Sai lầm mẹ nào cũng mắc khi dùng chảo chống dính, cứ tiếp tục đảm bảo ung thư sẽ ghé thăm
Chảo chống dính là vật dụng quen thuộc, thế nhưng không ít người mắc phải những sai lầm khi sử dụng chảo chống dính gây hại đến sức khỏe.
Chảo chống dính là một trong những vật dụng mà bất cứ nhà bếp nào cũng phải có. Nó chắc chắn là trợ thủ đắc lực trong việc bạn cần tráng trứng, rán cá, hay xào rau...
Thế nhưng có một sự thật "đau lòng" là không phải bất cứ ai cũng biết cách sử dụng chảo chống dính đúng. Không những thế, việc để các lớp chống dính bong tróc ra, dính vào đồ ăn vừa khiến chảo nhanh hỏng lại vừa khiến người dùng bị nhiễm độc, tăng nguy cơ bị ung thư.
Cùng điểm lại một vài sai lầm mà Business Insider chỉ ra dưới đây để có cách sử dụng chảo chống dính hiệu quả và an toàn cho sức khỏe nhất.
1. Để chảo ở nhiệt độ quá cao khi chưa có đồ ăn
Nhiều người có thói quen cho chảo chống dính lên bếp và để lửa cao ngay cả khi chưa có đồ ăn nấu kèm. Đây thực sự là một sai lầm lớn.
Theo các chuyên gia, việc để lửa cao khi dùng chảo chống dính sẽ khiến chất chống dính bắt đầu bị phân hủy, chảo sẽ nhanh chóng bị hỏng, ngoài ra nó còn giải phóng các phân tử độc hại gây ung thư.
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, bạn chỉ nên giữ nhiệt độ ở mức trung bình hoặc thấp, không để lửa bén vào lòng chảo, tuyệt đối tránh để chảo không trên bếp nóng khi chưa có dầu, mỡ hoặc thức ăn trong chảo.
2. Dùng đồ kim loại khi chiên rán bằng chảo chống dính
Các đồ dùng bằng kim loại như đũa, muỗng rất dễ làm cho bề mặt của chảo bị hỏng, bong lớp chống dính.
Vì thế, bạn nên từ bỏ thói quen dùng kéo cắt thức ăn trong chảo hoặc đũa kim loại để xào thức ăn. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng một số dụng cụ nhà bếp bằng gỗ hay silicon.
3. Dùng miếng cọ rửa kim loại để làm sạch chảo
Thay vì dùng miếng rửa kim loại để làm sạch chảo, bạn nên ngâm chảo trước rồi sử dụng các miếng rửa bát mềm để làm sạch.
Việc kì cọ chảo bằng miếng cọ rửa kim loại sẽ gây xước, bong tróc lớp màng chống dính trên chảo. Bên cạnh đó, bạn cũng không nên cho chảo chống dính vào máy rửa bát. Mặc dù một số chảo có dán nhãn "an toàn khi rửa bằng máy" nhưng máy rửa bát có thể từ từ phá hủy lớp màng chống dính này.
4. Dùng bình xịt dầu ăn
Theo các đầu bếp chuyên nghiệp, việc sử dụng bình xịt dầu ăn có thể khiến chảo chống dính hỏng nhanh hơn so với bình thường.
Cụ thể, dầu ăn từ bình xịt sẽ tích tụ lên bề mặt của chảo khi đun nóng làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của chảo.
5. Chế biến các món ăn có tính axit với chảo chống dính
Bạn nên hạn chế sử dụng chảo chống dính để chế biến các loại thực phẩm có tính axit như cà chua, chanh... hoặc lưu giữ lại thức ăn ở trong chảo. Hàm lượng axit có trong các nguyên liệu này sẽ khiến giảm tuổi thọ của chảo cũng như khiến lớp chống dính dễ bong tróc hơn.
6. Để chảo cùng các vật có góc sắc nhọn
Để tăng tuổi thọ của chảo chống dính, các chị em nên cất giữ chúng ở nơi thông thoáng, không nên đặt cùng vị trí với các vật sắc nhọn, có góc cạnh. Bạn cũng không nên để bề mặt chảo tiếp xúc với đáy của các loại dụng cụ nhà bếp khác.
Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý, sau khi rửa chảo sạch hãy dùng khăn bông sạch để lau khô. Cách làm này vừa giúp chảo sạch hơn lại có khả năng ngăn ngừa hình thành gỉ sét.
7. Rửa chảo khi vừa dùng xong
Chuyên gia Mariette Mifflin lưu ý, không nên rửa chảo khi vừa chiên rán xong, do nhiệt độ thay đổi đột ngột dễ khiến chảo bị biến dạng và bong tróc lớp chống dính.
Bạn chỉ nên ngâm nước hoặc rửa khi chảo gần nguội. Ngoài ra, việc ngâm giúp cặn muối và thức ăn thừa dễ gột rửa hơn.