'Sài Gòn trong tôi': Tái hiện di sản văn hóa bằng ký họa

Hình ảnh Sài Gòn – TP.HCM xưa và nay, cũ và mới, lớn và bé, xa và gần… sẽ được tái hiện trong triển lãm tranh ký họa 'Sài Gòn trong tôi'.

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11) năm nay, Maii Art Space sẽ tổ chức triển lãm mỹ thuật tranh ký họa với chủ đề Sài Gòn trong tôi.

Triển lãm với sự tham của hầu hết là các kiến trúc sư (KTS) có những gắn bó nghề nghiệp nhất định và có một tình yêu nồng nàn với Sài Gòn, như KTS Bùi Hoàng Bảo, KTS Hoàng Dũng, KTS Bùi Văn Hoàn (Noah Bùi), KTS Trần Xuân Hồng, KTS Hoàng Hải Linh, KTS Lâm Đức Trọng (Bờm)…

Những bản vẽ ký họa ghi lại góc nhìn cảm nhận thực tế nhịp sống phố thị - Ảnh: BTC

Những bản vẽ ký họa ghi lại góc nhìn cảm nhận thực tế nhịp sống phố thị - Ảnh: BTC

Điều thú vị hơn nữa là các KTS này đều góp mặt trong nhóm Việt Nam Du Họa Ký, được thành lập cách đây 4 năm, hiện đã có gần 14.000 thành viên trên khắp mọi miền đất nước tham gia. Nhóm có một fanpage cùng tên do KTS Lâm Đức Trọng (Bờm) đang làm admin tập hợp nhiều thành viên không chỉ là KTS hay họa sĩ, mà ở nhiều ngành nghề khác nhau. Tất cả đều gặp nhau ở tâm hồn đồng điệu, yêu di sản, đời sống văn hóa thị dân và văn hóa các vùng miền,…

Trong vài năm qua, nhóm những KTS ký họa tại Sài Gòn này đã tham gia chuyên mục “Góc di sản” đều đặn trên báo Thanh Niên số ra chủ nhật hằng tuần, cùng với các cây bút ký họa khắp các vùng miền, đã khơi lên phong trào vẽ ký họa sôi nổi trong các bạn trẻ.

Những góc di sản văn hóa Việt Nam qua góc nhìn của từng tác giả, thêm một lần được khám phá, và trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Bằng một cách nào đó, di sản văn hóa như được phục hưng lại, trong thời đại công nghệ 4.0 này. Nó không chỉ là những tư liệu khô cứng, mà thành tác phẩm nghệ thuật, để các bạn trẻ có thể “dạo bước miền di sản”, tự mình khám phá và tự trải nghiệm những bài học sử Việt – văn hóa Việt.

Từ những hoạt động đầy sôi nổi và ý nghĩa đó, tiến tới chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 2024, không gian nghệ thuật Maii Art Space đã kết nối, “đặt hàng” nhóm Việt Nam Du Ký Họa thực hiện riêng một serie ký họa Sài Gòn – TP.HCM.

Từ Bưu điện thành phố, đến Nhà thờ Đức Bà, Hồ Con Rùa, Lăng Ông Bà Chiểu, chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, chợ Xóm Chiếu, Thư viện Khoa học Tổng hợp… được ký họa thật sinh động. Người thưởng ngoạn như vừa được “điểm danh” những di sản kiến trúc và văn hóa đặc thù Sài Gòn.

Bên cạnh những góc nhìn lung linh phố thị, còn có những tác phẩm thể hiện sự bình dị, mộc mạc của cuộc sống thường ngày ở Sài Gòn như những gánh hàng rong, xe xích lô, mưa đêm… mang đến cho người xem cảm giác ấm áp, thân thương về những hình ảnh lao động thân thiện, gần gũi của Sài Gòn.

