Sai lầm sau vụ 4 cô gái bị đánh đập ở Trung Quốc

Chính quyền tập trung vào bạo lực băng đảng sau cuộc tấn công tàn bạo ở Đường Sơn nhưng điều này không giúp bảo vệ phụ nữ.

Sau khi đoạn phim CCTV ghi lại cảnh nhóm đàn ông tấn công 4 phụ nữ dã man tại nhà hàng ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc được lan truyền vào tháng trước, mọi con mắt đều đổ dồn vào các nhà chức trách Trung Quốc và mong đợi câu trả lời.

Video làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của công chúng và các cuộc thảo luận về tình trạng bạo lực có hệ thống đối với phụ nữ ở đất nước tỷ dân.

Nhiều người kỳ vọng rằng lần này, với tính chất bạo lực nghiêm trọng, bằng chứng không thể chối cãi cũng như sự lan truyền của cảnh quay, điều gì đó sẽ phải thay đổi.

Nhưng thay vào đó, Tòa án Tối cao lại xem xét hoạt động băng đảng và tội phạm có tổ chức, theo SCMP.

 Vụ bạo lực ở Đường Sơn gây phẫn nộ dư luận nhưng phụ nữ vẫn phải tự bảo vệ mình sau đó. Ảnh: The Straits Times.

Vụ bạo lực ở Đường Sơn gây phẫn nộ dư luận nhưng phụ nữ vẫn phải tự bảo vệ mình sau đó. Ảnh: The Straits Times.

Vẫn bị ngó lơ

Mặc dù đề cập ngắn gọn đến phụ nữ khi lên án “các vụ tấn công dã man đối với phụ nữ, trẻ em và người già”, tòa án chỉ yêu cầu thẩm phán tập trung vào các vụ giết người, tội phạm có tổ chức, cướp và tội phạm liên quan đến súng hoặc chất nổ.

Các hành vi gian lận và lừa đảo nhắm vào người cao tuổi cũng được nhấn mạnh nhưng bạo lực đối với phụ nữ chưa bao giờ được đề cập cụ thể.

Hơn một tháng kể từ khi vụ tấn công xảy ra, có quá đủ thời gian để Đường Sơn, và Trung Quốc nói chung, thực hiện các hành động lâu dài hơn để bảo vệ phụ nữ khỏi bị lạm dụng.

Một số thay đổi đã được thực hiện. Đường Sơn bị tước bỏ danh hiệu “văn minh” được trao cho các thành phố có trật tự xã hội tốt của Trung Quốc. Tỉnh Hà Bắc tiến hành xem xét kỷ luật đối với lực lượng cảnh sát Đường Sơn, một phó cảnh sát trưởng bị sa thải và tăng cường tuần tra ban đêm trong thành phố.

Tuy nhiên, không có biện pháp nào giải quyết được vấn đề bạo lực đối với phụ nữ. Điều này thật đáng lo ngại vì tội ác chống lại phụ nữ đang là tình trạng phổ biến trên khắp Trung Quốc.

 Một phụ nữ đi dọc con hẻm ở Bắc Kinh ngày 8/7. Vụ bạo lực ở Đường Sơn làm nâng cao nhận thức về sự cần thiết của an toàn đối với phụ nữ. Ảnh: EPA-EFE.

Một phụ nữ đi dọc con hẻm ở Bắc Kinh ngày 8/7. Vụ bạo lực ở Đường Sơn làm nâng cao nhận thức về sự cần thiết của an toàn đối với phụ nữ. Ảnh: EPA-EFE.

Tháng 9/2020, Lhamo, blogger ở Tây Tạng, bị chồng cũ sát hại khi đang phát trực tiếp. Tháng 11/2021, Peng Shuai, một trong những VĐV quần vợt hàng đầu của Trung Quốc, cáo buộc một cựu quan chức ép cô quan hệ tình dục. Tháng 1 năm nay, một bà mẹ 8 con bị xích trong túp lều ở Từ Châu, tỉnh Giang Tô, được phát hiện bởi một vlogger đi ngang qua. Và vào tháng 6, biến cố ở Đường Sơn nổ ra.

Bạo lực đối với phụ nữ tồn tại trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc luôn từ chối giải quyết tội ác đối với phụ nữ như vấn đề mang tính hệ thống.

Trong trường hợp của Lhamo, cảnh sát cho biết việc lạm dụng cô là vấn đề riêng tư của gia đình.

Peng đã biến mất trong 2 tuần sau khi những lời buộc tội của cô bị kiểm duyệt trực tuyến.

Tại Giang Tô, các quan chức địa phương ban đầu bác bỏ ý kiến cho rằng người phụ nữ bị xích có thể là nạn nhân của nạn buôn người và chỉ thay đổi quan điểm khi đối mặt với áp lực dữ dội từ dư luận.

Tại Đường Sơn, một báo cáo cho thấy việc xử lý vụ việc của cảnh sát là “chậm và không đúng quy trình”.

Tự bảo vệ mình

Trong môi trường vốn đã thù địch, việc Bắc Kinh không khoan dung với chủ nghĩa hoạt động hoặc các tổ chức cơ sở có nghĩa là phụ nữ Trung Quốc cũng phải đối mặt với cuộc đàn áp dữ dội đối với bất kỳ hoạt động nữ quyền nào.

Tháng 4, Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc tuyên bố “chủ nghĩa nữ quyền cực đoan đã trở thành khối u ác tính trên Internet”. Global Times gọi phong trào #MeToo là “công cụ chính trị để lật đổ chính phủ dưới chiêu bài bảo vệ quyền phụ nữ”.

Hiến pháp của Trung Quốc đảm bảo phụ nữ “có quyền bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực của cuộc sống” nhưng đất nước này lại tụt hậu so với hầu hết quốc gia khác về bình đẳng giới. Theo Chỉ số Bình đẳng Giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung Quốc giảm từ vị trí 63/115 quốc gia vào năm 2006 xuống thứ 103/149 vào năm 2018.

 Phong trào #MeToo vẫn bị bóp nghẹt ở Trung Quốc. Nhiều phụ nữ phải tự tìm các bảo vệ mình. Ảnh: AP.

Phong trào #MeToo vẫn bị bóp nghẹt ở Trung Quốc. Nhiều phụ nữ phải tự tìm các bảo vệ mình. Ảnh: AP.

Hiện nay, hashtag #MeToo vẫn được kiểm duyệt trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, hạn chế mọi cuộc thảo luận về quyền và bình đẳng của phụ nữ.

Vụ tấn công ở Đường Sơn là cơ hội khác để Trung Quốc hành động nghiêm túc về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ ở quốc gia này. Tuy nhiên, một lần nữa, nhà chức trách chưa cho thấy bất kỳ hành động nào hoặc thậm chí thừa nhận đây là vấn đề hệ thống.

Không được chính quyền và luật pháp hỗ trợ, phụ nữ Trung Quốc sẽ phải tự chống đỡ. Nhiều người đăng ký các lớp học tự vệ. Một ngày sau cuộc tấn công ở Đường Sơn, các tìm kiếm về “khả năng tự vệ của phụ nữ” đã tăng gấp 7 lần, theo Chỉ số Baidu. Tuy nhiên, điều đó chẳng khác nào lấy băng cá nhân dán vào vết thương do đạn bắn.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sai-lam-sau-vu-4-co-gai-bi-danh-dap-o-trung-quoc-post1338238.html