (quận Bình Thạnh) lần đầu tiên rủ bạn trải nghiệm dịch vụ thuê xe đạp công cộng tại TP.HCM. Đối với một người yêu thích bộ môn đạp xe thì việc có thêm lựa chọn di chuyển bằng hình thức này là điều khá thú vị.

Trâm cho rằng, đạp xe trước tiên giúp tăng cường sức khỏe cho chính bản thân. Ngoài ra, đây cũng là phương tiện góp phần giảm ô nhiễm môi trường cho TP vốn đã quá nhiều ô tô, xe máy.

Từ 4-10/12, dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng được chủ đầu tư bố trí cho người dân trải nghiệm miễn phí ở trạm nằm trên vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1).

Ông Đỗ Bá Quân - đại diện chủ đầu tư - cho biết, TP.HCM đã bàn giao 43 điểm đỗ xe đạp công cộng ở khu vực trung tâm. DN đã nhập về khoảng 500 xe và đang chuẩn bị lắp đặt biển báo, vị trí đậu xe... Mỗi điểm sẽ bố trí tối thiểu 5 xe, nhiều là 15 xe. Các điểm cần có vỉa hè rộng để không ảnh hưởng đến giao thông cũng như hoạt động kinh doanh của các hộ dân.

Một điểm đỗ xe của dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng (ảnh: Trần Chung)

Một điểm đỗ xe của dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng (ảnh: Trần Chung)

Trước mắt, giá vé được tính là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút... Thời gian đầu, người thuê xe được miễn phí 15 phút đầu sử dụng. DN khai thác cũng đang tính toán đa dạng các loại vé. Mỗi ngày đang có khoảng 70-100 người trải nghiệm thử. Dự kiến, dịch vụ thuê xe đạp công cộng sẽ chính thức khai trương trong tháng 12.

Muốn thuê xe, người dân chỉ cần tải app miễn phí, cài đặt ứng dụng của đơn vụ cung cấp dịch vụ trên điện thoại thông minh. Sau đó, đăng ký tài khoản một lần với thông tin cá nhân hợp lệ và nạp tiền vào tài khoản thuê xe. Qua ứng dụng, có thể quét xung quanh để tìm được trạm còn xe thuê gần nhất. Ứng dụng có sẵn mã quét mở khóa xe. Kết thúc hành trình, người dân cất xe vào nơi quy định để khóa xe.

Nhằm ngăn ngừa hành vị trộm cắp, trên xe đã tích hợp công nghệ hiện đại, định vị mọi nơi khi xe di chuyển. Văn phòng của đơn vị cung ứng dịch vụ luôn có đội ngũ kiểm tra xe di chuyển bất hợp pháp. Ví dụ, khóa chưa mở mà xe chạy, chỉ sau 5 giây là đã phát hiện xe không hợp lệ và có biện pháp xử lý kịp thời.

Để không đi theo “vết xe đổ” tại Hà Nội

Theo Sở GTVT TP.HCM, việc thí điểm cho thuê xe đạp công cộng ở trung tâm TP sẽ góp phần hạn chế xe cá nhân, hỗ trợ kết nối giao thông công cộng trên địa bàn.

Tuy nhiên, để duy trì được “dịch vụ xanh” này sau khi đưa vào hoạt động vẫn cần có thời gian mới có câu trả lời. Dẫn chứng câu chuyện từ năm 2014, Hà Nội từng tiến hành thí điểm cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng nhưng đã thất bại với mô hình này vì chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng.

Người dân TP.HCM thích thú trải nghiệm dịch vụ văn minh này (ảnh: Trần Chung)

Người dân TP.HCM thích thú trải nghiệm dịch vụ văn minh này (ảnh: Trần Chung)

Đề án khi đó được kỳ vọng sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm nguồn nhiên liệu, vì một Hà Nội xanh - sạch - đẹp hơn. Nhưng thực tế, các điểm cho thuê xe đạp tại Thủ đô chỉ hoạt động một thời gian ngắn; sau đó phải ngưng vì ế khách và không đủ nguồn lực duy trì.

Trước băn khoăn về việc làm sao để không đi vào “vết xe đổ” của mô hình tại Hà Nội, đại diện chủ đầu tư cho biết, đã có sự nghiên cứu và tìm hiểu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những đô thị văn minh sử dụng mô hình này rất tốt. DN tin mô hình sẽ đạt hiệu quả, thuận tiện ở TP.HCM. Đặc biệt, sau dịch bệnh, trào lưu giới trẻ thích đi xe đạp để trải nghiệm và tăng cường sức khỏe.

Về phía người trải nghiệm dịch vụ, Thu Hạnh (TP. Thủ Đức) nhận xét, nhu cầu đi xe đạp tăng cao thì dịch vụ cho thuê xe công cộng tại TP sẽ “đắt khách”. Dẫu vậy, TP.HCM chưa có nhiều làn đường dành riêng cho xe đạp nên sẽ ảnh hưởng tới tâm lý khi sử dụng phương tiện này lưu thông. Khi chưa có làn đường riêng, người dân vẫn đi xe máy là chính. Nếu không, họ chọn khung giờ ít phương tiện giao thông mới dám đi xe đạp.

“Phương tiện công cộng phát triển thì xe đạp mới xuất hiện nhiều hơn. Tôi thấy dịch vụ này thí điểm ở khu trung tâm chỉ phù hợp cho người muốn đi dạo, đi du lịch quanh thành phố hơn là đi làm”, Hạnh nói.

Trần Chung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/dan-sai-gon-hao-huc-thue-xe-dap-cong-cong-798680.html