Ký họa bút sắt một biệt thự cổ Sài Gòn dưới nét vẽ của KTS Trần Xuân Hồng

Ký họa bút sắt một biệt thự cổ Sài Gòn dưới nét vẽ của KTS Trần Xuân Hồng

Với hơn 50 tác phẩm ký họa và nghệ thuật hội họa, trên nhiều chất liệu, với những nét vẽ tôn vinh vẻ đẹp ẩn mình trong từng góc phố, con người và cuộc sống của Sài Gòn đa sắc màu, sống động, mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một góc nhìn riêng về Sài Gòn mang đến cho người xem cảm giác như được hòa mình vào không khí nhộn nhịp nhưng cũng thật sâu lắng và trữ tình của thành phố phương nam này.

Qua các tác phẩm ký họa, Sài Gòn – TP.HCM hiện ra vừa chân thật vừa phong phú. Bên cạnh nét sống động, rực rỡ là sự bình dị, mộc mạc. Triển lãm khơi gợi cho người xem nhiều cảm xúc qua những công trình nổi tiếng, những gánh hàng rong, những mái ngói rêu phong, hay những con hẻm nhỏ ẩn mình sau những tòa nhà cao tầng… Những nét đẹp văn hóa ấy được thể hiện một cách tinh tế, nhẹ nhàng, khiến người xem thêm yêu và trân trọng thành phố này, và truyền cảm hứng để yêu thêm Sài Gòn - một thành phố đa dạng bản sắc văn hóa.

Ký họa màu nước nắng chiều tà Sài Gòn dưới nét vẽ của KTS Hoàng Dũng

Ký họa màu nước nắng chiều tà Sài Gòn dưới nét vẽ của KTS Hoàng Dũng

Chưa phải là tất cả, nhưng sự góp mặt của 6 KTS đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM lần này đã mang đến cho triển lãm những góc nhìn, những sắc màu ký họa rất độc đáo.

Từ góc nhìn người trong cuộc, KTS Lâm Đức Trọng (Họa sĩ Bờm) chia sẻ thêm: “Hình ảnh các nhóm bạn, cả bạn trẻ lẫn các cụ đã già, tụ hội với nhau để vẽ ngoài trời, đã trở thành hình ảnh quen thuộc với các đô thị lớn như Sài Gòn.

Khác với bộ môn nhiếp ảnh, vẽ ký họa đòi hỏi nhiều sự chuyên cần và khả năng chịu nắng mưa của họa sĩ. Lang thang, rong ruổi trên xe máy, họ đi tìm những phố phường còn dấu tích của Sài Gòn một thời vang bóng, những góc phố, hẻm sâu, xe đẩy hàng rong, những cây cầu, những vỉa hè nhộn nhịp, các mảng tường cổ trăm năm tuổi mang hồn phách đô thị... để đắm chìm vào đường nét của vôi vữa, của nhịp sống, ghi lại các họa tiết sắt gỗ của một thời ông cha ứng dụng mỹ thuật tinh tế...

Đa phần các họa sĩ thường thích ký họa đen trắng, nhưng một vài người lại thích đưa nhiều sắc màu vào tranh. Vẽ ký họa còn có cái hay là dễ chan hòa, một số họa sĩ còn chở cả các con cháu nhỏ đi theo để cùng vẽ cùng vui chơi. Thật là hoạt động văn hóa đặc trưng đô thị, đối với họ, vẽ chính là hoạt động thường ngày như tập thể dục vậy, khỏe và tốt cho tinh thần”.

Trong thời gian triển lãm sẽ có buổi tọa đàm nhỏ chủ đề Để Sài Gòn còn mãi trong tôi (diễn ra vào 9 giờ ngày 13.10), với sự tham gia của các diễn giả, gồm: TS khảo cổ học – nhà văn Nguyễn Thị Hậu, KTS Bùi Hoàng Bảo và nhà văn Trần Nhã Thụy (trong vai trò người dẫn chuyện).

Triển lãm chính thức khai mạc vào lúc 10.10.2024 tại Maii Art Space (72/7 Trần Quốc Toản, P.8, Q.3, TP.HCM), kéo dài đến hết ngày 17.10.

Tiểu Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/sai-gon-trong-toi-tai-hien-di-san-van-hoa-bang-ky-hoa-224684.html